Trả lời:
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. Người phụ nữ nhận mang thai hộ phải là người thân thích của mỗi bên vợ/chồng.
Như vậy, xét về mặt khoa học, thì mang thai hộ là việc lấy noãn của người vợ, và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó mới cấy vào trong tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai mà sinh con.
Do đó, con sinh ra là con của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, mang huyết thống của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Đứa con được sinh ra do mang thai hộ sẽ có đặc điểm, hình dạng cũng như các yếu tố sinh học giống với bố, mẹ (người nhờ mang thai), người mang thai hộ không phải là mẹ của đứa trẻ đó.
Để có thể áp dụng biện pháp mang thai hộ thì cần phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cụ thể như sau: Thứ nhất, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
Thứ hai, vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; Vợ chồng đang không có con chung; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Thứ ba, người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Thứ tư, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Thứ năm, Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.
Đối với bên nhờ mang thai hộ (tức vợ chồng con trai bà), tại Điều 98 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định có các quyền và nghĩa vụ sau:
+Bên nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.
+ Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
+ Bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ.
Giữa con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình bên nhờ mang thai hộ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định.
+ Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.
Về mặt pháp luật, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng đã có quy định về việc xác định cha, mẹ khi mang thai hộ tại Điều 94 như sau: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”.
Như vậy, con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ là con chung của vợ, chồng nhờ mang thai hộ, không phải con của người mang thai hộ.