Phụ nữ làm nhiều nhưng thu nhập lại thấp hơn nam giới
Quả là vất vả khi người phụ nữ vừa học vừa làm, nhất là đang nuôi con nhỏ. Gánh nặng gia đình và xã hội trên vai họ quá lớn mà nếu làm tốt cái này ắt sẽ ảnh hưởng đến cái kia. Ngày nay phụ nữ đang thể hiện sự bình đẳng trong xã hội bằng các vị trí của mình trong công việc.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó họ gặp phải rất nhiều trở ngại, vừa phải làm tốt công việc ở cơ quan đồng thời làm phải làm tốt vai trò làm dâu, làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Để trang bị kiến thức cho mình, người phụ nữ không ngừng trau dồi nghiệp vụ theo học các lớp tại chức văn bằng hai... Tám tiếng làm việc tại cơ quan, việc gia đình rồi học tập khiến họ rối như mớ bòng bong. Trung bình phụ nữ vẫn dành 274 phút/ ngày cho công việc nhà, trong khi nam giới chỉ phải làm 169 phút việc nhà/ ngày.
Các nhà tâm lý học cho rằng, bạn có nguy cơ bị những phiền toái nếu bạn áp dụng nhịp điệu căng và nhanh của cuộc sống nghề nghiệp cho đời tư của bạn. Với những người phụ nữ vừa phải lo toan công việc gia đình vừa muốn làm tốt công việc cơ quan thì chính là vậy.
Vậy ai sẽ giúp họ giải toả điều chỉnh được cuộc sống, chính là người thân của họ. Không ít người vợ phát khóc lên khi về thấy nhà cửa bừa bộn mà chồng con vẫn ngồi xem tivi, quần áo chưa ai đưa vào, bếp vẫn nguội ngắt. Không nhận được sự giúp đỡ việc nhà, chị còn bị mẹ chồng phàn nàn, rằng phụ nữ chăm lo cho gia đình mới là điều cần thiết.
Tại “Diễn đàn đa phương thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập” do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, số liệu thống kê cho thấy, phụ nữ ở Việt Nam có thu nhập trung bình năm thấp hơn 3 triệu đồng so với nam giới, tương đương thu nhập trong một tháng. Khoảng cách về thu nhập vẫn tồn tại mặc dù khoảng cách về học vấn đã được thu hẹp.
Phụ nữ từ bỏ mức lương cao hơn để làm việc trong các ngành nghề có các phúc lợi phi tiền tệ tốt hơn: nghỉ phép có lương, số giờ làm việc trong tuần ít hơn, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Lựa chọn này có thể được thúc đẩy bởi sự phân chia không đều trong việc nhà và việc chăm sóc gia đình.
Dễ bị rủi ro và tổn thương
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp vẫn còn thấp; trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ vẫn thấp hơn nam giới 5%; lao động nữ có thu nhập bình quân thấp hơn nam giới khoảng 10%; lao động nữ là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân công…
Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, là nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục. Một trong những nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay được xác định là những định kiến về giá trị và cách suy nghĩ truyền thống của xã hội về cách ứng xử và vai trò của nam giới và phụ nữ. Những suy nghĩ, định kiến này đang cản trở những tiềm năng phát triển phụ nữ.
Bà Helle Buchhave, Điều phối viên về Giới khu vực Đông Á, Thái Bình Dương cho biết, hệ thống chính sách pháp luật tại Việt Nam hiện nay có thể tác động đến vấn đề giới ở nhiều lĩnh vực, điển hình là việc chủ sử dụng lao động thích thuê lao động là nam giới hơn nữ giới; một số công việc không sử dụng lao động nữ do các nhà hoạch định chính sách thấy có hại cho chức năng làm mẹ đối với nữ giới được quy định tại Bộ luật Lao động (sửa đổi) hay khoảng cách về tiếp cận đai trong Luật Đất đai.
TS.Đào Quang Vinh-Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội cho rằng, trong kỷ nguyên số, các nguyên tắc về tổ chức nơi làm việc, khái niệm việc làm toàn thời gian sẽ thay đổi; thậm chí bản chất nghề nghiệp cũng có sự thay đổi, bị tác động. Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, trong 10 năm tới, 70% số việc làm có rủi ro cao, có thể bị thay thế bằng các máy móc, tự động hóa.
Trong đó, rủi ro cao nhất thuộc các nhóm ngành nông - lâm - thủy sản (với 83,3% số việc làm có độ rủi ro cao); có tới 74,4% số việc làm thuộc ngành công nghiệp chế biến và có tới 84,1% số việc làm ngành bán lẻ có độ rủi ro cao. Đặc biệt, trong số đó, ngành dệt may và da giày có rất đông lao động nữ sẽ chịu tác động mạnh, có nguy cơ bị máy móc, thiết bị tự động hóa thay thế...
Để giảm thiểu bất bình đẳng giới trong lao động, có không ít công ty chú trọng vào nâng cao chất lượng làm việc và nghỉ ngơi của người lao động nhất là lao động nữ. Với tỷ lệ nhân viên nữ chiếm trên 70%, Samsung Việt Nam chú trọng đưa ra những chính sách đặc biệt chăm sóc cho nhân viên nữ, nhất là đối tượng nhân viên nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Hiện tại, ở nhà máy Samsung Việt Nam có khoảng 20.000 nhân viên nữ đang trong chế độ thai sản.
Tất cả những nhân viên này đều đang được hưởng những chế độ chăm sóc đặc biệt. Họ không phải đi công tác xa nhà, không phải làm thêm giờ, không làm việc ca đêm. Ngoài ra, nhân viên nữ kể từ khi đăng ký thông tin thai sản có thể xin nghỉ hưởng 50% lương để ở nhà chăm sóc thai nhi. Họ được ăn khẩu phần dinh dưỡng cho bà bầu và bữa ăn phụ miễn phí. Các nhà máy của Samsung Việt Nam cũng xây dựng phòng Mommy cho nhân viên mang bầu và nuôi con nhỏ có thể sự dụng vắt sữa, ăn bữa ăn phụ, nghỉ ngơi đọc sách nếu mệt khi đang làm việc. Họ được khám bệnh, chăm sóc thai nhi, cung cấp kiến thức về sinh sản, dinh dưỡng và tiêm chủng…