Lãng tử lượm ve chai

Ve chai “lãng tử” chuẩn bị lên đường làm việc
Ve chai “lãng tử” chuẩn bị lên đường làm việc
(PLO) - Dù sống trong cực khổ, đơn độc, thần kinh có lúc không bình thường nhưng trong sâu thẳm trái tim mình, anh vẫn cảm thông với những số phận nghèo khổ như mình.

Mới sáng tinh mơ đã thấy anh lang thang giữa chợ, gặp người ăn xin đi ngang, anh cũng sẵn lòng móc ví ra, lấy tiền lẻ đem cho. Người đàn ông dáng vẻ đặc biệt, mặc bộ đồ cũ rích, nhưng lại đi giày đen bóng loáng, để râu, tóc dài, trên vai lúc nào cũng khoác một chiếc túi để… lượm ve chai. Sống đơn độc, khổ cực, phải đi lượm từng mẩu thuốc, nhặt đồ ăn từ các thùng rác để sống qua bữa, nhưng anh lại không chịu nhận bất kỳ sự bố thí nào từ người khác.

Khổ vì người vợ tai quái

Lần đầu tiên gặp gỡ, người viết bài đã rất ấn tượng về “phong cách” lượm ve chai khác người của anh. Thấy anh móc ví, rút tiền cho người đi ăn xin, sự tò mò về người đàn ông này càng tăng lên. 

Đó là anh Nguyễn Tiến Dũng (SN 1979, ngụ đường Điểu Văn Cải, phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Căn nhà của anh Dũng nằm lọt thỏm trong một con hẻm vắng, xung quanh là mảnh vườn hoang, cỏ cây mọc um tùm. Khách gọi cửa, anh bước ra hỏi: “Anh tìm ai? Có việc gì?”. Khách xuất trình giấy tờ, trả lời mình là phóng viên PL&TĐ, anh mới cười hiền rồi vội vàng mở cổng mời khách vào.

Người đàn ông sống trong căn phòng chưa đầy 10m2 với lỉnh kỉnh một mớ “đồ cổ” như radio, quạt gió, đồng hồ… Tất cả đều là phế phẩm, anh nhặt được từ những bãi rác hay ngõ ngách nào đó rồi đem về sửa chữa, tái sử dụng. Anh tự chế một loạt các công tắc, lắp ở ghế và giường để điều khiển radio, quạt gió, bóng đèn trong nhà mình. 

Anh Dũng cho biết sinh ra ở Nam Định. Năm 1980, anh cùng gia đình chuyển vào Đắk Lắk sinh sống. Thời trước, cha mẹ anh đều là cán bộ công tác tại Trường Trung cấp Thủy lợi Tây Nguyên (TP.Buôn Ma Thuột). Theo anh, từ bé đến lớn, anh là một “công tử”, được sống trong nhung lụa và được cho ăn học đến nơi đến chốn. 

Sau đó, anh được nhận vào làm việc tại Trạm quản lý đường bộ tỉnh Đắk Lắk (nay là Công ty Cổ phần đường bộ Đắk Lắk). Hằng ngày, anh Dũng nhận nhiệm vụ thu phí trên Quốc lộ 14 tại địa phận huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông ngày nay). Thời gian đầu nhận việc, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đi về đúng giờ giấc. Thế nhưng, năm 2001 anh lập gia đình riêng và cuộc sống cũng như công việc bắt đầu xáo trộn. 

Anh cho rằng mình bị “ép hôn” nên vợ chồng không hạnh phúc, thường xuyên cãi nhau. Mỗi lần lời ra tiếng vào, người vợ lại đòi tự vẫn nên anh chẳng đi làm được. “Sợ vợ làm liều, nhiều khi tôi phải bỏ việc mà không báo cáo. Thời đó không có điện thoại, phương tiện đi lại ít, xung quanh cũng thưa người nên chẳng có ai để cậy nhờ. Cưới vợ được hai tháng thì tôi mất việc, trở về làm nông dân”, anh Dũng kể. 

Trong năm 2001, anh Dũng dẫn một người bạn xuống thị xã Buôn Hồ chơi. Không may, trên đường về anh gặp tai nạn giao thông, bị thương rất nặng và phải chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu. Sau lần tai nạn, anh Dũng bị liệt hẳn tay trái, mất sức lao động. Cuối năm đó, vợ anh cũng dứt áo ra đi, bỏ lại người chồng tật nguyền. 

Anh Dũng kể: “Lúc tôi gặp nạn, lúc tôi cần vòng tay yêu thương, sự thông cảm, sẻ chia thì cô ấy bỏ đi. Giờ tôi chẳng biết cô ấy đi đâu về đâu, chúng tôi cũng chưa có con nên chẳng có mối ràng buộc nào nữa”. 

