Biết đến bao giờ mới chết mà đợi…
Chị Thảo chia sẻ, cuộc đời chị vất vả, không suôn sẻ như nhiều người khác nên phải bươn chải nhiều. Vào đầu những năm 2000, khi thị trường đất cát sôi động, chị cũng tham gia đầu tư. Vừa làm nhà, vừa mua đất, chị rơi vào công nợ khoảng 2 tỷ đồng. Lo lắng nhiều nhưng không biết chia sẻ với ai, chị chọn cách đi chùa để có thể tĩnh tâm hơn.
Mỗi lần đến chùa được nghe giảng đạo, chị như tìm lại được chính mình. Rồi chị tham gia tu thiền và cảm nhận được sức khỏe của mình rất tốt, cũng bởi từ bé chị chưa bao giờ phải đi viện, chưa biết đến một viên thuốc. Năm 2013, tự nhiên chị nảy sinh ý định sẽ hiến giác mạc sau khi chết. Ý định ấy chị vẫn giữ trong lòng…
Tuy nhiên, trong một lần dự hội nghị ở Hải Phòng, được phát tài liệu về hiến mô tạng, chị tò mò mở ra đọc. Xem xong chị mới biết rằng, khi con người còn sống có thể hiến được tủy, da, máu và một phần nội tạng. Lúc ấy chị nghĩ chị cũng có thể làm được những việc này, không cần chờ đến chết mới hiến được vì “biết bao giờ mới chết” – chị cười tươi nói.
Rồi chị lại nhớ đến người cha, vốn là một người hiểu biết, biết chữ Nho nên ông giảng dạy rất thâm thúy. Những bài học, bài giảng của ông luôn khiến chị lo lắng vì không lĩnh hội được. Chỉ đến khi lấy chồng, có duyên gặp được giáo lý nhà Phật, chị mới ngẫm lại những lời dạy của cha khi xưa. Chị thấy hối tiếc vì đã không thể hiểu được những lời thâm thúy của cha, đến khi hiểu ra thì cha đã rời xa mình…
Đó như một nỗi ân hận mà chị luôn mang trong mình.
Chị thuộc làu giáo lý, quan niệm của đạo Phật nên luôn băn khoăn không biết cha mình có được về cõi lành không. Chị nghĩ rằng, thân thể mình do cha mẹ tạo thành. Hiện tại chị vẫn còn công nợ, con cái thì chưa thực sự trưởng thành, lại chưa kịp báo hiếu cha mẹ khi họ còn sống nên tự nguyện lấy một phần thân thể để hiến tặng, hồi hướng công đức cho bố mẹ.
Tôi hỏi: “Chị không sợ hiến thận xong sức khỏe yếu đi thì công nợ kia ai sẽ trả cho chị”, chị Thảo ngay lập tức trả lời: “Nợ thì phải trả, nhưng không thể trả nợ xong mới hiến được, biết đến bao giờ”.
Chuyện trò với cô con gái lí lắc Bùi Thị Hòa của chị Thảo, Hòa bảo: “Mẹ là người tuyệt vời nhất, vì con cái, việc gì mẹ cũng làm”. Rồi bất chợt Hòa chùng giọng xuống tâm sự: “Thật sự mẹ em quá vất vả. Ngày còn ở nhà một mình mẹ gánh vác mọi việc trong gia đình. Đến khi em trai em đỗ vào một trường chuyên cấp 3 ở Hà Nội thì mẹ quyết định ra Hà Nội làm thuê để vừa có thể chăm sóc, kèm cặp cho con trai vừa nuôi 2 đứa con gái đang học đại học.
7 năm trời, một mình mẹ đi làm đủ mọi nghề từ nấu ăn, bán hàng, trông trẻ… để gom đủ tiền nuôi sống cả 4 mẹ con, vất vả không biết bao nhiêu mà kể”.
Hòa bảo bố Hoà hiền lành lắm, không va chạm nhiều, chỉ chằn chặn hưởng lương nên cũng không giúp được nhiều cho mẹ. Suốt thời gian ở Hà Nội, nhiều khi Hòa cũng muốn đi làm thêm giúp mẹ để mẹ được nghỉ ngơi nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ bảo cứ chú tâm vào học, một mình mẹ lo là được rồi. Thế nên khi biết mẹ muốn hiến thận, Hòa ủng hộ luôn.
