Để làm rõ hơn những điểm mới của Luật, PLVN đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA).
-Thưa bà, một số doanh nghiệp cho rằng Luật sửa đổi bổ sung lần này làm khó hơn. Với tư cách là một chuyên gia, bà có thể làm rõ hơn?
Việc gây khó hay tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) chúng ta cần nhìn vào từng nội dung. Thứ nhất, về nội dung Luật Quản lý Thuế, chúng tôi đánh giá là thuận lợi hơn rất nhiều cho DN. Trước kia, khi DN chậm nộp thuế thì tiền tính phạt chậm nộp là 0,05% và nếu quá 90 ngày thì mức phạt chậm nộp là 0,07%. Sau đó, Luật 71 sửa đổi, thì cho phép tất cả tiền phạt chậm nộp là 0,05%.
Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2016, tiền phạt chậm nộp thuế chỉ là 0,03%, hoặc các thủ tục về hóa đơn, chứng từ cũng thuận lợi hơn.
Về Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), cơ bản sửa đổi là giá tính thuế TTĐB trong đó có một nguyên tắc rất tốt nhưng nhiều DN chưa hiểu. Trước kia, cách tính thuế TTĐB có phân biệt giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu theo hướng cùng một mặt hàng thì sản phẩm sản xuất trong nước chịu thuế TTĐB nhiều hơn so với cùng sản phẩm đó nhập khẩu.
Nhưng từ 1/7/2016, giá tính thuế TTĐB được tính theo giá bán ra của sản phẩm, như vậy sẽ ngăn chặn được tình trạng DN hạ giá sản phẩm nhập khẩu xuống để chịu ít thuế suất.
Một điểm nữa trong quy định giá tính thuế TTĐB đang khiến mọi người phân vân rằng giá tính thuế TTĐB là giá ở khâu sản xuất bán ra, những trường hợp hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán cho cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu hoặc cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có mối quan hệ liên kết thì giá tính thuế TTĐB không được thấp hơn 7% so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại.
Tuy nhiên, giá của các cơ sở kinh doanh thương mại khâu nào? Nếu lấy ở khâu bán lẻ cuối cùng thì không đúng, mà phải ở khâu đầu. Quy định này là hợp lý nhằm tránh tình trạng chuyển giá. Điều quan trọng làm sao để triển khai các quy định này một cách đúng.
Một điểm nữa trong thuế TTĐB là đối với ô tô. Giờ chi tiết hơn, trên cơ sở phân phối xe cũng đưa ra các chỉ tiêu về môi trường... Theo tôi, cần phải chi tiết hơn nữa.
-Về hoàn thuế giá trị gia tăng, theo Luật mới, doanh nghiệp cho rằng bị thiệt hơn, thưa bà?
Đúng là về Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) thì DN có phàn nàn vì từ 1/7/2016 chỉ hoàn thuế GTGT, nhưng trong Luật chỉ nói DN được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và trong năm không khấu trừ hết thì chuyển sang kỳ sau. Có nghĩa là DN bình thường không có xuất khẩu, không có dự án đầu tư thì không được hoàn thuế GTGT.
Trong khi hiện nay đang thực hiện là hoàn thuế GTGT nếu 12 tháng liên tục âm. Chúng tôi nghĩ rằng, trong trường hợp này, các DN đang được hoàn thuế thì sẽ nghĩ bị thiệt thòi. Nhưng nếu chúng ta so với thông lệ quốc tế, ví dụ với Trung Quốc thì họ không hoàn thuế, nhưng từ đầu mình khuyến khích, nhưng qua một thời gian khuyến khích thì chúng ta cần rút kinh nghiệm cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nhiều nước cũng áp dụng như thế. Bởi nếu chúng ta hoàn thuế theo năm cũng có những thủ tục DN đang làm thủ tục hoàn thuế thì phát sinh đầu vào phải nộp nhưng không được nộp mà phải hoàn thuế khiến DN không chủ động. Một số tình trạng DN lợi dụng cơ chế hoàn thuế để trục lợi, gian lận.
Một số điểm mới của Luật sửa đổi các luật về thuế 2016
Bỏ quy định cơ sở kinh doanh được hoàn thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ nếu lũy kế sau ít nhất 12 tháng tính từ tháng đầu tiên hoặc ít nhất sau 4 quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế GTGT chưa được khấu trừ. Bổ sung các đối tượng không chịu thuế GTGT: Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật; Sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên. Mức phạt tiền chậm nộp thuế là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Bỏ quy định hoàn thuế GTGT sau 12 tháng thì DN có thiệt một chút nhưng xét về quản lý chung và cứ được chuyển sang kỳ sau, hết năm nay chuyển qua năm khác, VTCA khảo sát độc lập thì cho thấy có nhiều DN họ không hoàn thuế mà cứ để chuyển năm này qua năm khác.
Tuy nhiên, hướng dẫn cực kỳ quan trọng, đòi hỏi phải có quy trình rõ ràng để những ưu đãi thiết thực hơn…
-Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt, vẫn có ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý vẫn sửa đổi. Quan điểm của bà như thế nào?
Vừa rồi VTCA phối hợp với VCCI tổ chức hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong đó có đánh giá xem luật thuế TTĐB có gì chưa phù hợp với thực tiễn. Bởi thuế TTĐB đánh theo mức độ, theo từng thời gian của từng khu vực quốc gia lãnh thổ.
Thời đầu khi xây dựng Luật Thuế TTĐB thì điều hòa nhiệt độ được coi là thứ sản phẩm xa xỉ, phải đánh thuế nặng, nhưng qua thời gian, nay nó lại là mặt hàng tiêu dùng thông thường, thiết yếu với đời sống cộng đồng. Vậy thì, trước kia đúng, giờ phải sửa.
Hoặc chúng ta tìm ra các biện pháp quản lý. Ví dụ, đối với mặt hàng vàng mã và hàng mã, chúng ta thu ở khâu sản xuất, không thu ở khâu lưu thông, nhưng bây giờ chúng ta đến các chùa, chợ ngày lễ thì vàng mã, hàng mã rất nhiều.
Nhưng họ sản xuất ở đâu? ở trong dân và hầu như chúng ta không thu được thuế. Như vậy, chúng ta phải xem xét lại, chúng ta đặt thuế 70% nhưng có thực hiện được không?
Nói đến thuế TTĐB của rượu. Nhà máy rượu Hà Nội nỗ lực để tồn tại phát triển. Nhưng rượu Kim Sơn, rượu làng Vân, rượu cuốc lủi dân nấu... không được kiểm soát, lại ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì lại trôi nổi, không triển khai chính sách thuế được. Biện pháp thế nào?
Và buôn lậu thuốc lá toàn quốc thì có chính sách gì? Cùng với kiến nghị bỏ thuế TTĐB với một số mặt hàng, dịch vụ thì cũng cần xem xét, đưa vào danh mục chịu thuế TTĐB một số mặt hàng, dịch vụ khác. Chẳng hạn, dịch vụ làm đẹp, nâng ngực…Đây cũng là nhiệm vụ của VTCA góp phần làm cho chính sách thuế rõ ràng và minh bạch hơn.
Xin cám ơn bà!