Càng kinh dị càng… đẹp?!
Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Halloween – lễ hội ma trong văn hoá phương Tây. Bắt đầu bùng nổ tại Việt Nam khoảng hơn 10 năm nay, đến nay Hallowen luôn là một trong những ngày lễ được giới trẻ đón nhận hào hứng.
Thời điểm này, các mặt hàng trang trí liên quan đến lễ hội ma đã bắt đầu sôi động, từ cửa hàng cho đến buôn bán qua mạng: các loại mặt nạ, quần áo kinh dị, sơn vẽ mặt, thiệp ma… Các dịch vụ kinh doanh thời trang hưởng ứng bằng cách giảm giá sản phẩm, các loại hình giải trí thì tổ chức các event nhỏ đủ các kiểu để thu hút khách.
Nhưng cũng từ đó, dần dà lễ hội ma đã mất đi nguyên bản ở nơi phát xuất ra nó mà trở thành một dịp để giới trẻ Việt tha hồ vui chơi giải trí theo những cách “kinh dị” nhất. Với suy nghĩ “càng kinh dị càng đẹp”, Lễ hội Halloween nhiều lúc đã trở thành chốn để các bạn trẻ phô trương những cách hoá trang đầy máu me, ghê rợn.
Còn nhớ năm 2014, sinh viên một trường đại học tại TP.HCM đã bị phê phán vì tổ chức một bữa tiệc Halloween ít yếu tố văn hoá, nhiều yếu tố kinh dị, đáng sợ với các loại hoá trang ma quỷ, xác chết, máu me… gây phản cảm.
Halloween đôi khi còn tạo cớ để nhiều bạn trẻ “quậy tới bến” với những thú vui không lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật như tổ chức những “tiệc ma” với trang trí kinh dị, rượu mạnh, chất kích thích và cả ma tuý để làm nóng không khí.
Giáng sinh, một ngày lễ lớn của người theo đạo Ki tô nói riêng và người dân các nước phương Tây nói chung đã trở thành một lễ hội ngoại nhập sôi động và được đón nhận nhất tại Việt Nam. Giáng sinh trở thành dịp để trang trí, mua sắm, giải trí, vui chơi, hội tụ và du lịch. Tuy nhiên, ngay cả lễ hội đẹp này cũng bị một bộ phận giới trẻ “biến tấu” theo cách… làm xấu xí đi: lấy cớ để tụ tập ăn nhậu hay đưa nhau vào nhà nghỉ.
Bày tỏ tình yêu hay thể hiện “đẳng cấp”?
Ngày Lễ Tình nhân Valentine với ý nghĩa tốt đẹp, khi vào Việt Nam đã trở thành một trào lưu của tỏ tình và tặng quà. Cứ đến hẹn lại lên, dịp Valentine hàng năm, dư luận lại xôn xao trước những màn tỏ tình hoành tráng, thu hút đám đông hay những loại quà “khủng”, đắt tiền mới xuất hiện.
Những màn cầu hôn, tỏ tình công khai giữa bàn dân thiên hạ với đèn, hoa, bóng bay hay nhạc, những bông hồng mạ vàng, hoa bất tử, hoa được xếp thành tiền, trang sức quý, kim cương trong ngày Valentine… ngày một nhiều, từ giới bình dân cho đến giới showbiz, đại gia…
Hoa hồng vàng là món quà xa xỉ cho ngày Phụ nữ Việt Nam. |
Với phương Tây, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cũng chỉ là một ngày bình thường và người đàn ông thể hiện tình yêu, lòng trân trọng với người phụ nữ của mình chỉ bằng những cách thực tế, chân tình nhất. Khi giới trẻ Việt tiếp nhận ngày này, một bộ phận đã biến một ngày kỷ niệm mang nhiều ý nghĩa thành dịp để phô trương.
Những bữa tiệc tùng tốn kém, các cuộc ăn nhậu, vui chơi (đôi khi không dành cho phụ nữ - vì chỉ có cánh đàn ông với nhau), thậm chí đây lại cũng là cơ hội để tỏ tình, để quà cáp, hoa được dịp lên giá gấp nhiều lần và doanh nghiệp nghĩ ra nhiều “chiêu” hơn để tung ra, để cánh nam nhi lấy lòng phụ nữ.
Dịp 20/10 vừa qua, không còn ít người nhớ đến cái tên chính xác của ngày lễ thành lập Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam, gắn liền với một giai đoạn hào hùng của dân tộc. Đây đó, những món quà đắt tiền vẫn được săn lùng để minh chứng cho sự giàu có, chịu chi, để chứng tỏ lòng thành của người tặng và “đẳng cấp” của người nhận(!) như: hoa hồng mạ vàng, hoa hồng vàng nguyên khối trị giá vài trăm triệu đồng…
Tất nhiên, không thể phủ nhận khi du nhập vào Việt Nam, những lễ hội trên mang nhiều khía cạnh tốt đẹp, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của cư dân Việt, giúp giới trẻ cởi mở, tiếp cận văn hoá năm châu. Tuy nhiên, chính sự tiếp nhận quá đà lại đem đến nhiều hệ luỵ… phi văn hoá.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá đã trăn trở rằng bản thân đất nước ta có nhiều lễ hội văn hoá truyền thống rất đẹp, rất hay, nhưng người trẻ lại dửng dưng, chạy theo, đón nhận nhiệt tình những lễ hội mang yếu tố ngoại lai. Phải chăng, do những ngày lễ truyền thống của chúng ta chưa đủ sức hút, chưa tìm được cách hay để thu hút chính giới trẻ nước ta? .