Số thuốc này có tên Nexavar - được nhà sản xuất viện trợ cho Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Đây là thuốc điều trị ung thư gan, ung thư thận, giá khoảng hơn 1 triệu đồng một viên. Nexavar là biệt dược gốc, chưa có thuốc generic thay thế.
Theo kết luận của Thanh tra TP HCM: Bệnh viện Ung bướu TP HCM chưa tích cực tìm hướng xử lý để 267 viên thuốc Nexavar giá gần 287 triệu đồng hết hạn vào năm 2015 và phải tiến hành hủy bỏ.
Vnexpress đưa thông tin: dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, nguyên Trưởng khoa Dược Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết thuốc Nexavar được viện trợ cho bệnh viện trong thời gian dài rất ổn định, đúng với dự trù. Đối tượng nhận thuốc là bệnh nhân nghèo. Công ty dược viện trợ 50% giá và bệnh nhân trả 50% còn lại.
Trước đây thuốc Nexavar được bảo hiểm y tế chi trả 80-100%. Từ ngày 1/1/2015, danh mục bảo hiểm y tế thay đổi, tỷ lệ chi trả giảm còn 50%. Nhiều bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc dẫn đến mức độ dùng thuốc đột ngột giảm, chỉ còn khoảng 1/3 người bệnh tiếp tục sử dụng.
"Trước tình hình số thuốc dư sắp hết hạn, bệnh viện đề nghị nhà tài trợ điều chuyển thuốc sang các bệnh viện khác nhưng do chính sách bảo hiểm thay đổi trên cả nước nên các bệnh viện khác cũng gặp tình hình tương tự", dược sĩ Dung giải thích trên Vnexpress.
Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết đây là lần đầu tiên phải tiến hành hủy thuốc.
Trước đó, như PLVN đã đưa tin: Thanh tra TP.HCM đã kiểm tra việc sử dụng và quyết toán thuốc viện trợ tại khoa Dược, BV Huyết học và truyền máu TP, phát hiện trong kho còn tồn 19.997 viên Tasgina (trên tổng số 34.607 viên) trị ung thư bạch cầu mãn dòng tuỷ đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015.
Được biết, gần 20.000 viên thuốc phải tiêu hủy nằm trong số thuốc tổng cộng 34.608 viên thuốc được viện trợ cho chương trình Tasigna Copay cho 50 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy sử dụng trong 12 tháng. Nhưng tính từ khi BV nhận được thư hiến tặng thuốc cho đến khi thuốc nhập kho BV mất gần 12 tháng.
Nói thêm về lý do để một số lượng lớn thuốc quý tồn kho, phải tiêu hủy, Vị GĐ BV Truyền máu huyết học TP.HCM cho biết: Ban đầu, phía nhà sản xuất đề nghị tỷ lệ đồng chi trả là 10% do bệnh nhân góp. Sau nhiều lần thảo luận, mới giảm xuống 4%.
BV phải chờ thêm thời gian để người bệnh mua toa thuốc Tisigna lần đầu. Tới 27/9/2014 mới có người bệnh đầu tiên đủ kinh tế mua toa thuốc đầu tiên theo quy định.
Cuối cùng chỉ có 26 người được dùng thuốc. Khi hạn sử dụng thuốc chỉ còn 10 tháng, số lượng bệnh nhân chỉ bằng 1/2 so với dự trù nên không sử dụng kịp số thuốc vừa nhập./.