Chiều 22/9, Báo PLVN đăng tải bài viết “Hai nữ sinh dân tộc Vân Kiều đi bộ 5km để ‘đón sóng 3G – dựng lán’ học online” kể về câu chuyện hai chị em Thị Son (SN 2004) và Hồ Thị Thanh Huyền (SN 2005), trú tại bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Liên quan đến câu chuyện này, sáng 23/9, trao đổi với PV, ông Hồ An Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Tỉnh đang tiến hành liên hệ làm việc với các đơn vị liên quan nhằm sớm xây dựng Trạm phát sóng để kết nối thông tin liên lạc, internet cho các bản làng xã vùng cao Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy.
“Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người khi nhìn thấy hình ảnh của hai em học sinh lên núi cao tìm sóng 3G để học trực tuyến sẽ rất xúc động. Do đó, cần có những sự hỗ trợ, đồng hành với các em. Trước mắt, tỉnh sẽ liên hệ với Viettel Chi nhánh tỉnh Quảng Bình để tài trợ đường truyền, sớm triển khai xây dựng Trạm phát sóng để kết nối thông tin liên lạc, internet. Việc này có ý nghĩa xã hội nhân văn, và hỗ trợ rất tốt cho đồng bào dân tộc Vân Kiều, nơi không có sóng điện thoại”, ông Hồ An Phong nói.
Ngoài việc lên phương án, tổ chức đến hiện trường để khảo sát lắp Trạm phát sóng 4G tại xã vùng cao Lâm Thủy, tỉnh Quảng Bình còn chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo ưu tiên tặng điện thoại thông minh cho học sinh ở địa phương này trong Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Tỉnh Quảng Bình đang liên hệ với các đơn vị liên quan để lắp Trạm phát sóng 4G nơi hai chị em Son và Huyền đang sinh sống. |
Như đã đăng tải trước đó, trong những ngày đầu của năm học mới 2021-2022, trên hành trình về với điểm trường TH&THCS tại bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi vô tình bắt gặp hình ảnh 2 chị em ruột người dân tộc Vân Kiều đang chăm chú học trực tuyến qua điện thoại trong một căn lán dựng tạm bên đường.
Hai nữ học sinh này là Hồ Thị Son (SN 2004) và Hồ Thị Thanh Huyền (SN 2005) - Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Bình.
Trò chuyện với chúng tôi, hai chị em Son và Huyền chia sẻ, vì ở khu vực vùng sâu vùng xa nên mặc dù có điện thoại thông minh nhưng ở bản Bạch Đàn nơi hai chị em đang sinh sống lại không có sóng hay mạng điện thoại.
Để kết nối vào hệ thống học trực tuyến và theo dõi thầy cô giảng dạy, hai chị em Son và Huyền phải mất nhiều ngày mò mẫn lên các khu vực đồi cao mới tìm được khu vực đón sóng 3G. Tại khu vực hai chị em Son và Huyền đón được sóng 3G (cách bản Bạch Đàn tầm 5km), bố mẹ của các em cũng đã dựng tạm một căn lán để che mưa, che nắng và kê những thanh gỗ làm bàn, ghế cho hai em học bài.
Mặc dù rất vui mừng khi tìm được vị trí có mạng 3G để học trực tuyến, thế nhưng Son và Huyền cũng như bố mẹ các em lại rất lo lắng bởi khu vực dựng lán là vách núi cao, trước mặt là vực sâu nên dễ bị sạt lở, 2 chị em cũng chỉ dám đến ngồi học lúc trời tạnh ráo.
Cứ mỗi sáng, 2 chị em Huyền và Son dậy từ rất sớm, đem theo nắm cơm hoặc cái bánh, đi bộ gần 5km theo con đường lởm chởm đất đá để ra vị trí đã dựng chòi để ngồi học trực tuyến. Các em vừa học, vừa trao đổi, nhận các tài liệu, đề bài tập của thầy cô gửi qua Zalo, Facebook.