Ngoài khô cá lóc, món mắm cá lóc mới được chế biến ra cũng được dân ẩm thực sành ăn khen ngợi. Toàn xã Phú Thọ hiện có 15 cơ sở chế biến và trên 30 điểm bán cá khô các loại. Mỗi cơ sở chế biến thu hút từ 10 - 15 lao động làm việc ngày đêm.
Thời điểm này, các cơ sở chế biến khô cá lóc ở xã Phú Thọ đang tăng nhịp độ sản xuất. Trung bình, mỗi cơ sở làm ra hàng ngày từ 50 - 70kg khô cá lóc thành phẩm các loại và cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện Tam Nông trên 50kg khô cá lóc. Lúc cao điểm, một cơ sở bán được cả trăm kilôgam khô cá lóc các loại.
Giá bán mỗi kilôgam khô cá lóc hiện đang dao động từ 130.000 đồng đến 150.000 đồng tùy loại (không tăng so với cùng kỳ năm trước). Cứ 4kg cá lóc tươi sẽ làm ra được 1kg cá lóc khô và phải phơi từ 3 - 4 nắng mới xuất bán được. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay lại thích ăn khô cá lóc phơi 1 nắng, có giá bán dao động 100.000đồng/kg.
Bà Nguyễn Ngọc Xê chủ cơ sở chế biến khô cá lóc Ngọc Xê, xã Phú Thọ cho biết: Hai năm nay, chị mở thêm 2 điểm bán khô cá lóc trên địa bàn xã. Bởi, khô cá lóc ở đây thơm, ngon và có hương vị riêng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết sản phẩm khô cá lóc ở xã Phú Thọ đều được làm thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời và giá bán phải chăng…
Bà Nguyễn Ngọc Xê chia sẻ: “Cá lóc sau khi làm thịt, đánh vảy, moi ruột rồi xẻ làm đôi ở phía lưng, lấy hết xương sống cá bỏ đi và ướp với muối trắng, ớt cay, thêm một chút gia vị, sả đập nhỏ và chút nghệ cho cá bớt mùi tanh rồi đem phơi. Nếu mùa nắng, chỉ phơi 3 ngày là được. Mùa mưa, phơi cực hơn một chút, đến khi nào thịt cá săn lại là được…”.
Bà Xê phơi khô cá lóc |
Còn bà Hồ Thị Kim Hằng, chủ cơ sở chế biến khô cá lóc Kim Hằng cho biết:“Để có miếng khô ngon, phải qua rất nhiều công đoạn như làm sạch, loại bỏ xương, ướp gia vị và đem phơi nắng. Trong đó, ướp gia vị rất quan trọng để tạo ra hương vị riêng của từng cơ sở… Do luôn đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nên các sản phẩm cá khô được người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ nhanh chóng”
Cty CP Tứ Quý- Đồng Tháp tọa lạc tại xã Phú Thọ đã mạnh dạn đầu tư hơn 4 tỷ đồng lắp đặt hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất cá khô theo hướng hiện đại, gồm: dây chuyền sấy, máy đánh vảy cá, kho đông, trạm biến áp... nên sản phẩm làm ra nhiều, chất lượng thơm, ngon được khách hàng ưa chuộng, nhất là cung cấp cho các siêu thị trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp.
PV có mặt tại xưởng sản xuất cũng là trụ sở của Cty CP Tứ Quý- Đồng Tháp đã gần 12 giờ trưa, nhưng những công nhân ở đây vẫn say sưa làm việc. Mỗi công nhân làm một khâu từ việc đánh vẩy, tách đầu, lốc xương, xẻ thịt đến khâu phơi, sấy, đóng gói, ép chân không… rất nhịp nhàng.
Ông Đỗ Công Bình - Giám đốc Cty CP Tứ Quý cho biết: Dù giá cá nguyên liệu có tăng, nhưng giá bán cá khô thành phẩm của Công ty không tăng nên sản phẩm cá khô của Cty làm ra không đủ bán. Bình quân mỗi ngày Cty cung cấp cho thị trường từ 500 - 700 gói khô cá lóc và khô cá sặt bổi. Lúc cao điểm, mỗi ngày Cty bán trên 1.000 gói cá khô các loại. Mỗi gói khô có trọng lượng 400gram. Giá bán một gói khô cá lóc 400gram là 115.000 đồng và một gói khô cá sặc bổi là 125.000 đồng…
Ông Bình chia sẻ: “Cty có tư thế chuẩn bị ngay từ đầu. Thành thử ra nguồn nguyên liệu đầu vào mình có đủ để cung ứng ra thị trường. Về chất lượng, khô cá của mình rất thơm, ngon, sạch. Tại vì, nguyên liệu mình bắt từ con cá khỏe mạnh ngay từ ban đầu. Rồi tự mình làm theo quy trình công nghệ sạch. Từ con cá tươi sống mình đưa vào hệ thống máy sấy. Chính vì vậy mà khi đưa ra thị trường sản phẩm luôn luôn là sản phẩm sạch, an toàn, coi như là đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần đây, Cty còn sản xuất sản phẩm má cá lóc nữa”.
Gian hàng cá khô Tứ Quý tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao ở Đồng Tháp |
Bên cạnh làm khô cá lóc, những năm gần đây nông dân xã Phú Thọ còn chế biến loại mắm cá lóc được dân ẩm thực sành điệu khen ngợi. Nguyên liệu chính để làm mắm là con cá lóc loại lớn, mập và còn tươi rói, đánh vẩy, rửa sạch và ngâm vào nước muối khoảng 1 giờ rồi vớt ra để ráo. Sau đó, cho cá vào lu, khạp để ủ theo công thức cứ 1 lớp cá cho vào 1 lớp muối, nén chặt ủ trong 2 tháng.
Sau 2 tháng thì lấy cá ra để cho ráo nước, đem trộn đều với thính gạo lức rang vàng, xay nhuyễn rồi lại cho ủ tiếp cùng nước muối trong 1,5 tháng nữa thì dùng được. Người sành điệu không cần nếm thử, chỉ nhìn qua là đã biết mắm ngon hay dở. Mắm cá lóc giá bán dao động ở mức 150.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại…
Ngoài nghề làm khô cá lóc, mắm cá lóc, làng nghề xã Phú Thọ, huyện Tam Nông còn chế biến khô cá sặc rằn, khô cá chạch, khô cá chốt, khô cá trèn; mắm cá linh, mắm cá sặc, mắm cá trèn…Thế mạnh của làng nghề làm khô cá ở xã Phú Thọ nằm cặp bên trục Tỉnh lộ 844 nên rất thuận tiện trong việc vận chuyển sản phẩm khô, mắm… cung cấp cho thị trường.
Du khách đến tham quan Vườn Quốc gia Tràm Chim dịp lễ Quốc khánh 2/9 ghé thăm làng nghề xã Phú Thọ không quên mua một vài bịch khô cá lóc và vài kilôgam mắm cá lóc, vài keo mắm cá trèn, cá sặc… để tặng bạn bè, người thân làm quà, gửi gắm cả tấm chân tình: “ăn mắm thắm về lâu”.