Lớp học “5 trong 1”
Gọi là “5 trong 1” bởi lớp học đó gồm tất cả các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Lúc chúng tôi đến, những đứa trẻ đủ các lứa tuổi ngồi trên các dãy bàn cặm cụi làm toán. Thấy người lạ, bọn trẻ nhao nhao phấn khích, chúng trố mắt nhìn khiến ông giáo Ngô Tùng Bích phải dừng việc giảng bài, lên tiếng nhắc nhở học sinh trật tự rồi mới quay sang tiếp chuyện chúng tôi.
Thoạt nhìn qua lớp học của ông giáo Bích, ít ai tưởng tượng được cái lớp học nhỏ xíu được dựng tạm bợ bằng gỗ vụn, tôn và che chắn bằng những tấm vải simili chằng chịt lỗ vá ấy lại là nơi chắp cánh ước mơ con chữ cho những trẻ em nghèo của ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, Bình Phước. Nghe chúng tôi nói ý định muốn viết bài về lớp học, ông giáo Bích ngại ngùng nói: “Thôi viết làm gì mấy cháu, chuyện tôi làm chỉ là việc nhỏ thôi”.
Phải thuyết phục mãi, cuối cùng ông giáo Bích mới chịu chia sẻ về lớp học tình thương của mình. Ông tâm sự: “Huyện Bù Đốp nói chung và ấp Tân Hòa của xã Tân Tiến nói riêng là địa bàn giáp biên giới, phần đông người dân là đồng bào dân tộc. Điều kiện kinh tế của bà con nơi đây rất khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, do đó ảnh hưởng ít nhiều đến việc học tập của con em”.
Nhiều đứa trẻ học đến lớp 2, 3 nhưng viết chữ, phát âm vẫn chưa thạo. Thậm chí, có em ngay cả phép tính cộng, trừ, nhân, chia cơ bản cũng còn yếu. Từng là một nhà giáo lại chứng kiến cảnh đó nên khi vừa về hưu ông Bích đã nghĩ ngay đến việc mở một lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo trong ấp.
Năm 2007, ông dựng một căn chòi trong khu đất trống trước nhà mình để làm lớp học. Để có thiết bị, ông đến các trường học xin bàn, ghế cũ rồi tự bỏ tiền mua thêm bảng, phấn. Lớp học đã có, ông giáo Bích lại cặm cụi đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đến lớp học thêm văn hóa. Lúc đầu, chỉ có vài ba trẻ theo học nhưng khi tiếng tăm về lớp học miễn phí bắt đầu lan rộng, nhiều phụ huynh liên tục đem con đến gửi.
Lớp học của ông Bích rất đặc biệt bởi nó tập hợp học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Để quán xuyến và dạy học có hiệu quả, ông phải chia lớp học ra thành nhiều nhóm dành cho các lớp từ 1 đến 5 để kèm. Dĩ nhiên, với mỗi nhóm ông đều cố gắng chỉ dạy từng li từng tí.
Mỗi tiết học đều được ông giáo Bích chuẩn bị khá công phu theo chương trình trong sách giáo khoa. Các môn dạy của ông chủ yếu là toán và văn. Bởi theo lời ông, chỉ khi học sinh nắm vững những nội dung căn bản trong hệ thống giáo dục bậc tiểu học thì mới dễ dàng theo kịp chương trình học trên lớp.
Có một nguyên tắc bất thành văn ở lớp học này mà bản thân ông giáo Bích luôn cố gắng duy trì đó là, trước khi dạy chữ sẽ dạy đạo đức trước cho các em. Thế nên, tất cả trẻ ở lớp học của ông Bích đều rất dễ thương, chúng luôn lễ phép mỗi khi gặp người lớn.
Dù tuổi cao, sức vóc đã yếu đi nhiều nhưng suốt 8 năm qua ông Bích vẫn duy trì lớp học đều đặn. Ngày nào cũng vậy, không kể thứ bảy hay chủ nhật, dù ngày nắng hay ngày mưa, cứ có học sinh đến nhà để học là ông lại đứng lớp, chỉ dạy từng dấu câu, con tính cho đám trẻ. Nhắc chuyện này, ông giáo già bộc bạch: “Mình làm việc là từ cái tâm với mong muốn các cháu biết thêm cái chữ, biết tính toán để theo kịp bạn bè, tiếp tục học tập để thành người tốt cho xã hội là vui rồi”.
