Lợi dụng dịch bệnh để “dọa đời”?
Ngày 27/3/2020, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Bộ Công an đã làm việc với đối tượng Q (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) là “KOL” nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook để làm rõ về hành vi đăng thông tin vi phạm pháp luật. Từ tháng 2/2020 Facebook Q đã đăng tải gần 300 bài viết liên quan đến tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương trên cả nước.
Qua đấu tranh, Q khai nhận đã thu thập thông tin nóng về tình hình dịch Covid-19 từ nhiều nguồn chưa được kiểm chứng, sau đó chỉnh sửa lồng ghép quan điểm cá nhân tạo thành tin thất thiệt, một số bài viết kèm theo hình ảnh văn bản của cơ quan chức năng khi chưa được công bố chính thức về thông tin người nhiễm Covid-19 hoặc cần đưa vào diện cách ly, làm ảnh hưởng đến công tác chủ động phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương, khiến người dân hoang mang, phải sơ tán, chuyển chỗ ở, tích trữ lương thực, gây mất an ninh trật tự.
Q đã buộc phải gỡ bỏ 216 bài viết với nội dung thông tin chưa được kiểm chứng và bài viết có chứa bình luận với nội dung xuyên tạc, đưa tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
Tháng 7/2020, các nghệ sĩ Ngô Thanh Vân, Cát Phượng... bị phạt mỗi người 10 triệu đồng vì đăng tin giả về Covid-19 như: “Có 2 người Trung Quốc chết ở Bệnh viện Chợ Rẫy", "vẫn còn chuyến bay từ Vũ Hán về Việt Nam” và “dịch bệnh đã tràn về nhiều quận ở TP Hồ Chí Minh”…
Cũng trong năm 2020, Công an quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng thông tin đơn vị đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 2 trường hợp đăng tải kết quả xét nghiệm Covid-19 không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận.
Công an quận Liên Chiểu cho biết, hai trường hợp bị xử phạt là N.T.T.M (sinh năm 1996, điều dưỡng Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu), Đ.N.T.T (sinh năm 1996, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà). N.T.T.M bị phạt 7,5 triệu đồng về hành vi “giả mạo tổ chức và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức”, Đ.N.T.T bị phạt 12,5 triệu đồng về hành vi “đưa thông tin sai sự thật”.
Nữ điều dưỡng Khoa Nhi của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, tên là N.K.A, chuẩn bị tham gia lớp học chuyên khoa 1 nên xét nghiệm Covid-19. Chiều 2-12, N.K.A nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, để trêu đùa một đồng nghiệp cùng cơ quan tên D, N.K.A đã dùng máy tính bàn in dòng chữ “dương tính” đè lên chữ “âm tính". Sau đó, N.K.A nói N.T.T.M chụp ảnh gửi qua Zalo cho chị D. Tuy nhiên, N.T.T.M gửi nhầm hình ảnh vào nhóm kín của Khoa Nhi gồm 16 thành viên.
Khoảng 15 phút sau, N.K.A phát hiện hình ảnh trên nhóm nên yêu cầu N.T.T.M gỡ xuống và đính chính kết quả xét nghiệm không đúng mà chỉ là đùa giỡn, đồng thời yêu cầu mọi người trong nhóm không đưa tin ra ngoài, tuy nhiên hình ảnh đã bị phát tán lên mạng xã hội. Với trường hợp của Đ.N.T.T, khi thấy bản sao trích kết quả xét nghiệm dương tính trên mạng xã hội, Đ.N.T.T đã tải về, đăng lên Facebook của mình. Sau 45 phút thì Đ.N.T.T gỡ bài khi biết thông tin không đúng…
Ngộp thở vì các kênh nhảm
Ngày 8/11/2020, trả lời chất vấn đại biểu tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi tháng các bộ phận chức năng của Bộ TT&TT đã gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc, xử lý nghiêm các cá nhân sản xuất video xấu độc.
Có thời điểm, nhiều đối tượng từng có tiền án, tiền sự tạo lập các trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook, YouTube đăng tải hàng trăm hình ảnh, video về cuộc sống giang hồ, xã hội đen đã trở thành hiện tượng được hàng triệu người dùng mạng theo dõi trong đó điển hình là đối tượng Ngô Bá Khá hay còn gọi là Khá Bảnh. Khá Bảnh có 4 kênh YouTube với hơn 2 triệu người theo dõi.
Ngoài ra, một số cá nhân là các vlogger có lượng người theo dõi lớn thường xuyên sản xuất các nội dung nhảm, phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục, trong đó phải kể đến là kênh YouTube của Hưng Vlog với gần 3 triệu người theo dõi mới đây đã bị xử phạt 2 lần với 17,5 triệu đồng. Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đã thường xuyên rà soát và phát hiện 425 trang mạng cung cấp các nội dung khiêu dâm, đồi trụy trên mạng Internet.
Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xử lý 32 trường hợp vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; đã gỡ bỏ hơn 300 bài viết, bình luận có nội dung xấu độc.
