Những thông tin trên khiến người đọc có cảm giác các sản phẩm của “Đông y Vũ Đức” là thần dược, công dụng còn hơn cả các loại thuốc đặc trị. Trong khi bản chất của các sản phẩm giới thiệu ở đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đó là chưa nói tới chất lượng, mức độ hiệu quả thật sự của những sản phẩm này.
Quảng cáo như “thuốc” chữa bệnh
Cụ thể, trong các sản phẩm được giới thiệu tại trang này có sản phẩm “An Nhiên Tọa”. Theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 1198/2019/ĐKSP, sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe “An Nhiên Tọa” được sản xuất tại Chi nhánh Cty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Ân Dược (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP HCM), được phân phối độc quyền bởi Cty cổ phần Đông dược Vũ Đức (90/14/33 Trần Văn Ơn, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú).
Tuy nhiên, thông tin trên trang “phukhoadongyvuduc.com” lại giới thiệu sản phẩm An Nhiên Tọa là “thuốc trĩ đông y gia truyền”, với những nội dung như: “Thuốc trĩ an nhiên tọa được làm từ các vị thuốc như: đẳng sâm, bạch truật, hoàng kỳ, đương quy, thăng ma và cao diếp cá…”.
Thậm chí còn quảng cáo “Đông Y Vũ Đức đã được vinh dự trao tặng cúp thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng Châu Á, Thái Bình Dương. Một danh hiệu được chính những người tiêu dùng bầu chọn”.
Thực phẩm chức năng được gọi là thuốc điều trị |
Nhưng thông tin trên chẳng những sai lệch với bản công bố sản phẩm mà còn vô cùng khó tin khi một sản phẩm mới ra đời chỉ mấy tháng đã nổi tiếng cấp… châu lục.
Những dấu hiệu sai phạm tương tự cũng xảy ra với các sản phẩm “Xuân Nữ Khang”, “An Nhiên Ẩm”... sử dụng những từ ngữ như “liều điều trị” khi nói về cách dùng sản phẩm. Những thông tin đưa ra khiến người tiêu dùng, khách hàng lầm tưởng đây là thuốc chữa bệnh.
Bất chấp điều luật cấm
Tại trang “Phukhoanuoa.org”, địa chỉ bán hàng cũng liên quan đến “Đông y Vũ Đức”, dù bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng lại giới thiệu rằng “viên đặt phụ khoa nữ oa điều trị dứt điểm viêm nhiễm phụ khoa ngay tại nhà”. Hay: “Dùng thuốc đặt khoảng 2-3 liệu trình là thấy hiệu quả…”.
Trong khi “nổ” về công dụng của các sản phẩm, đơn vị bán hàng không hề cung cấp thông tin của nhà sản xuất theo quy định pháp luật. Ngoài ra, không hề có dòng chữ hoặc lời đọc “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Trong khi đây là những nội dung bắt buộc khi quảng cáo thực phẩm chức năng.
Nội dung quảng cáo gây nhầm lẫn đây là thuốc chữa bệnh |
Ngoài ra, đơn vị bán hàng còn ngang nhiên sử dụng hình ảnh của nhiều bác sỹ để quảng cáo sản phẩm, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh. Trang “phukhoadongyvuduc.com” đăng tải nhiều hình ảnh cùng chú thích: “tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên trưởng Khoa Nội – Bệnh viện YHCT trung ương khuyên dùng phụ khoa Nữ Oa. Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lưu Thị Hồng, Tổng thư ký hội Phụ Sản Việt Nam giải đáp thắc mắc về cơ chế phụ khoa Nữ Oa. Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan, nguyên trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện YHCT khuyên dùng sản phẩm An Nhiên Tọa”.
Sử dụng nhiều hình ảnh cán bộ, bác sỹ để quảng cáo |
Điều đáng nói, đây chỉ là 2 trong rất nhiều trang web quảng cáo, kinh doanh các sản phẩm được cho là phân phối độc quyền bởi Công ty Cổ phần Đông được Vũ Đức hay “Đông y Vũ Đức”.
Trước “ma trận” thông tin mà các đơn vị bán hàng lập nên, phóng viên đã tìm đến địa chỉ công ty này thể hiện tại Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, tuy nhiên công ty đã dời trụ sở. Liên lạc qua email và số hotline công ty thì không nhận được phản hồi.
Đối chiếu với các quy định pháp luật cho thấy, việc quảng cáo, bán hàng như trên có dấu hiệu vi phạm hàng loạt điều cấm. Tuy nhiên hành vi này vẫn ngang nhiên tồn tại.
Cụ thể tại điều 3, Thông tư 08/2013/TT-BYT ngày 13/3/2013 của Bộ Y tế cấm các hành vi: “Quảng cáo thực phẩm khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp. Quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Quảng cáo thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm hoặc quảng cáo quá tác dụng của thực phẩm. Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bằng các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm…”.
Khoản 15 Điều 6 Luật Dược 2016 cũng nghiêm cấm hành vi thông tin, quảng cáo, tiếp thị… có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh đối với sản phẩm không phải là thuốc.
Có thể bị xử lý hình sự
Theo Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tại Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo bao gồm: Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Hành vi quảng cáo gian dối có thể bị xử lý hành chính, nếu vẫn tiếp tục hành vi vi phạm này thì căn cứ theo mức độ, tính chất có thể bị xử phạt hình sự. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 51, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP thì hành vi “nổ” trong lĩnh vực quảng cáo có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
Ngoài ra còn phải buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo, buộc cải chính thông tin. Xử phạt hình sự người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Tùy vào mức độ mà mức phạt có thể bị áp dụng như phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng. Nội dung trên được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015.