Tôn giả A Thị Đa hay Trường Mi La hán là vị La hán thứ mười lăm, hiện tại, ngài đang trú trong núi Thứu Phong ở Ấn Ðộ. Núi Thứu Phong còn gọi là núi Linh Thứu, nơi đức Phật thường giảng kinh. Ngài là thị giả của Phật cùng với Kỵ Tượng La Hán.
La Hán Trường My thuộc dòng Bà La Môn nước Xá vệ. Theo đạo Phật có ghi lại truyền thuyết về thân thế vị La Hán này là khi sinh ra ông đã có lông mày trắng dài rủ xuống khuôn mặt. Đó là điềm báo kiếp trước ông chính là một nhà sư tu hành đến già, tóc rụng hết chỉ còn hàng mi dài. Sau khi chết, nhà sư đầu thai chuyển thế, cọng lông mày dài cũng được mang theo . Cha mẹ ông biết được điềm báo ấy từ ông nên cho ông đi xuất gia. Cuối cùng, sau khi theo Phật xuất gia thì ông chứng quả A la hán và được thế nhân gọi là La hán trường mi hay La Hán mi dài.
La Hán Trường Mi đã có công khiến Phật pháp hưng thịnh ở một đất nước vốn không tin phật , chỉ thờ quỷ thần sông núi là Đạt ma tất thiết đế. Vì thế mà La Hán Trường Mi luôn ẩn hiện và cho cảm giác gần gũi trong đời sống mỗi con người.
Ấn Ðộ thời đó, có một nước tên Ðạt Ma Tất Thiết Đế nằm giáp sông Phược Sô, một trong bốn con sông lớn xuất phát từ hồ A Nậu Ðạt phía bắc núi Tuyết và phía nam núi Hương Túy.
Thủ đô là Hôn Đà La. Nhân dân nước này không tin Phật pháp, họ chỉ thờ một số quỷ thần sông núi. Có lần, thái tử mà vua yêu quí nhất ngã bệnh rất nặng. Vua cho mời danh y khắp nước về chữa trị mà cũng không thấy thuyên giảm. Do đó, vua đi thỉnh giáo những vị tu hành ngoại đạo và được họ trả lời: “Ðại vương! Xin ngài chớ lo, bệnh của thái tử không cần uống thuốc, sớm muộn gì cũng sẽ khỏi thôi”.
Khi ấy, A Thị Đa vừa du hóa đến nước này. Ngài đã chứng quả từ mấy năm trước. Một hôm, giữa đường đi, ngài gặp vua với vẻ mặt lo âu đang hối hả ra ngoài tìm thuốc cho thái tử. Thấy vậy, ngài hỏi: Thưa đại vương! Tôi là đệ tử của đức Như lai tên là A Thị Đa. Ngài có gì muốn hỏi tôi không?
Ðệ tử Như lai? Tôi chưa từng nghe cũng không cần sự giúp đỡ của ông. Vì trong lòng không vui, bình thường lại không tin Phật nên quốc vương lạnh nhạt đáp. A Thị Đa khuyên: Thật không có chuyện gì sao? Xin ngài nói đi, chớ khách khí làm gì! Quốc vương vốn đã thấy khó chịu, song nghĩ lại thôi cứ hỏi thử xem bệnh của con mình có thể qua khỏi không: Ông xem bệnh con ta có qua khỏi không?
A Thị Đa ưu tư nói: À, bệnh của thái tử hết hy vọng rồi, hãy mau niệm Phật cầu vãng sanh đi! Hứ, tên Hòa thượng điên này chưa súc miệng hay sao mà nói những lời không tốt như vậy hả! Quốc vương tức giận bỏ đi thẳng một mạch.
Một tuần sau, thái tử chết thật. Vua tạm thời không tổ chức tang lễ, cả tin thái tử mất cũng không tiết lộ ra ngoài. Ngày thứ hai, vua đi tìm A Thị Đa. Thấy vua, A Thị Đa nói với giọng cảm thông: Ðại vương, xin chớ quá bi thương. Quốc vương giả vờ không biết. Ta bi thương chuyện gì?
Ðại vương chớ giấu, hôm qua thái tử đã mất, người mất thì không thể sống lại chỉ nên thường xuyên niệm Phật để cầu được vãng sanh! Ôi, Ngài thật là thần cơ diệu toán! Quốc vương cảm phục A Thị Đa đã biết trước mọi việc.
Sau đó, vua tức tốc đi tìm bọn ngoại đạo. Thấy vua đến, bọn chúng chúc mừng: Chúc mừng, chúc mừng đại vương! Chúc mừng ta chuyện gì? Ðại vương không cần nói chúng tôi cũng đã biết rồi. Biết gì? Biết bệnh của thái tử đã khỏi! Hứ, bọn ngoại đạo đáng ghét, bản thân bất tài vô học, lại chuyên môn đi buôn thần bán thánh, gạt dân hại người.
Càng nói vua càng tức giận liền hạ lệnh: Bắt hết bọn chúng, rồi phá sạch tất cả thần miếu của chúng cho ta. Xong chuyện, vua vội quay về chỗ ngài A Thị Đa xin sám hối. Thưa tôn giả, bậc Sa môn đáng kính! Ngài mới là vị đạo sư mà trẫm cần quy ngưỡng, tôn kính, thỉnh giáo, lễ bái.
Nhờ những khởi xướng hoằng dương Phật pháp của A Thị Đa mà Phật giáo được thịnh hành ở nước Ðạt Ma Tất Thiết Đế. Ðã hơn hai ngàn năm rồi nhưng tại Ấn Ðộ vẫn còn có người nhìn thấy Tôn giả trị bệnh cho mọi người, có người thấy ngài tọa thiền trên núi Thánh Mẫu.