Ông giáo Ngô Tùng Bích tận tình dạy chữ cho các cháu nhỏ |
Dạy cho đến khi không còn sức
Suốt 8 năm trôi qua, bản thân ông giáo Bích không nhớ được đã có bao nhiêu học trò “tốt nghiệp” từ lớp học của mình. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, sau những buổi học miệt mài đó không ít em đã dần trưởng thành, theo kịp chương trình học, không thua kém kiến thức với các bạn học cùng lứa. Nhiều em trước đây phải nghỉ học vì học lực yếu thì giờ đây đã có thể hòa nhập lại trường và trở thành học sinh khá, giỏi.
Không chỉ là thầy của bọn trẻ mà ông Bích còn là người truyền dạy con chữ cho nhiều phụ huynh. Bởi vậy, có không ít trường hợp cả gia đình đều từng là học trò trong lớp học “5 trong 1”. Và tất cả họ đều yêu mến gọi ông bằng “thầy” một cách kính trọng.
Tuổi đã ngoài 70, gia đình khó khăn, thuộc diện hộ gia đình nghèo của xã, nhưng có lẽ cái duyên của nghề đưa những chuyến đò kiến thức đã gắn liền với cuộc đời ông giáo Bích. Từ khi còn nhỏ, ông đã thấm nhuần lời kêu gọi của Bác Hồ trong phong trào diệt giặc đói, giặc dốt năm 1945. Đến khi lớn lên, ông cũng theo con đường làm nghề giáo để dạy chữ cho mọi người. Rồi đến cái tuổi về hưu, ông Bích vẫn tâm niệm tiếp tục nghề “chèo lái con đò tri thức” cho những đứa trẻ nghèo trong ấp Tân Hòa.
Cũng đã 8 năm trôi qua, ông Bích vẫn tiếp tục công việc dạy học và đã trở thành thói quen, niềm vui trong cuộc sống. Ông chưa bao giờ nhận tiền học phí của bất kỳ em học sinh nào. Nhắc chuyện này, ông chỉ cười cho biết, hễ vài ba hôm không có các cháu đến học là lại cảm thầy buồn. “Dù tuổi đã cao, nhưng còn sức thì vẫn dạy, tình làng nghĩa xóm thân thiết lắm, dù chỉ còn một cháu đến lớp học là tôi vẫn dạy. Nó đã trở thành thói quen hàng ngày rồi, chỉ bỏ vài ba hôm không có cháu đến học là tôi lại thấy buồn” - ông giáo Bích bộc bạch.
Do năng nổ, nhiệt tình nên năm 2012, ông giáo Bích được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Tiến.
Nhận xét về lớp học miễn phí của ông giáo già, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Tiến - Đoàn Văn Thùy nói: “Việc ông Bích mở lớp tình thương miễn phí nhằm giúp đỡ gia đình cũng như bản thân các cháu nhỏ khó khăn nắm vững thêm các kiến thức là nguồn động viên to lớn đối với các cháu. Kể từ khi ông mở lớp dạy, các cháu đã đủ kiến thức cơ bản theo học trên lớp. Đến nay tình trạng các cháu bỏ học vì không theo nổi chương trình hầu như đã không còn. Ông Bích thực sự là tấm gương sáng người cao tuổi mẫu mực để mọi người và các cháu học tập noi theo”.
Khi được hỏi về mong muốn của mình, ông giáo Bích trầm ngâm nói: “Tôi chẳng có mong ước gì lớn lao, chỉ hi vọng các cháu khôn lớn, thành người có ích cho xã hội. Cũng hy vọng sẽ duy trì được sức khỏe để lên lớp dạy khi còn có thể”.
Chia tay lớp học, chúng tôi về lại thị xã Đồng Xoài. Còn ông giáo Bích vẫn miệt mài gieo chữ trong căn chòi lá đơn sơ giữa vùng biên giới trùng điệp núi rừng. Trên con đường dài hơn trăm cây số, trong ánh chiều đổ dài trên đường vắng, hình ảnh người giáo già cùng lớp học đặc biệt ấy cứ ám ảnh tâm trí tôi. Tri thức, và cũng là tương lai, sẽ vượt qua mọi khó khăn trở ngại để đến với mọi người, chỉ cần một chữ “tâm” ở người mang tri thức là đủ.