Lễ hội tết mùa ăn mừng lúa của người Bh’noong
Theo truyền thống, khi những vạt lúa cuối cùng trên rẫy được thu hoạch đưa về nhà và phơi khô cất vào kho vào những ngày cuối tháng 11 âm lịch, cộng đồng người Bh’noong chính thức bước vào lễ hội tết mùa ăn mừng lúa mới. Theo tiếng Bh’noong, lễ hội tết mùa ăn mừng lúa mới gọi là Wạn pachhum pơloyl chahano cha klôh mạưhnao kontamoy. Lễ hội là niềm vui chung của tất cả dân làng, vừa được tổ chức tại từng gia đình. Sau khi cúng Thần lúa, ông bà và ăn mừng lúa mới tại các gia đình xong, tùy thuộc vào kinh tế mà mỗi nhà góp thêm một phần cơm mới, thịt chuột, thịt heo, gà, cá nướng trong ống nứa, rau dớn, bí, ốc, cá, cua, tôm bắt dưới suối trước đó của gia đình mình đến nhà rông (nhà sinh hoạt cộng đồng) để Hội đồng già làng làm lễ dâng cúng Giàng, Thần lúa, tổ tiên, ông bà.
Mâm lễ cúng đầy đủ thường gồm các món: canh ốc, bánh lá đót (bánh quoát), rau dớn nấu với cá niêng bằng ống lồ ô, cơm mới trong ống nứa, cá quấn lá chuối nướng, thịt heo luộc băm trộn với lá sắn, thịt heo nướng, một tô thịt chuột rừng nấu măng tươi, một đầu heo luộc chín đi kèm với tim, gan, bộ lòng, một chén muối, một nia lúa mới (lúa thiêng) được góp từ các hộ gia đình trong làng, một ché rượu cần thơm ngon, một đĩa trầu cau, thuốc và cả những nông sản trồng được như: thơm, bí đỏ, mía, bầu, khoai lang, sắn...
Theo quan niệm của đồng bào Bh’noong, nghi thức cúng Giàng, Thần lúa, tổ tiên, ông bà sẽ do một phụ nữ lớn tuổi, sống hiền lành, đạo đức tốt được dân làng kính trọng và am hiểu phong tục tập quán thực hiện với bài cúng mời các vị thần xuống ăn cơm mới, ăn thịt, uống rượu, phù hộ các gia đình, làng, cộng đồng mùa vụ rẫy mới được mùa, làm ăn khá giả, thú rừng không phá phách, người làng mạnh khỏe, bệnh tật không còn, muôn vật xung quanh sinh sôi phát triển.
Sau nghi thức cúng này, Hội đồng già làng (gồm 3 người) lại chỗ nia lúa mới trong mâm cúng hốt mớ hạt lúa thiêng, lần lượt vung vẩy lên để mọi người đưa tay ra bắt. Theo quan niệm của đồng bào Bh’noong, người nào bắt được 2, 4, 6 hay 8 hạt thì sau đó người đó sẽ ăn những hạt gạo đó với niềm tin sẽ mang lại may mắn cho mình trong cả năm. Đây là nét độc đáo trong lễ hội tết mùa ăn mừng lúa mới của đồng bào Bh’noong mà các dân tộc khác trong vùng không có.
Sau lễ cúng, tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tù và và các loại nhạc cụ khác nổi lên sôi động, phụ nữ, thanh niên, trẻ em Bh’noong nắm tay các mẹ, các chị của mình vui mừng nhảy múa. Tiếng cồng chiêng, nhịp điệu múa và những tiếng hú tạo không khí sôi động, hào hứng. Những khuôn mặt rạng ngời, những nụ cười tràn đầy hy vọng, bà con cùng nhau ăn uống, múa hát; người già kể khan cho lớp trẻ nghe thâu đêm suốt sáng. Đến khi mặt trời hé rạng, báo hiệu ngày mới bắt đầu thì mọi người mới ra về, hẹn lễ hội tết mùa ăn mừng lúa mới năm sau.
