Sâu lắng hồn quê
Làng Tùng Ảnh tựa lưng vào núi Tùng Lĩnh, nép mình bên sông nhìn ra dãy Thiên Nhẫn chập chùng. Tùng Ảnh cũng là chốn hội tụ núi sông, là đất sơn thủy hữu tình và trầm tích văn hóa sản sinh ra những người con ưu tú của dân tộc. Nằm trên đồi Hội Sơn - Cồn Nổi, soi mình xuống bến Tam Soa - nơi giao hòa của hai nhánh sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu, có tên gọi sông La, nơi đây được ví như 3 dãy lụa uốn lượn rồi hợp về một mối cũng là nơi an nghỉ của Tổng Bí thư Trần Phú.
Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Trần Phú Lê Doãn Thắng cho biết: Đồng chí Trần Phú sinh tại xã An Dân, huyện Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) nhưng xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) là quê hương. Nơi đây còn ngôi nhà thờ chi họ Trần, ngôi nhà được cụ Trần Viết Tân - cố nội của đồng chí Trần Phú làm vào năm 1862, theo lối tứ trụ, 3 gian lớp ngói vảy, xây tường có sân bao quanh. Sau đó được cụ Trần Văn Phổ (thân sinh đồng chí Trần Phú) kế thừa.
Năm 1901, cụ Phổ mang theo cả gia đình vào Nam làm quan, ngôi nhà được giao cho chú ruột là ông Đồ Cầu. Dù đi xa kể cả lúc đang học tại Trường Quốc học Huế (1918 - 1922) hay khi đi dạy ở Trường Cao Xuân Dục thành Vinh (1922 - 1926) mỗi dịp hè lễ, Tết, đồng chí Trần Phú lại về quê và thường ra bến ông Đồ Cầu để tắm.
Năm 1959, Bộ Văn hóa Thông tin quyết định thành lập Khu di tích lưu niệm Trần Phú. Năm 1984, tỉnh Nghệ Tĩnh đã đầu tư xây dựng nhà trưng bày và cải tạo toàn bộ ngoại thất, hiện trạng cơ bản như hiện nay. Cũng theo ông Thắng, thể theo nguyện vọng của người thân sau 70 năm xa cách, ngày 12/01/1999, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và an táng hài cốt đồng chí Trần Phú từ TP Hồ Chí Minh về quê nhà tại núi Quần Hội, nơi đây còn có khu mộ song thân đồng chí là cụ Trần Văn Phổ và cụ Hoàng Thị Cát cùng khu mộ của người lão thành cách mạng Trần Văn Danh (em út của Tổng Bí thư Trần Phú).
Nhà thờ cổ của gia tộc đồng chí Trần Phú trong khu lưu niệm. |
Chị Trần Thị Hồng Lĩnh (hướng dẫn viên Ban Quản lý Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú) chia sẻ: “Hơn 10 năm làm việc tại Khu di tích với vai trò thuyết minh cho người dân và du khách đến dâng hương, tham quan nhưng mỗi lần dẫn khách thăm khu lưu niệm gồm có nhà thờ tiểu chi họ Trần, nhà trưng bày lưu niệm, khuôn viên cây xanh tôi có cảm xúc dâng trào và khó tả, đặc biệt mỗi lần ra vườn cây cổ thụ như nhãn, xà cừ, long não có tuổi đời trên dưới trăm năm do cha ông, thân nhân Tổng Bí thư Trần Phú trồng”.
Cũng theo chị Lĩnh: Trong nhà trưng bày lưu niệm có nhiều tài liệu, hiện vật về vùng đất La Giang - Đức Thọ nói riêng và quê hương Hà Tĩnh nói chung - quê hương của nhiều danh nhân lịch sử văn hóa, nhà yêu nước, chiến sỹ cách mạng tiêu biểu của Đảng và dân tộc Việt Nam. Các hình ảnh, tài liệu hiện vật này gắn liền với địa danh nơi sinh thành, quá trình học tập và những cá nhân, phong trào cách mạng ảnh hưởng tới tinh thần yêu nước của Tổng Bí thư Trần Phú.
