Kinh tế “chững lại”
“Nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19” là khẳng định của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020. Tại đây, Bộ trưởng cũng đưa ra nhiều số liệu cho thấy nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu chững lại, nhiều tiêu chí trong hai tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do dịch Covid-19.
Vốn FDI thực hiện giảm 5%; vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 9,3%); vận tải hành khách tăng 3,8% (cùng kỳ tăng 10,2%). Khách quốc tế tăng 4,8%, mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%); mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.
Dịch Covid-19 đã trực tiếp “giáng đòn” mạnh mẽ vào hoạt động thương mại nước ta, khi mà các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu đang phải tạm ngưng nhiều hoạt động kinh tế để tập trung đối phó với dịch bệnh.
Nếu ở giai đoạn 1, nước ta phải tạm ngưng việc nhập khẩu các nguồn hàng từ Trung Quốc và chuyển dần sang các thị trường khác thuận lợi hơn, nhất là khu vực châu Âu thì nay, khi dịch đang bùng phát nhanh ở Italy, Pháp, Anh,... con đường mở rộng thị trường dường như trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trước đó, việc đóng cửa đường biên với Trung Quốc cũng khiến cả doanh nghiệp Việt lẫn nông dân điêu đứng bởi vừa không có đủ nguyên liệu để sản xuất khi nhiều doanh nghiệp phụ thuộc gần như 80% từ Trung Quốc, vừa khiến hàng nông sản không có thị trường để tiêu thụ dẫn đến những cuộc “giải cứu” thanh long hay dưa hấu…
Theo tính toán, nếu chậm nguyên liệu trong nửa tháng, riêng ngành dệt may sẽ thiệt hại từ 1,5 - 2 tỷ USD. Với linh kiện điện tử, con số này có thể sẽ lớn hơn, do vậy, tìm kiếm nguyên liệu sản xuất cùng với tăng cường khả năng nguyên liệu tại chỗ là đề xuất của Bộ Công Thương để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19.
Trên thị trường chứng khoán cũng chứng kiến nhiều diễn biến bất lợi do sau hai ngày cuối tuần, thông tin về dịch Covid-19 cả trên thế giới và ở Việt Nam đều có những tin tức xấu. Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, việc thị trường chứng khoán của Việt Nam phiên đầu tuần giảm mạnh là cùng chung với diễn biến của tình hình chứng khoán thế giới.
Việc thị trường giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch 9/3 là khó tránh khỏi, bởi phiên này trùng với “điểm rơi của nhiều tin xấu hội tụ xuất hiện cùng lúc”. Thị trường chứng khoán được ví là hàn thử biểu của nền kinh tế, nên khi có nhiều thông tin bất lợi tới nền kinh tế toàn cầu hay có sự cố bất thường (ở đây là dịch bệnh) thì sẽ phản ứng ngay tức thì.
Nguyên nhân chính và trực diện nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khi số bệnh nhân dương tính với Covid-19 tại Hà Nội tăng nhanh, sau đó tiếp tục xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới ở một số tỉnh, thành khác trong những ngày cuối tuần. Đây là yếu tố tiêu cực mang tính bất thường, nên tác động tới tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường, khiến xuất hiện việc bán tháo và giảm điểm mạnh.
Ngành du lịch - hàng không cho đến nay vẫn đang loay hoay tìm giải pháp để vực dậy hoạt động bởi đây có thể nói là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh gây ra. Với ngành du lịch, việc Bắc Kinh đình chỉ toàn bộ các hoạt động du lịch tại Trung Quốc và nước ngoài, tác động tới lĩnh vực du lịch của Việt Nam sẽ là lớn khi theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, số lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2019 đã lên tới 5,8 triệu lượt, chiếm 32,24% tổng lượng khách quốc tế.
Trong bối cảnh mới, khi Chính phủ quyết định tạm ngưng cấp thị thực với các quốc gia như Hàn Quốc, Italy để chống dịch Covid-19, dự báo ngành du lịch nước ta sẽ thêm phần điêu đứng. Du lịch đình trệ khiến một loạt ngành khác lao đao theo là lưu trú, ăn uống, lữ hành, vận chuyển. Đáng chú ý nhất là sự sụt giảm của ngành hàng không và bán lẻ.
Các khách sạn điêu đứng vì dịch bệnh. |
Riêng với ngành hàng không, tính đến thời điểm này, doanh thu của ngành đã bị sụt giảm tới 25.000 tỷ đồng. Nếu dịch tiếp tục kéo dài thì ngành dự báo sẽ mất gần 20 triệu hành khách trong năm nay, đây là một con số tổn thất rất lớn. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không có những giải pháp tối ưu để cứu vãn thì hệ lụy của dịch bệnh sẽ kéo dài và tác động tiêu cực hơn tới mục tiêu phát triển của ngành giao thông.
Nhiều chuyên gia đánh giá, sự bùng phát dịch Covid-19 giai đoạn mới như một “liều thuốc thử” đối với nền kinh tế Việt Nam, giúp chúng ta nhìn nhận rõ một loạt yếu kém của nhiều ngành kinh tế, trong đó nhiều ngành là xương sống của nền kinh tế nước ta.
Nỗ lực chống dịch, vực lại kinh tế
Dù đứng trước thách thức phải vừa đối phó với dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, vừa phải nỗ lực tìm lối đi mới cho sự phát triển kinh tế, nhiều chuyên gia vẫn thể hiện sự tin tưởng vào các chính sách của Nhà nước và Chính phủ trong giai đoạn hiện nay. Dựa vào những thành công bước đầu trong công tác chống dịch ở giai đoạn một, Chính phủ cũng đưa ra nhiều định hướng mới phù hợp với tình hình hiện nay.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, các cấp, các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong chỉ đạo phòng chống dịch, tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp, không để rơi vào thế bị động, thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại; sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với các biến động quốc tế.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19 sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp về vốn, tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu; tháo gỡ khó khăn, phụ hồi, phát triển ngành du lịch; thúc đẩy đầu tư và giải ngân; rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công; trình ngay Thủ tướng Chính phủ quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money).
Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020; khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt..., báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.
Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật; khẩn trương báo cáo Chính phủ trong tháng 3 này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người dân,…
Những giải pháp cấp thiết ngay thời điểm này phần nào tạo điều kiện để cả nền kinh tế cùng vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, mặc dù chúng ta vẫn còn phải phụ thuộc nhiều vào yếu tố diễn biến dịch bệnh trong thời điểm tới. Đây cũng có thể xem là thời cơ để nước ta tái cơ cấu lại nền kinh tế, nhìn nhận những yếu kém của nhiều ngành sản xuất và tìm đến những thị trường mới khả quan hơn.