Theo các bậc cao niên trong làng thì nghề làm mứt gừng ở đất này có từ hơn trăm năm trước. Tương truyền rằng bà Nguyễn Thị Bích vợ vua Quang Trung là người làng Mỹ Chánh. Giai thoại kể rằng vì lo cho sức khỏe của chồng nên mỗi lúc Vua Quang Trung đi xa, bà Bích lại xắt gừng thành từng lát rồi sấy khô trên than cho nhà Vua mang theo bên mình để ngậm nhằm phòng bị cảm lạnh và giữ ấm cơ thể.
Cách làm này của vị thứ phi đã cho thấy gừng như một phương thuốc hữu dụng nên người làng Mỹ Chánh cũng học theo. Sau đó với những biến tấu trong công đoạn dần hình thành nên cách làm mứt gừng và phổ biến đến tận bây giờ.
Lúc đầu việc làm thứ mứt này chỉ nhằm phục vụ cho gia đình và xuất hiện trong một vài hộ nhỏ lẻ. Dần dà về sau, mứt gừng Mỹ Chánh được đưa đi tiêu thụ ở các nơi khác trong địa bàn tỉnh Quảng Trị, rồi sau đó lan ra các tỉnh lân cận và bây giờ thì đã nức tiếng vang ở khắp vùng Bình Trị Thiên.
Mứt gừng Mỹ Chánh vốn làm thủ công nên giữ được vị cay nồng, màu vàng tự nhiên và thơm đặc trưng, đặc biệt không sử dụng chất bảo quản nên được nhiều khách hàng ưa chuộng và tin dùng. Trở thành món đặc trưng và không thể thiếu trên bàn tiệc của nhiều gia đình ở miền Trung mỗi dịp Tết đến xuân về.
Mặc dù nghề làm mứt gừng chỉ là nghề phụ và làm thời vụ chưa đầy 1 tháng, bắt đầu vào đầu tháng 12 Âm lịch và kéo dài đến khoảng ngày 27 Tết thì kết thúc, nhưng đem lại nguồn thu nhập rất cao cho người dân nơi đây.
Thông thường, cứ một kí mứt thành phẩm cho lãi ròng 5 nghìn đồng. Mỗi mùa Tết, trung bình mỗi hộ gia đình làm mứt với sản lượng ít, trừ mọi chi phí cũng lãi gần chục triệu đồng. Còn với những hộ sản xuất lớn, quy mô cả chục tấn thì trừ mọi khoản và tiền thuê nhân công cũng lãi hơn 40 triệu đồng. Cũng nhờ nghề làm mứt gừng mà các gia đình ở đây đều đón Tết khá sung túc, nhiều hộ vươn lên khá giả, đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt.
Hiện vào vụ Tết năm nay ở thôn Mỹ Chánh có 16 hộ làm mứt gừng với hơn 150 nhân công và cho tổng sản lượng mứt thành phẩm trên 60 tấn, trong đó hộ làm ít nhất là 1 tấn và nhiều nhất là 8 tấn.
Con số này so với những năm trước đã giảm đi rất nhiều. Bởi theo chia sẻ của bà con thì nghề làm mứt gừng rất vất vả, đòi hỏi tính tỉ mỉ và tiêu tốn nhiều thời gian, sức lực. Ngoài ra thị trường bây giờ nhan nhản các loại mứt trái phục vụ Tết nên tăng sức cạnh tranh, gây khó khăn trong việc tiêu thụ dòng sản phẩm truyền thống. Chính vì thế số lượng hộ gia đình theo nghề này cũng lần lượt giảm sút kéo theo lượng mứt xuất đi cũng bị thuyên giảm.
Bà Nguyễn Thị Hằng (SN 1959) – một người từng gắn bó với nghề làm mứt gừng hơn 20 năm cho biết vụ Tết này gia đình bà sản xuất 2 tấn mứt gừng với 8 lao động và trung bình mỗi ngày cho ra lò 1 tạ mứt.
Để mứt được ưa chuộng như hiện hành thì buộc gừng đầu vào phải có chất lượng cao. Vì thế, gia đình bà Hằng cũng như các hộ gia đình làm mứt khác phải lặn lội vào các tỉnh vùng Tây Nguyên như Đắk Lắk, Kon Tum để mua gừng tươi, bởi gừng được trồng ở những vùng đất này củ to, chắc thịt, có độ cay vừa. Sau đó gọt vỏ, xắt lát mỏng, đem rửa sạch rồi luộc với nước chanh cho thơm thì xả sạch để giữ màu trắng vàng. Cuối cùng thì ngào với đường trên chảo nóng hơn nửa tiếng, sau đó để nguội lát mứt rồi đóng vào bì nilong.
Chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Văn Bách - Phó Ban quản lý làng nghề mứt gừng Hải Chánh cho hay trải qua nhiều biến cố thăng trầm mứt gừng Mỹ Chánh đã xây dựng được chỗ đứng của mình trên thị trường. Không chỉ xuất đi Thừa Thiên Huế và Quảng Bình mà nay còn có mặt tại Nghệ An, Đà Nẵng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vào mỗi mùa vụ, nghề làm mứt gừng đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động tại địa phương. Về lâu dài, thì trong tương lai các hộ làm mứt sẽ được quy hoạch vào cụm công nghiệp Hải Lăng để đảm bảo vệ sinh, quy mô.
“Vào tháng 12/2012, sản phẩm mứt gừng Hải Chánh đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận thương hiệu và cấp giấy chứng nhận bao bì, nhãn mác. Mặc dù thứ đặc sản này đã tạo được uy tín như vậy nhưng đến nay người dân làm mứt nơi đây vẫn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình mà không có một doanh nghiệp nào kí kết thu mua tập trung. Chính vì thế các hộ chẳng đủ “liều” để mở rộng quy mô sản xuất điều này khiến chúng tôi rất trăn trở” – ông Bách nói.