Chưa từng nghĩ chồng đã mất
Vượt hàng chục cây số đường núi hiểm trở, chúng tôi tìm đến xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) để gặp chị Nguyễn Thị Thu (SN 1977), một trong 3 gia đình có người thân mất tích khi đi xuất khẩu lao động ở TP.Benghazi (Lybia) hồi tháng 7/2014.
Mời khách vào nhà, trầm ngâm hồi lâu, chị Thu bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống chật vật của gia đình kể từ khi mất liên lạc với chồng. Cũng vì kinh tế khó khăn nên chị đành gạt nước mắt để anh xa xứ làm ăn, những mong trả hết nợ nần và lo cho 2 con cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn đời cha mẹ.
Căn nhà rách nát của chị Thu. |
Ngày 17/6/2013, anh Trần Văn Thứ (SN 1975 - chồng chị Thu) ký hợp đồng lao động với Cty CP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (Vinaconex MEC) tại Lybia trong vòng 2 năm, làm công việc thuộc lĩnh vực xây dựng.
Sau khi ký kết hợp đồng và đóng các khoản phí theo quy định, ngày 24/6/2013 anh Thứ xuất cảnh sang Lybia làm việc. Thời gian đầu, ngày nào anh Thứ cũng điện về nhà để thông báo tình hình bên đó và hỏi thăm sức khỏe của gia đình.
Sóng gió, tai ương ập xuống vào khoảng tháng 7/2014, chị Thu nghe tin bên đó xảy ra chiến tranh, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, trong đó có Benghazi, nơi chồng chị đang làm việc khiến gia đình hết sức lo lắng:
“Một lần 3 mẹ con đang bẻ ngô ngoài đồng thì anh liên lạc về, nói chuyện rất lâu và không ngừng hỏi thăm mọi người trong gia đình. Trước khi tắt máy tôi còn dặn dò anh giữ gìn sức khỏe, nếu tình hình bất ổn quá thì về nước cùng gia đình, rau cháo có nhau. Nào ngờ đó là lần cuối cùng tôi nghe được giọng nói của chồng tôi” – chị Thu ôm mặt khóc nhớ lại.
Cho đến ngày 1/8/2014, gia đình nhận được thông báo của Cty Vinaconex MEC về việc mất hoàn toàn thông tin liên lạc với anh Thứ. Từ đó đến nay đã gần 1 năm trôi qua, dù đã cố gắng tìm mọi cách liên lạc với chồng nhưng tất cả với chị vẫn chỉ là vô vọng.
Mỗi ngày trông sang nhà hàng xóm thấy con người ta có cha, vợ người ta có chồng, gia đình bảo nhau làm ăn mà ruột gan chị Thu như thắt lại. Thương con, chị không dám khóc mà nghẹn đắng nuốt nước mắt động viên các con cố gắng ăn học.
Ngày nào chị Thu cũng gọi vào số điện thoại của anh Thứ. |
Nỗi lo người ở lại
Căn nhà cấp 4 hai gian lợp bằng fipro ximăng, trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc tivi và bộ bàn ghế đã cũ. Chị Thu cẩn thận lấy cho chúng tôi xem chiếc túi nhựa đựng những vật dụng của anh Thứ gồm: bộ quần áo công nhân đã sờn, chiếc ví cũ bên trong có tấm hình gia đình và mấy tờ tiền lẻ... được một người bạn mang từ nước ngoài về. Tất cả được chị trân quý gìn giữ như báu vật.
Chị Thu nói trong nước mắt: “Hơn một năm qua, không ngày nào tôi không nhớ đến anh ấy. Ngày nào tôi cũng gọi vào số điện thoại của chồng những mong sẽ có phép màu kỳ diệu xảy ra với gia đình. Nhưng đau đớn thay, chỉ nghe thấy tiếng chuông báo kết nối “tút... tút...” ngân dài mà không thấy anh ấy trả lời.
Cũng có đôi lần đầu dây bên kia nhấc máy nhưng vì bất đồng ngôn ngữ mà chỉ nói được hai ba câu là họ liền cúp máy. Tiếp đó gọi lại thì không liên lạc được. Điều này khiến ba mẹ con tôi vẫn nuôi hy vọng có một ngày anh ấy sẽ trở về với gia đình”.
Chị Thu kể, để có tiền đi xuất khẩu lao động, chị đã phải chạy vạy khắp nơi, vay mượn anh em, hàng xóm số tiền hơn 40 triệu đồng. Thời gian đầu công việc bấp bênh nên cũng chẳng có tiền dư giả. Đến khi công việc vừa mới ổn định được vài tháng thì lại hay tin anh gặp nạn.
Về phía Cty Vinaconex MEC, sau khi anh Thứ bị mất liên lạc với gia đình, đại diện công ty đã hỗ trợ gia đình chị một số tiền khoảng 30 triệu đồng và muốn thanh lý hợp đồng với anh Thứ. Tuy nhiên, chị Thu không đồng ý vì chưa có bất cứ thông tin gì về chồng, đồng thời yêu cầu Cty tiếp tục tìm kiếm chồng chị ở Lybia. Nhưng đến thời điểm hiện tại, đã ngót nghét một năm trôi qua, câu trả lời mà gia đình chị nhận được vẫn chỉ là những “lời nói gió bay”. Điều này khiến gia đình chị vô cùng bức xúc…