Du khách bất chấp hiểm nguy sống ảo tại Cầu Vàng. |
Du lịch “ảo”… đúng nghĩa
Dạo một vòng khắp facebook của các bạn trẻ, không khó để nhìn thấy những tấm hình đi du lịch “chanh sả”, đẹp như mơ, trải nghiệm thì ít mà sống ảo thì nhiều. Nhiều người trẻ có thói quen giơ điện thoại lên sống ảo mọi lúc, mọi nơi khi đi du lịch. Quả thật là như vậy, cứ 10 người thì phải đến 8 – 9 người đi du lịch, tham quan, mục đích chính chỉ là để có những bức ảnh đẹp đăng lên Facebook, Instagram. Chính những hành động này khiến nhiều người ngán ngẩm đặt ra câu hỏi: “Rốt cuộc đi chơi hay đi cúng “mạng xã hội?”.
T.H.T (23 tuổi, Hà Nội) là một cô gái khá “hot” trên mạng xã hội, mỗi bức ảnh cô chia sẻ đều có sự đầu tư rất kĩ lưỡng từ trang phục, bối cảnh, photoshop,… Lượt tương tác trên mạng xã hội của cô cũng rất cao, mỗi bài post phải lên đến hàng nghìn lượt like, mấy trăm bình luận. Bí quyết thu hút được lượng người theo dõi lớn như vậy, chính vì cô rất hay đi du lịch và chia sẻ toàn bộ hình ảnh chuyến đi lên trang cá nhân của mình. Một số người theo dõi vì ảnh đẹp, cảnh hay nhưng cũng có một số người theo dõi để hóng những “drama” của cô nàng.
Phải công nhận một điều rằng T.H.T rất chăm chỉ sống ảo, ví dụ điển hình như chuyến du lịch đi Ninh Bình gần đây của cô. Từ hình ảnh vé máy bay, khi đợi check-in tới cửa ra tàu bay rồi tới khi lên máy bay, hoạt động nào cũng được cô ấy chụp lại, chỉnh sửa và up lên. Đặc biệt, có lần khi đến địa điểm du lịch, những nơi có cảnh đẹp chụp thì không nói nhưng kể cả đi đến những nơi cần có sự trang nghiêm như chùa, nhà thờ,… bạn vẫn vui vẻ, tự nhiên mặc váy ngắn và uýnh dấu “checkin”.
Nhìn những hình ảnh ăn mặc mát mẻ ở những chốn như vậy thật khiến người khác phải lắc đầu về ý thức. Dưới những hình ảnh đó, có khá nhiều bình luận chê trách như: “Từng này tuổi rồi mà vào đền chùa không biết ý biết tứ”, “Giới trẻ bây giờ chán thế đấy, chỉ cầm cái máy ảnh chụp lia lịa mà không cần biết bối cảnh như nào, có phù hợp không”,… Và vô vàn những lời bình luận khác…
Cũng giống như cô gái trên, một bạn gái khác tên H.G (25 tuổi, Vinh) rất hay chụp ảnh bản thân đi du lịch và đăng lên mạng xã hội. Khác với T.H.T, bạn G bên cạnh viết up ảnh đi du lịch thì còn thường hay viết những caption thể hiện sự hiểu biết của mình với những địa điểm đó. Chính ra đây sẽ là một hành động đáng khen nếu như không có một ngày, cô ấy đăng lên mạng xã hội một caption như sau: “Từ lâu người dân Việt Nam đã có văn hóa xin ấn mỗi dịp năm mới để cầu may mắn. Ở khu vực phía Bắc có nhiều đền, chùa linh thiêng trong đó phải kể đến đền Trần – Nam Định. Nay rất may mắn khi mình đã xin được ấn rồi nè,…”. Nhưng điều buồn cười ở đây là ảnh bạn í đăng kèm lại là đang đứng ở đền Bảo Lộc – Nam Định chứ không phải là đền Trần.
Khi có người nhắc nhở thì lúc bấy giờ bạn mới biết nhầm và phân trần là thật ra bạn đó lên Google tra và ra bài báo Kinh nghiệm xin ấn đền Trần nên bạn copy nguyên vào chứ không phải cố tình nói sai. Lúc này thì mọi người mới vỡ lẽ ra là bạn G chỉ biết đi, đến, chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội thôi. Còn những caption giới thiệu các địa danh của bạn chỉ là những lời copy trên Google. Bạn làm vậy là vì vừa muốn có ảnh đẹp mà caption cũng phải “chất”?!.
Và như thế, giới trẻ ngày nay bên cạnh việc bất chấp chụp ảnh, sống ảo, làm sao lên hình mình đẹp nhất, sành điệu nhất mà không cần quan tâm đến hoàn cảnh, bối cảnh như nào thì còn quá hời hợt với chính những lựa chọn du lịch của mình. Chỉ biết đi là đi mà không quan tâm, tìm hiểu những giá trị lịch sử, những nét đẹp văn hoá, vùng miền ở mỗi nơi các bạn tới. Thật sự những trải nghiệm, kiến thức đó đâu phải lúc nào bạn cũng đến để trải nghiệm và hiểu sâu sắc về nó.