Đối với các thông tin được đăng tải trên Facebook, YouTube, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chức năng yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa 6.337 video clip, 3 kênh YouTube gồm 2 kênh của Khá Bảnh và 2 kênh của Dũng trọc Hà Đông; yêu cầu Facebook gỡ bỏ 544 bài viết, tài khoản cá nhân và fanpage trên Facebook có nội dung xấu, độc, mua bán tiền giả, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, chất gây nghiện…
Và mới đây nhất là trường hợp của Thơ Nguyễn đã bị cơ quan chức năng mời làm việc vì đăng tải nội dung cổ vũ trẻ em mê tín dị đoan, dùng bùa ngải…
Mạnh tay “quét” rác
Trong một lần trao đổi với báp chí, ông Nguyễn Văn Minh – Chánh Thanh tra Sở TT&TT TP Hà Nội cho biết, khó khăn nhất hiện nay là xử lý đối với các cá nhân, hội nhóm trên mạng xã hội Facebook. Mạng xã hội Facebook là nền tảng xuyên biên giới, chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam, đầu mối liên hệ duy nhất là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT nên gặp rất nhiều khó khăn để xác định thông tin của chủ thể.
Ngoài ra, có một số tài khoản mạng xã hội sử dụng thông tin chính danh, có đầy đủ thông tin để xác định danh tính, tuy nhiên, Sở TT&TT không đủ tài liệu, căn cứ để xác định thông tin các tài khoản này đăng tải là sai sự thật. Điều này dẫn đến các nội dung thông tin do số tài khoản này đăng tải có dấu hiệu sai sự thật, thậm chí vu khống, xúc phạm tổ chức, cá nhân nhưng chưa thể xử lý.
Một số tài khoản có thông tin đầy đủ, công khai trên tài khoản Facebook cá nhân của mình, nhưng khi bị mời lên làm việc thì không đến làm việc tại trụ sở cơ quan chức năng, hoặc lên làm việc nhưng cố tình đối phó như: Không nhận tài khoản Facebook là của mình, không trả lời bất cứ câu hỏi nào của cơ quan chức năng dẫn đến không đủ cơ sở để xác định chủ thể, hành vi sai phạm và xử lý theo quy định.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, tất cả những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi tương tác trong không gian lãnh thổ Việt Nam buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Việc phạt tiền đối với các kênh sản xuất nội dung xấu chỉ là một phần của câu chuyện. Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, cái cần có ở đây là một cơ chế hiệu quả hơn để giảm uy tín, giảm lượt xem, lượt theo dõi của những kênh sản xuất video, nội dung nhảm, độc. Tuy nhiên, nếu sau khi phạt tiền mà lượng người theo dõi, lượt xem vẫn không hề thay đổi thì cần phải xem xét lại phương pháp.
Cũng nên khuyến khích người xem chủ động báo cáo những nội dung độc, hại cho nhà cung cấp dịch vụ. Gần như bất kỳ mạng xã hội nào cũng có chức năng báo cáo - report những video, nội dung phản cảm cho người dùng. Khi nhà cung cấp dịch vụ nhận được nhiều báo cáo về cùng một nội dung xấu, chủ kênh có thể bị giảm mức độ tương tác hoặc thậm chí bị loại bỏ ra khỏi hệ thống.
Mặt khác, tiếp tục tôn vinh những người làm nội dung tốt. Càng nhiều nội dung tích cực, nội dung tốt thì tỉ lệ nội dung xấu càng ít. Không ít kênh nội dung tốt, đầu tư có tới hàng trăm, thậm chí hàng triệu người theo dõi, sức ảnh hưởng tới cộng đồng là không hề nhỏ, theo ông Nguyễn Lâm Thanh.
Còn theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, để giảm thiểu thông tin xấu, độc trên không gian mạng, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo chí để mỗi người dân có ý thức chấp hành pháp luật, không thực hiện hành vi vi phạm đạo đức, lan truyền thói hư, tật xấu… vì lợi nhuận.
Tăng cường công cụ kiểm duyệt nội dung, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp không chấp hành. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh thông tin mạng. Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để có hành lang pháp lý chặt chẽ xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm.
Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam với sứ mệnh lan tỏa sự thật
Ngày 12/1/2021, Bộ TT&TT công bố khai trương Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả tại địa chỉ tingia.gov.vn và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108. Theo ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử: “Tin giả do con người tạo ra nên chỉ có duy nhất con người mới có thể nhận biết và xử lý được tin giả. Chính vì thế, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam được xây dựng để trở thành một trung tâm xử lý tin giả mang tính quốc gia, với sứ mệnh lan tỏa sự thật.
Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, có nhiệm vụ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác thực, tin giả, tin sai sự thật trên trang tingia.gov.vn. Đồng thời, chủ động phát hiện các xu hướng thông tin có lượng người chia sẻ, tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, dán nhãn tin giả nếu có, để cảnh báo người dân không chia sẻ và hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả”.
Trang tingia.gov.vn có bốn chuyên mục chính gồm: Tiếp nhận tin phản ánh; Công bố tin giả; Thống kê tin giả; Tin tức. Bên cạnh đó, mọi cá nhân, tổ chức cũng có thể phản ánh tin giả qua đầu số 1800 8108, tổng đài của Tập đoàn Viettel sẽ hướng dẫn người dân gửi thông tin.