Gà trống nuôi con và cảnh đời đầy nước mắt
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình anh Phùng Văn Năm (ở thôn Quýt 4, xã Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội) khiến ai cũng xót thương. Anh mang gương mặt khắc khổ điển hình của một người nông dân, đôi tay chai cứng chốc chốc lại xoa nhẹ lên vết mổ để quên đi sự đau đớn, chốc lát lại lén quay đi lau nước mắt. Dù đã cố dặn bản thân phải tỏ ra vui vẻ để con đỡ sợ nhưng người cha này vẫn không thể giấu nổi giọt nước mắt đau xót.
Trong căn nhà tuềnh toàng, ẩm thấp của gia đình không có nổi vật dụng gì giá trị, anh kể về câu chuyện của cuộc đời mình. Sinh ra trong một gia đình nghèo nên anh chẳng được học hành nhiều. Lớn lên, anh xây dựng gia đình với cô gái hiền lành, siêng năng gần làng. Những tưởng hạnh phúc đã vẹn toàn khi 4 người con 2 trai, 2 gái lần lượt chào đời. C
uộc sống cứ thế trôi đi cho đến đầu năm 2006, kém may mắn người con thứ ba của anh chị ra đời mắc bệnh tim bẩm sinh. Không lâu sau đó, vợ anh mắc bệnh tâm thần, rồi chị cũng đột ngột qua đời để lại mình anh với cảnh nghèo khó, vật lộn mưu sinh nuôi đàn con thơ dại. Vợ mất là cú sốc tinh thần lớn đối với anh, một thời gian dài, anh đờ đẫn như người mất hồn.
Gượng dậy trong nỗi đau vô bờ, anh Năm lam lũ đủ nghề, tằn tiện nuôi con. Một mình anh vừa là bố, vừa là mẹ nuôi 4 đứa con thơ. Anh không dám đi bước nữa vì “sợ người đó không thương con mình”. Sống cảnh gà trống nuôi con, cuộc đời anh Năm gặp không ít cơ cực. “Tuy khó khăn nhưng con tôi rất ngoan. Nó không đòi hỏi, chỉ có điều chúng nhớ mẹ, hỏi mẹ suốt, bởi chúng còn nhỏ quá,...”, anh Năm chia sẻ.
Anh làm thuê quanh vùng, thu nhập mỗi ngày chưa đến 100 ngàn công, chưa kể những hôm mưa gió, không có việc, anh chỉ biết quanh quẩn ở nhà chăm sóc góc vườn nhỏ. Bữa đói, bữa no, đều đặn hơn 10 năm qua, mỗi tháng anh đều vay thêm tiền cho con trai mắc bệnh tim bẩm sinh nhập viện điều trị. Nợ nần chồng chất, bao nhiêu tai ương cứ ập đến khiến kinh tế gia đình anh khánh kiệt.
Cú ngã oan nghiệt
Vì nghèo khó, thiếu thốn nên thể trạng của các con anh Năm đều còi cọc, yếu ớt. Cậu con trai học lớp 7 của anh chỉ nặng khoảng 21kg, cao khoảng 1,1m, con gái đầu lòng đang học lớp 8 nhưng chỉ nhỉnh hơn em một chút. Thương con, anh Năm chỉ biết đôn đáo làm mướn khắp nơi nhưng cũng chẳng kiếm được nhiều tiền mà bồi dưỡng cho con. Anh chỉ mong sao lũ trẻ khỏe mạnh, nhưng dường như số phận nghiệt ngã vẫn chưa buông tha cho anh.
“Trong những lần đưa cháu thứ 3 đi chữa bệnh tim ở bệnh viện, tôi được chứng kiến cảnh gia đình khác nhà nghèo họ phải bán nhà, sang đất, nợ chồng chất, con cái thôi học vào đời sớm... Chẳng ngờ cuộc đời tôi lại có ngày cũng khổ y như họ. Cái khổ nối tiếp cái nghèo, nhìn mấy đứa nhỏ nheo nhóc, thấy thân làm cha này vô dụng quá. Tôi không mong muốn được giàu sang như người ta, chỉ cần bố con khỏe mạnh, tôi tiếp tục đi làm nuôi con là quá đủ” - anh Năm tâm sự, giọng nặng trĩu.
Khi cuộc sống khó khăn chưa được cải thiện thì bi kịch ập đến khiến nỗi đau đớn thêm chồng chất. Ngày 16/7, nghe cậu con trai bị bệnh tim bẩm sinh nói thích ăn nhãn, anh Năm liền trèo cây nhãn của nhà hái quả cho con. Chẳng may, anh trượt chân ngã xuống thành giếng. Cú ngã oan nghiệt khiến anh bị gãy 6 xương sườn, tràn dịch phổi phải nhập viện cấp cứu.
Người thân của anh Năm cho biết, việc cứu người cấp bách, phía bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cho anh Năm cắt bỏ phần lá lách bị tổn thương. Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, hiện anh Năm đã qua cơn nguy hiểm. Dù vậy, sức khỏe của anh còn rất yếu, các bác sĩ phải truyền dinh dưỡng qua ống xông.
Chưa tính chi phí phẫu thuật, chỉ tính chi phí nằm viện, tiền ăn uống hàng ngày cũng tiêu tốn hơn 400 nghìn đồng mỗi ngày. Bác sĩ cũng cho biết anh còn phải điều trị dài ngày và phải qua nhiều cuộc phẫu thuật như thế nữa mới mong được phục hồi cơ bản. Khoản tiền vay nợ phẫu thuật vài hôm trước vẫn còn đó, nay lại thêm gánh nặng hàng chục triệu đồng cho những lần điều trị tiếp theo là con số quá lớn đối với cảnh nghèo hiện tại của anh.
Cô con gái đầu của anh Phùng Thị Thùy (13 tuổi) khóc sưng mắt khi nhìn bố hàng ngày rên lên vì đau đớn. Em tự nấu cơm chăm sóc các em thay bố. Chút gạo lẻ còn sót lại trong thùng gạo vừa đủ làm bữa tối cho năm bố con. Vừa nấu cơm cô bé vừa lẩm bẩm: “Bố ơi, bố ăn cho chóng khỏe. Bố đừng bỏ chúng con mà đi, con yêu bố lắm, bố là người thân duy nhất trên đời của con mà…”.
Trong ánh mắt, giọng nói ngây thơ ấy của cô bé ánh lên một tình yêu, sự kiên trì cùng đôi chút sợ sệt đến khó tả. Chia tay bố con anh ra về, cô bé chạy theo níu tay tôi lại nói: “Cô cứu bố con với, đừng bỏ đi mà. Sau này lớn, con sẽ kiếm tiền trả ơn cô”. Nghe những lời nói ấy, tôi không sao kìm được nước mắt…
Mọi giúp đỡ, chia sẻ của quý độc giả xin gửi về theo địa chỉ:
Anh Phùng Văn Năm, thôn Quýt 4, xã Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội.
Điện thoại: 01676452670