Có những bạn đi đến tận những điểm di tích, danh thắng là niềm tự hào của cả đất nước nhưng cũng chỉ chăm chăm chụp ảnh lấy le, rồi đăng lên mạng xã hội kiểu ta đi nhiều, hiểu nhiều. Nhưng thực chất đằng sau những bức ảnh đó lại vô cùng trống rỗng, đi nhưng không biết là mình đi đâu, chụp nhưng không biết là mình chụp gì,… và vô vàn những cái không biết nữa.
Giờ đây, khái niệm đi du lịch hay tham quan không còn có những giá trị cốt lõi như trước nữa. Nếu như ngày trước du lịch là thời gian để thư giãn, giải trí hay trải nghiệm, trau dồi hiểu biết cho bản thân,… thì giờ đây đối với giới trẻ hay kể cả mọi lứa tuổi đi du lịch chỉ để chụp ảnh. Nói như vậy bởi không chỉ các bạn trẻ mà có nhiều các cô, các bà cứ mỗi lần đi đâu về phải đăng đến mấy trăm cái ảnh, nhiều khi mỗi bông hoa lại có bức một ảnh riêng.
Dẫu biết rằng, đi du lịch là phải ghi lại những khoảnh khắc để sau có cái mà nhớ lại nhưng nó không đồng nghĩa với việc nhìn ngắm, cảm nhận tất cả qua ống kính. Đừng để ống kính máy ảnh mới là thứ nắm bắt vẻ đẹp mà hãy để đôi mắt mình được chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy. Ảnh mãi mãi chỉ là ảnh, còn cảm xúc thật sự mới là thứ quan trọng nhất.
Bảo tàng nghìn tỷ vắng khách. |
Xin đừng… cổ vũ
Và cứ như vậy, xu hướng sống ảo khi đi tham quan, du lịch dường như đã trở thành trào lưu trong xã hội hiện nay. Nhưng nói qua cũng phải nói lại, một phần lý do khiến mọi người chỉ tập trung sống ảo đó là vì chính những địa điểm du lịch đang cổ suý cho hành động đấy. Lướt vài bài quảng cáo trên mạng của những điểm du lịch, không thiếu những đoạn tít gắn liền địa danh với những cụm từ như “1001 góc sống ảo cực chất” hay “những điểm checkin tuyệt vời”.
Phải chăng chính những điểm du lịch, tham quan đang quá tập trung vào việc thu hút khách bằng những cảnh đẹp, những nơi để sống ảo, checkin,… mà quên mất mình cũng cần phải đầu tư vào những nội dung giá trị lịch sử, văn hoá riêng của mình. Chính lối suy nghĩ này đang khiến một tập khách hàng khi đến với địa điểm chỉ muốn hỏi câu “Có chỗ nào sống ảo đẹp không?” chứ không phải muốn tìm hiểu “Nơi đây có những cái gì, người dân nơi đây ra sao?”.
Đặc biệt là đối với những địa điểm vừa không có nhiều chỗ sống ảo mà cũng vừa không có những nội dung hay đem đến cho khách tham quan thì rất dễ bị khách hàng cho vào quên lãng. Ví dụ điển hình ở đây chính là bảo tàng, ở những thành phố lớn luôn có bảo tàng nhưng lại rất ít người chọn đến đây để tham quan. Có lẽ bởi sức hấp dẫn về nội dung ở các bảo tàng chưa đủ, không thu hút được sự tò mò của mọi người. Không giống như các bảo tàng trên thế giới, người ta có thể đi bảo tàng cả ngày mà không hết cái để xem, để đọc.
Trong khi đó, hầu như những sản phẩm du lịch của nước ta đều đang đơn điệu, thiếu điểm nhấn và phải phụ thuộc nhiều vào tài nguyên du lịch như cảnh đẹp, khí hậu,… Rất hiếm có những sản phẩm quảng bá đầu tư chất xám, tư duy con người, chính điều này làm cho ngành du lịch trở nên nhàm chán, dựa vào xu hướng “sống ảo” để phát triển.
Nếu như không thay đổi, e rằng khách chỉ cần đến những trung tâm thương mại như Royal City để sống ảo. Chính sự đơn điệu, kém sáng tạo của sản phẩm du lịch là lý do khó có thể kéo chân khách du lịch quay lại lần hai.
Du lịch ngày nay thật sự là một trào lưu, chẳng ai từ chối nếu có điều kiện. Bởi du lịch là sự trải nghiệm những mới mẻ, những hiểu biết về văn hóa lịch sử, con người, ẩm thực mỗi vùng miền... Tất cả sẽ cho bạn sự hiểu biết, những kiến thức vô giá, nếu bạn thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Đi để hiểu người và hiểu hơn chính mình. Đi để khám phá, đôi khi đi cũng là đi tìm bản ngã, những điều mỗi người chợt nhận ra sau rất nhiều tầng lớp văn hóa và trải nghiệm…