Hình ảnh do Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ cung cấp ngày 23/1/2012 về hiện tượng bão mặt trời phun trào nhật hoa. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Nghiên cứu chính xác nhất từ trước đến nay cho thấy những siêu bão này xảy ra thường xuyên hơn nhiều so với dự đoán trước đây của giới khoa học. Thay vì chu kỳ từ 1.000 đến 10.000 năm một lần như quan niệm cũ, các nhà nghiên cứu hiện tin rằng hiện tượng này có thể xảy ra 100 năm một lần.
Tiến sĩ Natalie Krivova từ Viện Max Planck nhận định: "Dữ liệu mới này là một lời nhắc nhở đáng báo động rằng ngay cả những hiện tượng cực đoan nhất cũng nằm trong 'danh mục hoạt động tự nhiên' của Mặt Trời."
Một siêu bão Mặt Trời có thể giải phóng năng lượng lên tới 1 octillion (một tỷ tỷ tỷ) Jun. Mức năng lượng này mạnh gấp 100 lần so với Sự kiện Carrington năm 1859, vốn đã làm sập một phần mạng lưới điện báo và thậm chí đốt cháy giấy tờ trong các văn phòng thời bấy giờ.
Nếu một siêu bão tương tự xảy ra trong thời đại ngày nay, hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều do sự phụ thuộc ngày càng tăng của chúng ta vào mạng lưới thông tin vệ tinh. Tác động có thể bao gồm làm quá tải toàn bộ lưới điện, đẩy các vệ tinh ra khỏi quỹ đạo, tê liệt mạng lưới thông tin toàn cầu và khiến máy bay trên toàn thế giới phải dừng hoạt động.
Để đi đến kết luận này, nhóm nghiên cứu quốc tế do Viện Max Planck dẫn đầu đã phân tích dữ liệu từ 56.450 ngôi sao giống Trái Đất được kính viễn vọng Kepler của NASA quan sát trong giai đoạn 2009-2014. Qua đó, họ phát hiện 2.889 siêu bão trên 2.527 ngôi sao, cho thấy tần suất xảy ra khoảng một lần mỗi thế kỷ.
Để đối phó với nguy cơ này, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) dự kiến phóng vệ tinh Vigil vào năm 2031. Vệ tinh này sẽ được đặt ở góc 60 độ so với Mặt Trời để cảnh báo sớm về các cơn bão Mặt Trời trước khi chúng tác động đến Trái đất, tạo thời gian quý giá để tắt lưới điện và vệ tinh nhằm giảm thiểu thiệt hại.