Lễ mừng cơm của dân tộc Xinh Mun
Lễ Mừng cơm mới đã trở thành di sản độc đáo của dân tộc Xinh Mun xã Chiềng Sơ, Điện Biên Đông - tỉnh Điện Biên được tổ chức vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm.
Nghi lễ được thực hiện tại gian thờ tổ tiên (gian đầu tiên ở ngay lối cầu thang chính). Người Xinh Mun không dựng bàn thờ riêng, chỉ đặt một tấm phên nhỏ hình chữ nhật buộc vào một gậy tre dài khoảng 1,5m - 2m cắm ở giữa gian thờ (sát vách tường phía sau) và họ quan niệm đây là nơi trú ngụ của tổ tiên; tổ chức lễ cúng cơm mới hàng năm, chủ nhà (là nam giới) sẽ quét dọn và thay mới phên thờ.
Lễ mừng cơm mới được xem như Tết truyền thống của đồng bào, vì đây là nghi lễ đánh dấu sự khởi đầu và kết thúc mọi việc trong năm, chu trình của mọi hoạt động trong đời sống sinh hoạt bắt đầu diễn ra từ Lễ mừng cơm mới của năm trước đến Lễ mừng cơm mới của năm sau.
Trước khi diễn ra Lễ mừng cơm mới, chủ nhà mang lễ vật đến nhờ thầy mo (thầy cúng) hoặc người có uy tín trong bản chọn ngày đẹp để làm lễ. Mọi người trong gia đình chuẩn bị lễ vật, lương thực, thực phẩm để dâng cúng Thần linh, tổ tiên và mời anh em trong dòng họ, những người bà con thân thiết trong bản tới chia vui. Lễ vật đều liên quan đến nương rẫy hoặc món ăn truyền thống cổ xưa của tổ tiên người Xinh Mun, gồm lúa mới, sâu măng, bọ măng, dế, cá, rau củ, quả tự trồng được trên nương (quả dưa, quả bí), măng lấy trên rừng. Ngày nay, còn có thêm thịt lợn, thịt gà. Trước đây, lễ vật phải có con dúi, nhưng nay, để bảo vệ rừng, người Xinh Mun đã thay đổi quan niệm phải có thịt thú rừng. Ngoài ra, các gia đình còn chuẩn bị những thứ để phục vụ cho việc làm lễ, như ống tre, chai đựng nước (bong hót); phên thờ (Ta lé sun yếng); chum rượu cần.
Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun trở thành Di sản phi vật thể quốc gia. (Ảnh Nguyễn Thịnh) |
Với giá trị tiêu biểu, Lễ mừng cơm mới của dân tộc Xinh Mun được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 64/QĐ-BVHTTDL ngày 12/01/2022. Đây vừa là niềm tự hào của đồng bào Xinh Mun, đồng thời cũng góp phần nâng cao trách nhiệm trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc. Mới đây, Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên vừa tổ chức Lễ Công bố và trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lễ mừng cơm mới này.
Lễ mừng lúa mới của người M’nông
Lễ mừng lúa mới của người M’nông được tổ chức vào đầu vụ thu hoạch cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch. người M’nông thường chuẩn bị cho lễ ngay từ ngày đầu tra hạt rồi chờ lúa chín. Lễ được tổ chức ngay tại rẫy, mâm cơm được bày ra để cúng Giàng.
Các gia đình thường chuẩn bị từ 2 đến 7 ché rượu cần tùy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và nuôi gà hoặc heo chờ ngày lúa chín. Gần đến ngày thu hoạch lúa, những ché rượu cần quý nhất sẽ được xếp hàng dãy dọc giữa nhà. Những cây cần đã được làm thêm để tiếp nhiều khách đến thưởng thức. Bộ chiêng với nhiều kích cỡ cũng được đem ra kỳ cọ và đánh thử để kiểm tra âm thanh. Nếu gặp vụ mùa bội thu, có đến hàng trăm gùi lúa thì người M’nông còn làm thêm cả kèn r’lét, chuẩn bị hội đâm trâu để hiến tạ thần linh và ăn mừng.
