Nằm khép mình ở góc nhỏ, đoạn giao nhau giữa sông Kẻ Vạn và sông Bạch Yến thuộc phường Kim Long (TP Huế), bến đò nghèo như tách biệt với phần còn lại của phố phường tấp nập, cuộc sống của người dân nơi đây lặng lẽ và yên bình. Những chiếc thuyền ở đây hầu hết đều là những phương tiện khai thác cát, sạn thủ công bằng gầu tay (người dân ở đây gọi là cái ben), đây là một nét đặc trưng riêng vẫn còn tồn tại của xứ Huế.
Nghề của muôn vàn thách thức
Bao đời nay, bộ phận người dân nơi đây vẫn sống nhờ “vàng” ở đáy sông, múc từng gầu cát để góp sức xây các công trình. Cuộc sống của những hộ dân theo nghề này càng thêm khó khăn, hiện nay với những chiếc sà lan tải trọng lớn và vòi hút công suất lớn đã chiếm hầu hết công việc khai thác cát, sạn. Riêng chỉ có người dân nơi đây vẫn duy trì phương thức khai thác của mình.
Dụng cụ khai thác đơn giản chỉ là một thân tre dài 3-4 mét được gắn vuông góc với gầu có mũi nhọn bằng sắt như gầu máy đào, người dân ở đây vẫn thường hay gọi là cái ben. Một sợi dây cáp gắn với trục quay được buộc với cán gầu, mục đích là để kéo mũi gầu cho đầy cát khi ở dưới nước.
Anh Nguyễn Văn Linh - một người có thâm niên trong nghề khai thác cát, sạn bằng gầu tay cho biết: “Hầu hết các bãi khai thác đều đã được đấu thầu, nếu chúng tôi vào đó mua thì phải trả cho chủ thầu từ 35-40 nghìn đồng/khối tùy loại. Trong khi bán lại chỉ với giá 65 nghìn đồng/khối cát và 95 nghìn đồng/khối sạn, vả lại thuyền chúng tôi chỉ chở được 6-7 khối, cái lớn nhất ở đây cũng chỉ chở được 11 khối, trừ chi phí xăng dầu ra thì chẳng còn bao nhiêu”.
Chính vì lẽ đó buộc những người như anh Linh phải tới những nơi xa hơn, không phải đóng tiền cao để khai thác, nên mọi người rủ nhau đến khu vực sông thuộc xã Bình Thành (thị xã Hương Trà) để khai thác. Quãng đường vừa đi vừa về cũng mất gần 6 tiếng đồng hồ, chi phí cho mỗi chuyến đi là hơn 10 lít xăng dầu, nhưng tính ra thì cũng khá hơn là kiểu mua đi, bán lại kia.
Trên địa bàn thành phố Huế hiện nay chỉ có duy nhất khu vực bãi bồi Lương Quán (phường Thủy Biều) là được cấp phép khai thác cát, sỏi nhưng đã có chủ đầu tư, nên các phương tiện không được sự đồng ý của nhà đầu tư sẽ không được phép khai thác tại đây.
Gian khổ của nghề này thì thật khó tả hết, anh Nguyễn Đoàn – một người có thuyền khai thác cát, sạn thủ công chia sẻ: “Có nhiều lần chúng tôi bị người dân hai bên bờ xua đuổi, vì họ nghĩ là chúng tôi có thể làm sạt lở bờ sông”.
Theo kinh nghiệm của người dân trong nghề chia sẻ, khi múc gầu không thể xuống quá 2m được vì cán gầu bằng tre sẽ không chịu nổi sức cản của nước và sức người cũng khó điều chỉnh được gầu. Còn với những vòi hút công suất lớn hiện nay thì độ sâu khai thác là gấp 3-4 lần và hậu quả là rõ ràng hơn. Mặc khác, những thuyền khai thác cát, sạn thủ công thường chỉ khai thác được ở những khu vực bãi bồi, nên việc có thể dẫn đến sạt lở bờ sông là gần như không thể.
Khó khăn chồng chất, cái nghề cứ tưởng là ít phụ thuộc vào thời tiết này lại tùy ông trời “phán lệnh”. Anh Đoàn tâm sự: “Một năm tính ra chỉ làm được 6-7 tháng, vì có những hôm mưa to gió lớn không thể nào làm được, nhất là vào mùa mưa suốt mấy tháng trời chỉ biết thui thủi trong thuyền. Cái nghề này là 6 tháng làm mà hết 6 tháng ăn”.
Trong bến có đến vài chục chiếc thuyền khai thác cát sạn bằng gầu tay, đồng nghĩa với việc là có hàng chục hộ gia đình đang sinh sống và làm việc trên những chiếc thuyền chật hẹp kia . Phần lớn những người còn làm công việc này đều là do ông cha truyền lại. “Tôi là đời thứ ba làm công việc này, từ nhỏ đã phụ làm với ba mạ rồi sau này thạo việc nên cũng theo nghề luôn” – anh Đoàn chia sẻ.
Ông Mai Công Khánh - Phó Chủ tịch UBND phường Kim Long cho biết: tính đến hiện tại, trên địa bàn phường hiện nay có 49 hộ đò khai thác cát sạn.
Mong ngày được lên bờ…
Các gia đình ở đây đều có hoàn cảnh khá tương đồng, mỗi mái thuyền là cả một thế hệ sống lênh đênh sông nước. Cái khổ, cái khó đã bó buộc người dân nơi đây bao đời nay, ước mơ nhỏ nhoi là mong sao con cái họ sau này có được một cuộc sống tốt hơn. Ước mơ có một ngôi nhà đúng nghĩa luôn ở trong tiềm thức người dân nơi đây, nên không gì vui hơn khi ước mơ trở thành hiện thực.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như các tổ chức, đoàn thể, đã có nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ dân vạn đò nói chung và người dân nơi đây nói riêng để ổn định cuộc sống như: mở lớp dạy chữ, dạy nghề miễn phí, đặc biệt là dự án đưa dân vạn đò lên tái định cư, cùng nhiều chính sách hỗ trợ cải thiện đời sống khác.
Chính vì thế số lượng phương tiện khai thác cát, sạn thủ công đã giảm và các hộ dân được khuyến khích đổi nghề, nhưng vẫn còn một số hộ vẫn chưa được bố trí tái định cư. Theo số liệu chính quyền phường Kim Long cung cấp thì đã có 32 hộ dân được bố trí ở khu định cư mới Phú Mậu (năm 2016) và sắp tới sẽ kiến nghị lên trên hỗ trợ cho các hộ còn lại.