Hướng về “địa chỉ đỏ”
Trong những ngày tháng 5 lịch sử này dòng người đổ về dâng hương, tri ân và tham quan “địa chỉ đỏ” Khu di tích Trần Phú ở xã Tùng Ảnh rất đông. Em Nguyễn Đức Hùng, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ chia sẻ: “Dịp này, trường em tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tại Khu di tích Trần Phú, em rất vui và tự hào, đặc biệt khi được nghe những câu chuyện lịch sử về Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ngay tại khu mộ của Tổng Bí thư Trần Phú, chúng em có nhiều cảm nhận mới mẻ và học hỏi được rất nhiều điều. Từ đó, em càng tự hào hơn về lịch sử quê hương và cố gắng học tập, rèn luyện để xứng đáng là người con của mảnh đất anh hùng”.
Ông Lê Ngọc Trân (75 tuổi) ở Nguyễn Trãi, phường 9, TP Đà Lạt tham quan nhà trưng bày lưu niệm đồng chí Trần Phú. |
Còn cô giáo Bùi Thị Hương Trà - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Vinh, huyện Đức Thọ cho biết: Bên cạnh các tiết học ở lớp, Trường Mầm non Quang Vĩnh còn tổ chức các chuyên đề, hoạt động trải nghiệm cho học sinh và tổ chức các cuộc hành trình về các “địa chỉ đỏ” gắn giáo dục lý thuyết với thực tiễn cho học sinh và giáo viên. Dịp này, Trường tổ chức cho 29 em học sinh và 10 cán bộ, giáo viên về nguồn tạo hiệu ứng tốt cho học sinh và giáo viên chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương, để từ đó các em thêm tự hào và am hiểu về lịch sử, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử, giá trị truyền thống của quê hương, đất nước.
Khu mộ mặt hướng về ngã ba Tam Soa, nơi hợp lưu giữa hai dòng Ngàn - Phố, giữa một vùng non nước hữu tình. |
Cũng trong dòng người về Khu di tích, ông Lê Ngọc Trân (75 tuổi) ở Nguyễn Trãi, Phường 9, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết: “Quê tôi ở xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh, lần này về quê tôi dẫn cả gia đình, con cháu về dâng hương tham quan Khu di tích Trần Phú. Thú thật tôi đọc sách báo nhiều nhưng khi được trực tiếp đến đây mới cảm nhận được con đường cống hiến cho cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú thật kiên cường. Cảm nhận sâu sắc lòng tự hào của những người con sinh ra trên quê hương Đức Thọ. Thắp nén hương trước anh linh Tổng Bí thư Trần Phú, tôi bày tỏ niềm thành kính, lòng biết ơn vô hạn đối với đồng chí, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, suốt đời chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong khu lưu niệm do cha ông đồng chí Trần Phú trồng. |
Theo Ban Quản lý Khu di tích, từ đầu năm đến nay có gần 145 đoàn khách với khoảng 13.000 lượt người đến dâng hương, tri ân và tham quan. Đặc biệt, hướng đến kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, Khu di tích cũng là nơi các trường học, tổ chức Đoàn Thanh niên lựa chọn làm nơi kết nạp đội viên, đoàn viên mới, tổ chức các hoạt động báo công…
Cách khu lưu niệm hơn 1km cùng trên địa bàn xã, thuộc thôn Châu Linh là khu lăng mộ Tổng Bí thư Trần Phú và gia quyến trên đồi Quần Hội. Khu mộ mặt hướng về ngã ba Tam Soa, nơi hợp lưu giữa hai dòng Ngàn - Phố, giữa một vùng non nước hữu tình là nơi thường xuyên có đông đảo khách tham quan từ mọi miền của Tổ quốc về dâng hương tưởng niệm, tri ân, bày tỏ niềm thành kính, lòng biết ơn tới những công lao đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Trần Phú trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc Việt Nam.
Ông Hoàng Xuân Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: Thực hiện các phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú, huyện Đức Thọ đã có 120 công trình, phần việc được triển khai tại 16/16 xã, thị trấn, các cơ quan, trường học. Trong đó, 80 công trình ở các xã, thị trấn, 40 công trình cấp huyện và các cơ quan, trường học. Cùng với những công trình, phần việc gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, cuộc thi “Tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của đồng chí Trần Phú và những đổi thay trên quê hương Đức Thọ” đã được các địa phương, đơn vị tích cực tham gia.