Trung tuần tháng 7/2016, tại khu vực tập kết hàng hóa vi phạm của Cục Chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, tiếp nhận từ Ban Chuyên án E316 gần 200 kiện hàng với trọng lượng hơn 2,5 tấn. Số hàng này là lá “Thiên đường”, hay lá Khat, loại thảo mộc có thành phần Cathinone - một chất ma túy cực mạnh thuộc danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và xã hội. Độc tính của lá Khat mạnh gấp nhiều lần ma túy “đá” và cocaine, mạnh gấp 500 lần các loại ma túy thông thường khác.
Từ những sự bất thường
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TP Hà Nội) Hoàng Minh Tú cho biết: Tháng 3/2016, khi soi chiếu hành lý, các kiện hàng có vận đơn đến từ Etiopia, Kenia, Nam Phi, Hải quan Hà Nội phát hiện sự bất thường trong việc hàng tấn chè được nhập khẩu vào Việt Nam - một trong 5 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới - rồi lại chia nhỏ, đóng gói, dán nhãn mác xuất khẩu đi các quốc gia khác như Australia, Hà Lan, Mỹ...
Lặng lẽ thu thập, phân tích, xử lý thông tin, nhận thấy những dấu hiệu về một đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy có nguồn gốc thảo mộc từ nước ngoài vào Việt Nam, Cục Hải quan TP Hà Nội lập tức phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47 - Bộ Công an) lập chuyên án đấu tranh triệt phá.
“Tổng số 199 kiện hàng với trọng lượng khoảng hơn 2,5 tấn vận chuyển vào Hà Nội theo đường bưu chính quốc tế và đường hàng không. Tất cả các mẫu mà Hải quan gửi giám định tại Viện Khoa học Hình sự đều cho thấy kết quả có thành phần Cathinone. Trong vụ án này, chủ mưu là các đối tượng ở nước ngoài, người gửi và người nhận là những người được thuê vận chuyển tại Việt Nam”- ông Tú cho biết.
Cùng lúc, qua xác minh nhân thân người gửi những lô hàng xuất và người nhận những lô hàng nhập, C47 đã phát hiện 2 nhân viên bưu điện, 2 nhân viên du lịch đang nằm trong sự kiểm soát của cơ quan công an; 5 người còn lại gồm 1 đối tượng người Trung Quốc và 4 người da đen (chưa xác minh được nhân thân) đã xuất cảnh khỏi Việt Nam. Các đối tượng này “biến mất” cùng thời điểm trung tuần tháng 5/2016, khi Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất công bố thông tin bắt giữ 1,2 tấn lá Khat được nhập và xuất khỏi Việt Nam.
Khai gian, lọt... lưới
Theo C47, các đường dây tội phạm ma túy do các đối tượng gốc Phi cầm đầu đang chọn Việt Nam làm địa bàn trung chuyển lá Khat từ châu Phi đi các nước, chủ yếu là Mỹ. Khi làm thủ tục hải quan, các công ty do các đối tượng gốc Phi điều hành khai gian là chè ngoại, hoặc lá “Henna”, có xuất xứ tại Việt Nam, dùng để chế tạo mỹ phẩm, tạo mực xăm nghệ thuật. Một khối lượng lớn lá Khat với danh nghĩa lá “Henna” được Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT chứng nhận, cấp giấy phép xuất khẩu nên khi làm thủ tục thông quan, lô hàng này được đưa vào “luồng xanh” - miễn kiểm tra hải quan - được xuất khẩu thành công ra nước ngoài.
Trước sự việc này, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho rằng: “Theo đúng quy trình và chức năng, cán bộ kiểm dịch thực vật của đơn vị có nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa này. Khách hàng đến khai báo là lá chè, có kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu; hơn nữa, tên khoa học thể hiện rất rõ, nhìn đúng là lá khô nên những nguy cơ về kiểm dịch thực vật, chúng tôi rất yên tâm. Hơn nữa, đơn vị cũng không có khả năng, thẩm quyền để kiểm tra xem trong lá đó có chất gì. Mà làm như vậy thì chúng tôi sai thẩm quyền, gây nhũng nhiễu doanh nghiệp”.
“Cục đã yêu cầu cả hệ thống kiểm dịch thực vật tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, kiểm soát, phát hiện nhanh chóng, kịp thời đối với các loại lá khô ở Việt Nam, đặc biệt là đối với các loại lá như lá Khat. Cục cũng soạn thảo văn bản gửi các nước xuất khẩu yêu cầu giải thích tại sao gọi đó là chè và cấp giấy chứng nhận cho lá đó là chè, trong khi về Việt Nam thì cơ quan chức năng lại phát hiện đó là lá Khat” - ông Hoàng Trung nói thêm.
“Kẽ hở” nguy hiểm
Việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, tuy thế, chưa đáng lo ngại bằng việc... khó có thể xử lý hình sự vụ vận chuyển lá Khat bởi những văn bản quy phạm pháp luật lộ ra những kẽ hở đối với loại tội phạm này. Nghị định 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ ghi rõ, Cathinone nằm trong danh mục I, đứng thứ 9, là một chất ma túy cực mạnh, tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; nhưng trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (đang được sửa đổi) thì lá Khat lại chưa được quy định.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng C47- chỉ rõ: Bộ luật Hình sự năm 2015, tại Điều 247 quy định từng mức phạt tù cho “Tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy”. Luật để mở các loại “cây khác” chính là nhằm khi phát hiện cây ma túy mới, ngoài 3 loại cây cô ca, cần sa, thuốc phiện thì sẽ xử lý được về mặt pháp luật, như lá Khat chính là “các loại cây khác có chứa chất ma túy”.
Thế nhưng, tại các điều sau đó như 248 và 249 lần lượt quy định mức phạt tù về “Tội sản xuất trái phép chất ma túy”, “Tội tàng trữ trái phép chất ma túy”, “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy”, khi cụ thể hóa từng hành vi thì Luật lại chỉ xử lý hình sự với người nào tàng trữ mua, bán, vận chuyển “lá, thân, rễ cây thuốc phiện, cây cần sa, cây cô ca”; các “cây khác”, trong đó có lá Khat đã bị bỏ qua. Đây chính là kẽ hở trong luật, nếu không kịp thời điều chỉnh, bổ sung thì sau lá Khat sẽ còn nhiều loại “cây khác” bị lọt lưới.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, C47 đã báo cáo Bộ Công an đề nghị sửa đổi, bổ sung vào Luật; đồng thời có văn bản báo cáo VKSNDTC để xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ lá Khat, xử lý hình sự những người vi phạm liên quan đến loại lá này.