Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2024), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ sẽ miễn 100% phí trong ngày 23/11 cho du khách (trong nước và quốc tế) đến tham quan và trải nghiệm di sản Thành Nhà Hồ. Đây là cơ hội vàng để du khách chiêm ngưỡng kỳ quan kiến trúc độc đáo của Việt Nam, tìm hiểu sâu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, trải nghiệm các trò chơi dân gian, và thưởng thức ẩm thực địa phương đặc trưng của địa phương.
Cũng trong dịp này, du khách tham quan sẽ lần đầu tiên được đắm mình trong 10 không gian văn hóa và sản phẩm du lịch mới như: Không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô; Không gian trưng bày hiện vật ngoài trời; Trưng bày đá xây thành làm điểm check-in tại cổng Nam; Khu trưng bày Danh nhân triều Hồ; Trưng bày mô hình súng thần công và những cải cách triều Hồ; Trưng bày kết quả khai quật khảo cổ học; Trưng bày không gian Đất và người Tây Đô; Trưng bày “Thành Nhà Hồ - lịch sử, truyền thuyết và khảo cổ học”.
Khu trưng bày hiện vật ngoài trời tại di sản Thành nhà Hồ. |
Ngoài việc đa dạng hóa và mở rộng khai thác các tuyến tham quan đến các điểm di tích, danh thắng, các làng truyền thống trong khu vực gắn với đặc trưng của Di sản, Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã xây dựng thêm các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; chỉnh trang khuôn viên di sản, đổi mới và nâng cao chất lượng các dịch vụ sẵn có. Tất cả nỗ lực nhằm mang đến cho du khách một hành trình khám phá đặc sắc và những trải nghiệm hấp dẫn đáng nhớ về lịch sử, sản vật và con người nơi đây.
Thành Nhà Hồ, tọa lạc tại tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam được xây dựng vào năm 1397 cuối thời nhà Trần, với tên gọi ban đầu là Tây Đô. Thành được Hồ Quý Ly, sau khi lên ngôi năm 1400 chọn làm kinh đô của triều đại mới.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, vẫn vẹn nguyên giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, năm 2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Thành Nhà Hồ nổi bật với kiến trúc đá lớn, được xây dựng hoàn toàn bằng các phiến đá vôi lớn, ghép khít mà không cần chất kết dính. Thành gồm bốn cổng chính theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc với cấu trúc vòm cuốn. Tổng thể kiến trúc của thành phản ánh sự giao thoa giữa phong cách kiến trúc Đông Á và Đông Nam Á, là minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc và sáng tạo tuyệt vời trong kỹ thuật xây dựng của ông cha ta thời kỳ đó.
Bên trong thành còn có các công trình quan trọng như cung điện, đền thờ, và hào nước bao quanh, tạo thành một hệ thống phòng thủ kiên cố. Mặc dù phần lớn công trình đã bị hư hại theo thời gian, Thành Nhà Hồ vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử to lớn, phản ánh một thời kỳ chuyển đổi đặc biệt của lịch sử Việt Nam.
Thành Nhà Hồ trở thành trung tâm giáo dục văn hóa và lịch sử, cầu nối của quá khứ và tương lai. |
Thành Nhà Hồ không chỉ là một bảo tàng đá sống động mà còn là một lớp học lịch sử ngoài trời, nơi thế hệ trẻ có cơ hội tìm hiểu và trân trọng giá trị di sản của dân tộc. Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo như "Em làm nhà khảo cổ học", "Cuộc thi ảnh, video đẹp",... giúp các em học sinh có cơ hội khám phá và tìm hiểu về di sản một cách trực tiếp và sinh động.
Năm 2024, Trung tâm đã phối hợp cùng các trường học trên địa bàn tổ chức cuộc thi “Rực rỡ Cố đô” với mục đích giáo dục và tuyên truyền giá trị di sản đến học sinh. Đây là một sáng kiến nổi bật trong chuỗi hoạt động “Hướng về cội nguồn” nhằm tạo sự gắn kết giữa học đường và di sản.
Trong thời gian tới, Thành Nhà Hồ sẽ tiếp tục đóng vai trò là trung tâm giáo dục văn hóa và lịch sử, điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Di tích không chỉ là những dấu ấn đẹp trong lòng khách thập phương, mà còn là nguồn cảm hứng để những câu chuyện lịch sử hào hùng tiếp tục được truyền tụng, vun mầm và gìn giữ lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong tâm thức của thế hệ trẻ ngày nay.