Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Philippines trong một tuyên bố nói rằng, các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc đang gây ra thiệt hại “không thể thay đổi và lan rộng” tới sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái trên biển Đông. “Chúng tôi không thể chấp nhận được tuyên bố của phía Trung Quốc rằng các hành động của nước này không gây hại gì tới môi trường sinh thái của biển Đông”- tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines cho hay.
Cũng theo Bộ này, những tổn thất từ việc phá hoại các bãi san hô ước tính khoảng 100 triệu mỗi năm. “Trung Quốc đã đơn phương theo đuổi những hoạt động trên, bất chấp người dân ở các nước xung quanh, những người vốn có sinh kế phụ thuộc vào biển cả trong nhiều thế hệ”- tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc.
Bộ Ngoại giao Philippines tố cáo thêm rằng Trung Quốc cũng đang tiến hành hoạt động đánh bắt cá gây hại ở bãi cạn Scarborough mà nước này đã giành được quyền kiểm soát hồi năm 2012, sau 3 tháng giằng co với Manila. Tuyên bố của Manila cũng chỉ trích phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tuần trước về các kế hoạch của Trung Quốc đối với vùng đất được cải tạo phi pháp, cho rằng các hoạt đông này sẽ làm tăng khả năng quân sự hóa và đe dọa tới hòa bình và ổn định của khu vực.
Bên cạnh đó, Philippines cũng nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc ngừng hoạt động cải tạo đất, tôn trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông mà Bắc Kinh đã ký kết với các quốc gia Đông Nam Á hồi năm 2002 cũng như cùng hợp tác để tìm ra các giải pháp dài hạn nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.
Hoạt động cải tạo đất phi pháp của Trung Quốc tại khu vực xung quanh 7 bãi san hô ở quần đảo Trường Sa đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước khác, đồng thời dấy lên những chỉ trích ngày càng nhiều từ giới chức chính phủ và quân đội Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tuần trước cũng lên tiếng cho hay, Washington đang quan ngại về việc Trung Quốc sử dụng tầm vóc và sức mạnh của mình để lấn át các nước nhỏ hơn trên biển Đông.
Liên quan đến tình hình biển Đông, Người phát ngôn của lực lượng Hải quân Indonesia Manahan Simorangkir ngày 13/4 cho hay, Indonesia muốn tổ chức các cuộc tập trận quân sự thường xuyên với Mỹ ở gần quần đảo Natuna trên biển Đông. Trước đó, quân đội Indonesia đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đưa nhiều phần của quần đảo Natuna vào bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh vẽ ra để phác thảo các tuyên bố chủ quyền vô lý chiếm tới 90% diện tích biển Đông.
Tuyên bố của Indonesia được đưa ra sau khi nước này cuối tuần qua đã có cuộc tập trận chung với Mỹ ở Batam, cách Natuna khoảng 480km. Cuộc tập trận này có sự tham gia của các máy bay do thám và tuần tra như P-3 Orion có khả năng phát hiện các tàu nổi và tàu ngầm.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu trong tuần qua cũng cho biết ông sẽ tới Natuna vào tháng 5 tới để hoàn tất kế hoạch nâng cấp căn cứ quân sự nhỏ của nước này đang đặt ở quần đảo này. “Tại Natuna chúng tôi vẫn có 1 sân bay nhưng chưa có nhiều binh sỹ mà chỉ có vài lính thủy quân lục chiến. Chúng tôi sẽ bổ sung tới đây có thể là các lực lượng không quân, hải quân và lính bộ binh” – ông Ryacudu cho biết.
Cũng trong tháng trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn biển Đông không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế. Jakarta cũng bày tỏ mong muốn đóng vai trò trung gian hoà giải đối với các tranh chấp./.