Dân ngụ cư tứ xứ
Theo chân nhóm tình nguyện học sinh, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cuộc sống của cư dân xóm nhà nổi có một không hai ở Thủ đô. Chẳng biết xóm Phao ở bãi giữa sông Hồng được hình thành tự bao giờ, chỉ biết trước đây những người dân “khố rách áo ôm” không chốn nương thân phiêu dạt về đây dựng lều ở ven sông lấy chỗ che mưa, che nắng.
Đa số các gia đình xóm Phao đều là dân ngụ cư nghèo từ khắp các tỉnh bỏ quê đi tha hương cầu thực nên việc xin giấy tờ, làm thủ tục hành chính ở đây rất khó khăn.
Có gia đình xóm Phao cũng ấp ủ mơ ước được thuê đất ở bãi giữa sông Hồng để dựng nhà và trồng trọt, chăn nuôi, nhưng vì không có hộ khẩu nên việc vay vốn để làm ăn cũng bị “đứt gánh” ngang đường.
Để tránh bị đuổi, những cư dân khốn khổ này chỉ còn cách dựng nhà nổi dưới sông để ở. Họ phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống tại chợ đầu mối Long Biên.
Bà Đinh Thị Mai (quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) chia sẻ: “Để có một căn nhà rộng đủ cho 12 người ở, tôi phải đi xin gỗ không sử dụng đến từ các nhà đang xây để làm. Mấy đứa trẻ thì nhặt những tấm bạt quảng cáo người ta không sử dụng về giặt sạch lợp lên mái để tránh mưa”.
Ông Nguyễn Đăng Được- Trưởng xóm Phao cho biết: “Tính đến nay, cả xóm đã có 28 hộ gia đình đang sinh sống. Cuộc sống ở đây tuy nhiều vất vả khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng bám trụ, vì với chúng tôi ở đây vẫn tốt hơn ở quê. Cư dân xóm Phao tự cho rằng mình là những kẻ có quê nhưng không có nhà”.
Cuộc đời người đàn bà “chân tươi, chân héo”
Ở xóm Phao có nhiều phụ nữ bất hạnh, nghèo khổ. Cuộc đời “chị Dậu” cứ thế lẩn khuất xung quanh số phận những người đàn bà vô gia cư này. Điển hình như bà Đào Thị Phương Nga (60 tuổi, ngụ quận Long Biên) làm nghề rửa bát thuê cho các hàng phở đêm để kiếm tiền nuôi cả gia đình.
Trước kia vợ chồng bà Nga có mua một căn nhà ở phường Bạch Đằng (Hà Nội) nhưng vì căn nhà lại thuộc diện lấn chiếm, không giấy tờ nên khi bị giải tỏa thì không được đền bù. Thế là vợ chồng bà thành tay trắng, vô gia cư, khó khăn chồng chất.
Xóm Phao nghèo |
Bà Nga tâm sự: “Mới đầu còn đi thuê nhà nhưng giá nhà mỗi ngày một tăng cao, vợ chồng tôi làm không đủ tiền để nuôi 3 đứa con và trả tiền nhà. Cuối cùng, chúng tôi phải dắt díu nhau ra bãi giữa sông Hồng sinh sống, kể từ đó đến nay cũng ngót nghét gần 20 năm rồi”.
“Nghèo lại gặp eo”, nhà bà Nga ai cũng mắc bệnh hiểm nghèo. Cô con dâu bị liệt nửa người, đứa cháu nội bị bệnh viêm phổi, anh con trai lớn bị sởi chạy hậu dẫn đến teo chân. Người chồng cũng mắc bệnh sỏi mật bùn và bản thân bà Nga là lao động chính cũng bị tật dưới lòng bàn chân nên bước đi lúc nào cũng tất tưởi, bước thấp bước cao. Người dân xóm Phao hay gọi bà là người đàn bà “chân tươi, chân héo”.
Gia đình bà Nga 12 con người chen chúc sống trong căn nhà phao rộng không quá 10m2, một mình bà phải cáng đáng mọi công việc từ nội trợ đến kiếm miếng cơm manh áo.
