Malaysia thúc giục Trung Quốc hợp tác trên biển Đông

Các tàu của Philippines được cho là đã bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng. Ảnh: Reuters
Các tàu của Philippines được cho là đã bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng. Ảnh: Reuters
(PLO) - Malaysia ngày 23/4 kêu gọi Trung Quốc hợp tác với các nước Đông Nam Á để đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Theo AFP, tuyên bố trên được Ngoại trưởng Indonesia Anifah Aman đưa ra trong bối cảnh nước này sẽ đóng vai trò nước chủ nhà, chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra trong tuần tới.
Ngoài ra, AFP dẫn lại nguồn tin từ tờ The Star của Malaysia cho biết, ông Aman cũng thúc giục các bên có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại biển Đông không có các hành động làm gia tăng căng thẳng. 
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Star, ông Aman thông tin, Malaysia dự định sẽ lấy vai trò Chủ tịch luân phiên trong năm 2015 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để thúc đẩy tiến triển trong việc đàm phán hướng tới COC nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích.
“Malaysia hy vọng Trung Quốc sẽ hợp tác với các nước thành viên ASEAN trong việc đẩy nhanh tiến độ nhằm kết thúc các cuộc đàm phán về COC” – ông Aman nói. 
ASEAN từ hơn 1 thập kỷ qua đã thúc giục Trung Quốc nhất trí về một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về mặt pháp lý, được phát triển dựa trên bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).
DOC là văn kiện không có tính ràng buộc, trong đó các bên đồng ý ký cam kết tôn trọng tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán và thực hiện kiềm chế. 
Tuy nhiên, Trung Quốc bị cho là còn chần chừ trong việc thiết lập bất kỳ quy tắc nào có thể cản trở việc nước này tự do hành động ở vùng biển mà Bắc Kinh xem là lãnh thổ của riêng mình.
Trung Quốc hiện cũng đang vấp phải một “cơn bão” chỉ trích sau khi những hình ảnh vệ tinh được công bố hồi đầu tháng này cho thấy nước này đang tiến hành các hoạt động nạo vét và cải tạo đất quy mô lớn ở những nơi từng là những bãi đá ngầm nhỏ mà Bắc Kinh đang kiểm soát nhưng các nước khác có tuyên bố chủ quyền. 
Hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc dấy lên những lo ngại rằng nước này sẽ hiện diện về mặt quân sự và hàng hải ngày càng thường trực hơn ở trung tâm của biển Đông, từ đó tăng cường sức mạnh ở khu vực này.
Trong một cuộc phỏng vấn với AFP hồi tuần trước, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho rằng cả thế giới nên lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc, và rằng hoạt động của Bắc Kinh có thể đe dọa đến tự do hàng hải ở tuyến giao thương huyết mạch này.
Washington và nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cũng đã bày tỏ lo ngại về động thái của Trung Quốc. Tổng thống Philipines Aquino cho biết, ông sẽ nêu bật vấn đề biển Đông tại Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra tại Malaysia vào ngày 27/4 tới.
Liên quan đến các hành động của Trung Quốc trên biển Đông, các nhà hoạt động Philippines mới đây lên tiếng cáo buộc các tàu của Trung Quốc đã bắn vòi rồng để xua đuổi các tàu cá của Philippines đang hoạt động ở bãi cạn Scarborough.
Theo tờ Philstar, tại cuộc họp báo hôm 21/4, khi được đề nghị cho biết phản ứng của Mỹ về việc này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói rằng bà không thể xác minh được thông tin về vụ việc.
“Nhưng nếu việc này là sự thực thì việc sử dụng vòi rồng nhằm vào các tàu dân sự của Philippines đã hoạt động từ lâu tại bãi Scarborough hay các khu vực có tranh chấp khác trên biển Đông đều là hành động gây hấn. Việc này thể hiện một bước lùi trong việc tìm ra một giải pháp ngoại giao cho các tranh chấp” – bà Harf tuyên bố.
Bà này cũng tái khẳng định việc các nước không được dùng vũ lực hay đe dọa để củng cố các tranh chấp lãnh thổ hay tuyên bố chủ quyền trên biển./.

Đọc thêm

Đoàn kiều bào thăm, động viên quân, dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I

Đoàn công tác số 11 do Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, ra thăm Trường Sa.
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2024) và giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975), 69 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn đại biểu kiều bào đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I trong khuôn khổ Đoàn công tác số 11.

Tiết lộ khẩu pháo phòng không nguy hiểm nhất của Nga

Pháo phòng không bắn nhanh ZU-23-2 của Nga.
(PLVN) - Pháo phòng không bắn nhanh ZU-23-2 của Nga không chỉ là phương tiện phòng không chống lại trực thăng, máy bay không người lái cỡ lớn và máy bay chiến đấu bay thấp mà còn là vũ khí đất đối đất “sát thủ” cả trên bộ và trên biển.

Mỹ chế tạo máy bay 'Ngày tận thế' mới

Một máy bay chỉ huy và điều khiển E-4B.
(PLVN) - Mỹ sẽ phát triển một máy bay “Ngày tận thế” mới để cho phép tổng thống Mỹ tiếp tục lãnh đạo đất nước trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân hoặc thảm họa lớn khác phá hủy các trung tâm chỉ huy và kiểm soát trên mặt đất.