Gương mặt vui tươi, hạnh phúc của chị Thảo sau khi hiến một quả thận cho người bệnh. |
Lên bàn mổ vẫn giấu gia đình
Tâm nguyện của chị là muốn hiến thận cho người nghèo nhưng khi được giảng giải việc cho thận không phải muốn cho ai là người ấy nhận được, bởi phải trải qua những xét nghiệm y khoa, tương thích các chỉ số mới có thể ghép được. Nghe xong, chị gật gù: “tùy duyên vậy”.
Và chị chính thức bắt đầu những ngày tháng làm các xét nghiệm, kiểm tra các chức năng… Cuối năm 2014 chị kết thúc các cuộc kiểm tra sức khỏe và được các bác sĩ báo tin mừng: chị đạt các yêu cầu để thực hiện hiến tạng. Nhưng để có kết quả này, bản thân chị cũng phải rất nỗ lực, cố gắng.
Bởi, chị đã từng có những xét nghiệm không đạt chuẩn như một lần bị xét nghiệm thiếu máu. Sau khi được hướng dẫn, cho uống thuốc điều trị, 10 ngày sau chị mới có kết luận đạt yêu cầu.
Rồi một lần khác các xét nghiệm lại cho thấy máu chị nhiễm mỡ. Các bác sĩ hỏi thăm về chế độ ăn uống, cho rằng có thể do chị ăn nội tạng động vật nhiều nên gặp phải tình trạng này. Khi biết chị Thảo đã ăn chay trường trong 2 năm thì các bác sĩ mới hiểu ra vấn đề, có thể do giai đoạn tiền mãn kinh. Chị lại buộc phải uống thuốc trong 15 ngày. Sau lần này chị mới thở phào nhẹ nhõm vì kết thúc những cuộc kiểm tra y tế căng thẳng.
Nhưng chưa hết, sau khi làm các kết quả xét nghiệm sinh hóa thì chị lại phải ra Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra về vấn đề tâm thần. Bởi mọi người vẫn có quyền nghi ngờ có thể chị Thảo có vấn đề gì đấy về tâm thần. Khi xong hết các cuộc kiểm tra, sẵn sàng chờ đợi để lên bàn mổ, chị mới buộc phải cho các con biết vì bệnh viện yêu cầu phải có người thân ký xác nhận mới cho phép chị hiến thận.
Chị chia sẻ, trước khi quyết định thực hiện tâm nguyện, chị đã lường trước được vấn đề sẽ trở thành áp lực cho gia đình nên quyết định giấu chồng. Buổi tối ngày đầu tiên từ viện về nhà, chị mới cho chồng biết chuyện kèm theo lời giải thích: “Nếu em nói cho anh biết, chắc chắn em sẽ không hoàn thành tâm nguyện này”.
Trước thông tin bất ngờ này, chồng chị vẫn im lặng, hiểu và chia sẻ với những suy nghĩ của vợ mình, nhất là khi thấy sắc diện của chị Thảo vẫn hồng hào, mạnh khỏe nên chồng chị cũng yên tâm hơn.
Chị cũng cho biết, chị định giấu các con ngày chị lên bàn mổ nhưng các bác sĩ không đồng ý. Chị buộc phải gọi Hòa đến, vẫn nói dối: “Con qua ký cho mẹ tờ giấy rồi buổi chiều mẹ con mình cùng về” bởi chị muốn khi thực hiện xong ca phẫu thuật rồi mới báo cho các con biết vì sợ chúng lo lắng. Thậm chí, với cô con gái có trách nhiệm ký giấy cho chị hiến thận, chị vẫn bảo rằng sáng hôm sau mới mổ. Có lẽ Hòa không thể ngờ được sáng hôm sau, khi đến viện thì mẹ cô đã hoàn thành ca phẫu thuật.
Đã 5 tháng sau khi chị hiến thận thành công, sức khỏe của chị vẫn tốt, thậm chí các công việc giúp nhà chùa chị còn tham gia hăng say hơn. Nếu có ai đó hỏi về người đã nhận quả thận của chị, chị mỉm cười nhẹ nhàng bảo, khi đã tình nguyện cho đi thì chị sẽ không quan tâm đến bất kỳ vấn đề gì khác, chỉ cần biết người ta vẫn mạnh khỏe là chị thấy vui như mình khỏe vậy…/.