Đầu năm 2015, nắm bắt từ tình hình thực tế mưa lũ tại tỉnh nhà và các vùng lân cận đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Từ đó, các em bắt đầu lên ý tưởng làm sao để người dân biết được lúc nào lũ đến, mức độ cao hay thấp và báo động nước lũ trong đêm để chủ động trong công tác phòng tránh và giảm thiểu tác hại do lũ lụt gây ra.
Em Thu Hương cho biết: “Sau khi có ý tưởng nhóm chúng em bắt đầu thảo luận và đi khảo sát, tìm hiểu các mức nước, các cấp báo động lũ lụt tại các trạm thủy văn, các hồ chứa nước đầu nguồn để từ đó xây dựng ý tưởng này dựa trên nguyên tắc hệ thống công tắc từ và sóng vô tuyến (sóng điện từ)”.
Dưới sự hỗ trợ của hai thầy giáo Hà Phong (giáo viên môn Họa), thầy Hồ Tấn Chu (giáo viên môn Toán), sản phẩm bắt đầu được lắp ghép và chế tạo từng bộ phận như: khung sản phẩm làm bằng mica, phao nổi, công tắc cảm ứng từ tự chế, bộ thu phát sóng vô tuyến dùng để thu tín hiệu cảnh báo phát về các trạm địa phương hoặc người dân để có biện pháp phòng tránh kịp thời.
Mô hình vận hành theo nguyên lý, khi mực nước ở các sông dâng lên, phao nổi dạng hình hộp chữ nhật được cố định trong khung định vị dâng lên theo. Trên khung định vị sẽ lắp ba công tắc từ tự chế tương ứng với ba mức độ báo lũ ở địa phương là báo động 1, báo động 2, báo động 3.
Sau đó, trên phao nổi, trang bị một nam châm vĩnh cửu để hút và đóng các công tắc từ ở mỗi mức tương ứng. Lúc này, bộ đếm thời gian sẽ hoạt động (nó sẽ tự động ngắt trong thời gian báo phù hợp để tiết kiệm điện). Đồng thời ở hệ thống loa có trang bị một hệ thống thu phát tín hiệu radio tần số FM để phát ra tín hiệu tần số radio.
Ngoài ra, mô hình cũng có thể trang bị từ trạm thủy văn đầu nguồn đến các trạm địa phương hay cho từng hộ gia đình để báo động mức nước lên trong đêm tạo thành một khối liên kết dự báo chặt chẽ trong phòng tránh lũ lụt.
Em Phạm Quốc Đạt cho biết, các trạm trực trung tâm của huyện sẽ có hệ thống thu nhận tần số này (có thể là máy radio, điện thoại hay máy tính dò tần số) để báo về mỗi trạm địa phương. Khi đó mức độ báo động được thiết kế kết nối với bộ phận âm thanh gồm còi hú và âm thanh cảnh báo tương ứng: “Hiện tại mực nước đang ở mức báo động… đề nghị các trạm và người dân có biện pháp… để phòng chống”.
Điều đặc biệt là hệ thống có thể duy trì khi cúp điện nhờ nguồn điện dự trữ thông qua công tắc từ được lắp song song với nguồn điện chính, khi nguồn điện chính ngắt thì công tắc cảm ứng sẽ tự đóng nguồn điện dự trữ để sử dụng.
Thầy giáo Hồ Tấn Chu cho hay, khi các em chia sẻ ý tưởng, chúng tôi thấy đây là một mô hình rất có ích cho người dân và hoàn toàn mới ở nước ta hiện nay, trong khi giá thành cho một sản phẩm không quá cao nên nhà trường đã kết hợp với các em để hoàn thành những sản phẩm đầu tiên. Trong quá trình thực hiện mô hình, các em gặp rất nhiều khó khăn như một số thiết bị không có sẵn nên phải tự chế tạo và nhờ giáo viên hướng dẫn làm một số bộ phận. Mặt khác, do chưa có nhiều kiến thức về lắp mạch điện nên các em phải nhờ đến các thợ điện lắp giúp.
Tháng 5/2016, mô hình đã giành giải Nhì trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ 9, sau đó đem về tinh gọn lại và gửi tỉnh để đưa ra Bộ Khoa học Công nghệ dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, em Quốc Đạt cho biết, nếu có điều kiện nhóm sẽ phát triển mô hình hơn để có thể đưa những thông tin đó lên mạng Internet thông qua một Website báo lũ trực tuyến và tín hiệu thu được sẽ mã hóa và đưa ra thông số hiển thị liên tục để có thể thông báo cho người dân biết trên nhiều kênh, giúp người dân chủ động hơn trong việc phòng tránh lũ lụt.