Khi lúa chín, các nghi lễ cúng lúa sẽ rộn lên trong các gia đình. Từ lễ tuốt lúa đến cúng hồn lúa từ rẫy về kho sẽ được tổ chức nhộn nhịp. Nếu vụ lúa của chủ nhà nào chín rộ thì mọi người sẽ cùng đi tuốt hộ. Sau đó mỗi người ra tuốt một nắm lúa bỏ vào trong bồ gọi là rước lúa về nhà. Khách sẽ quay ra chúc chủ nhà những câu tốt lành, rồi chủ nhà mời tất cả ngồi xung quanh đống lửa ăn uống. Sau khi ăn uống xong, mọi người đánh chiêng, nhảy múa cho tới khuya, có khi thâu đêm suốt sáng.
Vào dịp tết mừng lúa mới, người M’nông sẽ trang trí kho lúa bằng các loại cây hoa, được làm từ những que tre vót thành nhiều cành tượng trưng hình bông lúa, gọi là “Hừn du”. Theo cách nghĩ mộc mạc của người M’nông, với cách trang trí này có thể hấp dẫn, lưu giữ hồn lúa ở trong kho. Lúa thu hoạch được chia làm ba: Một phần để ăn, một phần để sắm đồ đạc, một phần dành cho trâu bò cùng những con vật góp công cùng con người làm ra hạt lúa.
Đồng bào M’nông tuốt lúa khi vừa chín vàng, hay còn một chút màu xanh, luộc chín rồi phơi khô. Loại lúa này khi giã hạt gạo hơi nát nhưng hương vị thơm ngon. Bữa ăn cơm mới đầu tiên không nấu canh rau bầu bí mà phải ăn với những thức ăn như chim, cá, gà, heo và mời đông đủ bà con xóm làng tới dự. Đặc biệt, phải có ché rượu ủ gạo thật ngon để cúng Thần lúa.
Thường tổ chức vào bữa ăn tối, chủ nhà nấu một nồi cơm thật to, cứ tính mỗi hộ được mời phải được ăn một chén bầu (khoảng hai lon gạo). Trong làng có bao nhiêu hộ thì chủ nhà phải mời cho hết, vì nhớ ơn khi làm rẫy, làm nương nhờ bà con giúp đỡ mới có kết quả. Mời bà con ăn bữa cơm gạo mới để tỏ lòng biết ơn đã giúp gia đình khi trỉa lúa, dọn cỏ, tuốt lúa.
Khi bà con đã đến đông đủ, chủ nhà bưng một ché rượu đổ nước sẵn, hút ra một ít rượu đầu để cúng cơm, sau đó giết một con gà to lấy huyết bỏ vào chén bầu, hòa với rượu cần rồi đặt lên một cái nia ở trên sạp giường - nơi dọn cơm đãi khách. Dùng lá chuối tươi lót trên nia, đổ cơm, thịt gà vào và lấy một tô gạo có cắm đèn sáp ong, để cúng. Tất cả dụng cụ sản xuất có trong nhà như dao, rựa, rìu, cào cỏ... đều mang ra bỏ trên cái nia. Chủ nhà đặt trên lưỡi những dụng cụ đó một ít cơm, huyết heo, huyết gà, rượu cần tỏ ý thết đãi để đền ơn dụng cụ trước khi con người được ăn cơm mới. Có dụng cụ mới có nương rẫy xanh tươi, mang lại cuộc sống ấm no, do đó, dụng cụ lao động “ăn” trước, người ăn sau. Lúc đó chủ nhà và bà con tham dự khấn vái. Khấn vái xong, chủ nhà dọn cơm và thức ăn trên lá chuối tươi rồi mời bà con cùng thưởng thức.