Những năm qua, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trong đó, BHXH tự nguyện là một trong những chính sách có ý nghĩa sâu sắc đối với người lao động tự do nói chung, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp và không ổn định. Bởi khi tham gia BHXH tự nguyện người dân sẽ được hưởng lương hưu, được hưởng BHYT, giúp giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già và chế độ tử tuất khi điều không may xảy đến.
Do đó, để nâng cao hơn nữa tinh thần nhân văn cũng như tháo gỡ một số khó khăn cho đối tượng tham gia, Luật BHXH năm 2014 đã mở rộng và nâng cao quyền tham gia, thụ hưởng chế độ chính sách để thực hiện mục tiêu an sinh cho người lao động khi về già.
Theo Luật BHXH 2014, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không bị khống chế trần tuổi. Cụ thể, nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên đều được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Trước đó, Luật BHXH năm 2006 quy định trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện đến đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ (trừ trường hợp có từ đủ 15 năm đóng BHXH thì được tiếp tục đóng đến khi đủ 20 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu).
Về phương thức đóng, Luật BHXH 2014 đã bổ sung, linh hoạt các phương thức đóng (ngoài phương thức đóng hàng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần) như đóng 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm (60 tháng) một lần. Người tham gia BHXH tự nguyện cũng có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Về mức đóng, Luật BHXH năm 2006 quy định mức thu nhập lưa chọn làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và từ tháng 5/2013 là mức lương cơ sở. Tuy nhiên, Luật BHXH 2014 đã hạ thu nhập người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng. Thời điểm đóng cũng nới rộng khoảng thời gian đóng tiền kể từ ngày đăng ký tham gia, hoặc từ ngày thực hiện xong phương thức đóng trước đến thời điểm người tham gia đóng tiền.
Bên cạnh đó, kể từ ngày 1/1/2018, nhà nước sẽ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể mức hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Từ những lợi ích trên cùng với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công chức, viên chức, lao động hợp đồng ngành BHXH, sự phối hợp của các đơn vị liên quan, số người tham gia BHXH, BHYT nói chung, số người tham gia BHXH tự nguyện nói riêng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không ngừng tăng đều qua các năm. Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết tháng 4/2017 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 1863 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 67,4% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2016, tăng 81,6% so với năm 2014.
Tuy nhiên, số đối tượng tham gia còn chưa cao, những kết quả đạt được còn khiêm tốn so với tiềm năng phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thực tế của tỉnh này. Trước thực trạng đó, để thu hút người dân tham gia, thực hiện kế hoạch BHXH Việt Nam giao cho tỉnh Lạng Sơn hết năm 2017 có hơn 2700 người tham gia BHXH tự nguyện, phấn đầu mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị.
BHXH tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để duy trì, phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của BHXH tự nguyện, góp phần thay đổi thái độ, hành vi của người dân.
Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc thực hiện tốt chính sách và tuyên truyền BHXH, BHYT; ký chương trình phối hợp với các đơn vị như Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân, Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, Liên đoàn lao động… trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên các hội, đoàn thể và nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng cường các hình thức tuyên truyền trực quan thông qua tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để đưa chính sách đến gần hơn với nhân dân trên địa bàn; tiếp tục mở rộng hệ thống Đại lý thu thông qua Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, đại lý thu thuộc hệ thống Bưu điện và Hội nông dân để mỗi nhân viên đại lý thu sẽ là một tuyên truyền viên tích cực, góp phần phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Được biết, ngoài việc thực hiện những chính sách trên, BHXH tỉnh Lạng Sơn tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện nói riêng, BHXH, BHYT nói chung./.