Bà Nga chia sẻ: “Giờ già yếu rồi, chẳng ai thuê tôi những việc nặng nhọc nữa, ban ngày phải lo công việc gia đình nên tôi chuyển sang làm đêm. Các nhà hàng ngoài phố thuê tôi rửa bát từ 23h đến 4h sáng. Vất vả nhưng còn cóp nhặt được vài đồng để nuôi cháu, nuôi gia đình”. Chẳng biết bà còn gắng gượng được đến bao giờ để nuôi con, nuôi cháu? Chẳng biết rồi đây người chồng, đứa con dâu và đứa cháu của bà có vượt qua được bạo bệnh để tiếp tục sống hay không?
Những đứa trẻ không có giấy khai sinh
Xóm Phao vốn là một xóm nghèo tự phát nhưng vì ở đây không có các tệ nạn xã hội nên nhiều người dân nghèo dồn về đây sống ngày càng đông, có lẽ vì thế chính quyền địa phương cũng không nỡ mạnh tay giải toả.
Trẻ em xóm Phao |
Trẻ em xóm Phao mưu sinh bên dưới những đống rác thải, phế liệu. Những ước mơ trong trẻo của chúng cũng bị gánh nặng cơm áo nhấn chìm. Hàng năm, có rất nhiều người, tổ chức đến ủng hộ quần áo, sách vở cho đám trẻ. Nhưng niềm ao ước lớn nhất của cả người lớn lẫn trẻ em đó là giấy khai sinh.
Em Hà, con gái út bà Đinh Thị Mai là đứa trẻ bước ra từ bộ phim tài liệu “Thảo nguyên xanh tươi” nhưng đến nay khi đã 18 tuổi, em vẫn chưa có giấy khai sinh. “Đến nay, em vẫn chưa có giấy khai sinh. Việc xin giấy khai sinh tại nơi em đang ở này cũng khó lắm vì gia đình em là dân ngụ cư. Không có giấy tờ tùy thân, sau này muốn xin vào làm ở đâu đó cũng khó”, em Hà chia sẻ.
Giấy khai sinh chính là một trong những thứ cản trở cuộc sống của trẻ em xóm Phao. Điều đó khiến cho ước mơ được đến lớp của các em cũng bị thu hẹp lại.
Trưởng thôn Nguyễn Đăng Được tâm sự: “Hiện nay vẫn còn một số cháu ở xóm chưa có giấy khai sinh. Các cháu rất thiệt thòi. Vài năm gần đây tôi có liên hệ, làm việc để các cháu có cơ hội được làm giấy khai sinh nhưng vẫn còn một vài cháu chưa được làm”.
“Chúng tôi là dân nhập cư nghèo “thấp cổ bé họng” cũng chẳng biết phải làm thế nào. Nhưng “mưa dầm thấm lâu”, tôi tin một vài năm tới, tất cả các cháu ở trong xóm sẽ đều được làm giấy khai sinh”, ông Được nói thêm.
Không chỉ có trẻ em mà chính những người lớn cũng chưa được công nhận là công dân. Trường hợp của ông Nguyễn Đăng Được là một ví dụ. Thông qua chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, gia đình ông đã tìm được ông sau bao năm xa cách. Thế nhưng, trên người không có giấy tờ tùy thân nào nên khi trở về, địa phương không ai chứng nhận ông đã từng sinh ra, lớn lên ở đó. Ông lại đành một lần nữa rời bỏ quê hương để trở ra Bắc tiếp tục là người dẫn dắt xóm Phao nghèo.
Rời khỏi xóm Phao, nỗi ám ảnh buồn về những cảnh đời “chị Dậu”, về những đứa trẻ không biết tương lai sẽ trôi dạt về đâu luôn bám riết chúng tôi? Làm sao để chúng không đi vào “vết xe đổ” của cuộc đời cha mẹ chúng là bài toán nan giải đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của riêng những con người xóm Phao mà cần sự giúp đỡ, chung tay của toàn xã hội./.