Khôn nguôi ước mong đoàn tụ với cha
Myly Nguyen sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn giữa lúc diễn ra cuộc chiến tranh chia cắt Việt Nam vào những năm 1960 – 1970. Cha bà, ông Nguyễn Văn Đại, từng giữ một chức vụ trong chính quyền Sài Gòn. Sau giải phóng miền Nam năm 1975, ông Đại được đưa đi tập trung cải tạo tại Trại cải tạo Đông Bắc, tỉnh Lào Cai. Lần liên lạc cuối cùng của ông Đại với gia đình là bức thư được gửi từ Trại Phong Quang năm 1975. Tháng 12 năm 1977, gia đình bà Myly Nguyen nhận được tin báo là ông Đại đã chết vì chấn thương sọ não do ngã. Ông được chôn cất ở một nghĩa trang trên địa phận tỉnh Lào Cai.
Là con cả trong gia đình, bà Myly Nguyen hiểu mình phải có trách nhiệm thay mặt mẹ và các em đi tìm lại nơi chôn cất cha, cho dù ở chân trời góc bể. Năm cuối đại học, bà Myly Nguyen thân gái một mình ra Hà Nội bằng xe đò và tàu hỏa để tìm hiểu việc đưa hài cốt của cha về. Nhưng chuyến đi lần đó không thành vì Lào Cai vẫn đang bị xem là vùng chiến sự. Sau đó, bà Myly Nguyen rời khỏi Việt Nam. Tại xứ sở kangguru - nước Australia cách quê nhà hàng nghìn cây số với cuộc sống bao bộn bề, áp lực công việc, nhưng chưa lúc nào bà Myly Nguyen nguôi nỗi nhớ cha và ước nguyện tìm được mộ phần của cha.
Năm 2007, bà Myly Nguyen bị tai nạn ô tô ba lần liền. Bà phải nghỉ việc một năm để trị bệnh, tĩnh dưỡng. Và kỳ lạ thay, cũng chính trong thời gian đó, bà thường xuyên nằm mơ thấy cha mình. Ám ảnh bởi những giấc mơ, bà Myly Nguyen hiểu rằng mình không nên trì hoãn việc tìm cha nữa. Ngay sau khi bình phục hoàn toàn, bà nhận lời tham gia dự án nghiên cứu cấp cao và trở lại Việt Nam. Ở đây, vừa làm việc, bà vừa thực hiện những chuyến đi tìm nơi chôn cất cha dựa trên thông tin trên giấy báo tử.
Tháng 11/2007, bà Myly Nguyen gặp một cựu chiến binh đã từng lại việc ở Trại Phong Quang vào quãng thời gian những năm 1975-1979. Qua trí nhớ của mình, người cựu chiến binh này đã cho bà thông tin về trại cải tạo cách Lào Cai nửa giờ đi xe và dẫn bà tới tận nghĩa trang số 6 nơi chôn cất nhiều phạm nhân vô danh. Tại nghĩa trang này, có 3 ngôi mộ đã chôn những người tù chết trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1977. Theo người quản trang, một trong số đó có thể là mộ của cha bà. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và hiểu biết của mình, bà Myly hiểu rằng việc một người nước ngoài như bà khai quật mộ ở Việt Nam và giám định ADN không phải dễ dàng gì. Bà đã đề nghị Viện Pháp y Victoria (VIFM) giúp đỡ.
Sự kỳ diệu đến từ những tấm lòng
Sau khi nhận được sự thỉnh cầu giúp đỡ từ bà Myly Nguyen, Viện Pháp y Victoria đã liên hệ với những đồng nghiệp ở Viện Pháp y quốc gia Việt Nam và nhận được lời đồng ý giúp đỡ, bao gồm cử một chuyên gia pháp y, tiến hành các phân tích pháp y và xét nghiệm ADN như một việc làm nhân đạo. Tin vui này đã được Tiến sĩ Soren Blau ở Viện Pháp y Victoria chuyển đến bà Myly Nguyen vào tháng 6/2012. “Vụ việc này với nghiệp vụ của chúng tôi không khó, nhưng sự cảm động của nó thì thật khó quên” - xác nhận lại câu chuyện, các giám định viên của Viện Pháp y quốc gia đã từng tham gia vụ việc cho biết.
Căn cứ giấy phép của chính quyền tỉnh Lào Cai cho phép bà Myly Nguyen khai quật ba ngôi mộ vô danh nói trên, 12 chuyên gia pháp y từ Hà Nội và Bệnh viện Lào Cai đã đến và giám sát toàn bộ quá trình khai quật. Dấu hiệu chính qua giám định cho thấy, ở mộ thứ nhất không phát hiện thấy xương; ở mộ thứ hai phát hiện một răng sâu, loại răng hàm nhỏ của trẻ em; ở mộ thứ ba phát hiện một bộ hài cốt người gồm có: hộp sọ không còn nguyên vẹn, có một đường vỡ xương vùng thái dương đỉnh phải, răng, các xương chi...
Ngay tại hiện trường, khi nhìn thấy hộp sọ có đường xương vỡ, bằng linh cảm nghề nghiệp, các chuyên gia pháp y đã thấy vui mừng vì giấy báo tử bà Myly cung cấp cho thấy cha bà qua đời vì ngã dẫn tới chấn thương sọ não. Tuy nhiên, khoa học không thể xác định chỉ trên cảm nhận bên ngoài, các giám định viên nhanh chóng đưa mẫu về Hà Nội để giám định ADN ty thể.
Lòng hiếu thảo và nỗi ước mong được đoàn tụ với cha của bà Myly Nguyen đã được thỏa lòng khi kết quả giám định ADN ty thể cho thấy bộ hài cốt khai quật tại ngôi mộ số 3 là bộ hài cốt của một nam giới có độ tuổi khoảng 40- 45, tầm vóc trung bình. Trình tự nucleotide thu được từ mẫu răng trùng với trình tự nucleotide thu được từ mẫu máu của người cháu ruột của ông Nguyễn Văn Đại. Bộ hài cốt tại ngôi mộ số 3 chính là hài cốt của người cha bà Myly Nguyen.
Cuối tháng 9/2012, ở Australia, bà Myly Nguyen nhận được kết quả xét nghiệm ADN từ Việt Nam cho biết đã tìm thấy cha bà. TS. Soren Blau ở Viện Pháp y Victoria cũng xác nhận sự chính xác của phân tích và kết quả thu được. Khỏi phải nói cũng biết bà Myly Nguyen và gia đình đã vui mừng đến nhường nào vì trên đời này vẫn có sự kỳ diệu. Và sự kỳ diệu đó đến từ tình phụ tử thiêng liêng, đến từ tấm lòng tốt của những con người mà nhiều khi chúng ta chưa một lần được biết mặt trước đó…/.