Cha mẹ lần lượt qua đời, anh Dũng một mình sống lủi thủi trong căn nhà nhỏ. Anh thường đeo giày đen bóng, đội chiếc nón lụp sụp, để tóc dài, trên vai lúc nào cũng có một cây dù, bên hông là một bao tải cỡ nhỏ để đi lượm ve chai quanh khu vực chợ Đê (phường Ea Tam). 

Nhiều người xì xào rằng anh “bị khùng”. Anh cho hay đúng là có lúc anh khùng thật. Sau vụ tai nạn ở thị xã Buôn Hồ, đầu óc anh không còn bình thường như trước. Nhiều khi trái gió trở trời, anh có nói nhảm, có chửi bới nhưng chưa một lần xô xát với ai. “Anh ấy hiền khô, tàn tật, neo đơn như vậy nhưng không ngửa tay xin của ai. Mỗi lần lên cơn, anh ấy có chửi bới, nhưng chưa tấn công ai bao giờ”, một người hàng xóm cho hay. 

Anh Dũng cho hay mỗi ngày đều dành ra hai ngàn đồng làm từ thiện.

Anh Dũng cho hay mỗi ngày đều dành ra hai ngàn đồng làm từ thiện.

Cách sống “khác người”

Nói về công việc, anh Dũng cho biết: “Mỗi ngày tôi đều thức dậy sớm, tranh thủ đi nhiều nơi để lượm ve chai. Có ngày tôi đi thâu đêm mới về. Chỉ có điều mấy năm nay tôi không đi được nhiều vì hai chân đau ngày càng đau nhiều hơn”. 

Mỗi ngày, anh kiếm được khoảng 5 – 20 ngàn từ việc lượm ve chai. Với nhiều người, chừng đó tiền chỉ đủ mua một gói thuốc lá, nhưng với anh Dũng lại là một khoản kha khá. “Tôi lượm mẩu thuốc người ta vứt về hút. Nước đã có ở giếng. Đồ ăn tôi nhặt lại trong thùng rác rồi đem về nấu lại. Tính đi tính lại, tôi chẳng biết tiêu tiền vào khoản gì”, anh Dũng cười.  

Thi thoảng buồn buồn, anh có uống rượu và tìm đến những quán cà phê “Hát với nhau” để hát cho vơi tâm sự. Anh kể: “Mỗi bài hát phải mất ba ngàn, ly nước chủ quán cũng tính đắt hơn những quán bình thường. Thế nhưng, tôi không bạn bè, không còn ai rủ đi quán Karaoke nên phải ghé vào hát cho khuây khỏa. Tôi thuộc 29 bài hát, trong đó có những bài giới trẻ hay hát như “Mãi mãi một tình yêu”, “Vì yêu”…”. 

Dù sống trong cực khổ, đơn độc, dù thần kinh có lúc không bình thường; nhưng trong sâu thẳm trái tim mình, có lẽ anh vẫn cảm thông cho những số phận nghèo khổ như mình. Mỗi ngày, anh đều dành ra hai ngàn để làm từ thiện. “Cứ mỗi ngày, tôi dành ra hai ngàn để cho bất kỳ người ăn xin nào mình gặp đầu tiên. Số tiền ấy không lớn nhưng tôi nghĩ mình đang làm việc thiện, không phải việc ác. Đó là niềm vui nhỏ bé mỗi ngày của tôi, là động lực để tôi sống tiếp”, anh Dũng chia sẻ.

Chia sẻ về hoàn cảnh của anh Dũng, ông Phạm Ngọc Liễn, Tổ trưởng TDP 9, phường Ea Tam, cho biết, anh Dũng chưa đi khám và chưa có giấy chứng nhận bệnh tâm thần. Tuy nhiên, người đàn ông này đã có những biểu hiện không bình thường về thần kinh suốt nhiều năm qua. “Tôi nghĩ, anh Dũng đang mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt, không còn minh mẫn như trước. Có lúc anh ấy chửi bới, chính quyền địa phương đã phải tới can thiệp, nhưng anh ấy chưa gây thương tích cho bất kỳ ai”, ông Liễn trao đổi. 

Cũng theo lời ông Liễn, dù tật nguyền, có hoàn cảnh khó khăn nhưng anh Dũng không chịu nhận gạo tình thương của Hội Chữ thập đỏ, cũng không chịu mặc quần áo mới người khác cho. “Tôi đã nhiều lần động viên anh ấy nên đi khám để có giấy chứng nhận của bệnh viện về tình hình sức khỏe. Sau đó, địa phương sẽ lập danh sách chuyển lên phường, làm thủ tục cho anh ấy hưởng chế độ người mất sức lao động. Tuy nhiên, anh ấy không chịu đi và trả lời rằng “tôi không muốn”. Có lẽ anh ấy sống đơn độc quen rồi nên mới có quan niệm như vậy”, vị tổ trưởng chia sẻ thêm.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.