Cơ sở sản xuất bún tươi của gia đình anh Th. nằm sâu trong con hẽm ở tổ 6, thôn Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Cả con hẽm dài khoảng 100m nồng nặc mùi ôi chua dù chưa vào tận khu vực sản xuất.
Các thùng nhựa đựng bột nước cáu bẩn, nham nhở.
Mới gần 9h nhưng toàn bộ số bún sản xuất lúc 1h hôm nay đã hết sạch. Tại xưởng sản xuất có khoảng chục thùng nhựa cáu bẩn đựng bột nước, khắp miệng thùng nham nhở đầy bột. Thùng nhào bột được đặt trong góc tường cũ kỹ, cạnh đó là các bao bột khô chờ ngâm nước. Dù sản xuất hàng ngày nhưng các thùng nhào bột bám đầy vết loang lổ…
Thấy chúng tôi đặt hàng với số lượng 40kg về làm bún cá, con gái anh Th. nhanh nhảu đáp: “Bún giờ hết rồi nhưng chị muốn lấy em sang mối quen bên kia lấy mẫu cho chị xem. Bún chỗ em có nhiều loại to nhỏ, chị làm bún cá thì nên lấy loại sợi nhỡ thì khéo nhất”. Chỉ chưa đầy 5 phút, con gái của anh Th. cầm tới một nắm bún cỡ nhỡ nói: “Đây là bún do cơ sở em làm, mối này chuyên lấy về làm bún cá. Chỗ em chuyên cũng cấp hàng đảm bảo chứ không như các hộ gần đây đâu nên sợ mềm và trắng đẹp”.
Các thùng nhựa đựng bột nước cáu bẩn, nham nhở. |
Quảng cáo là bún sạch thế nhưng con gái anh Th. Thản nhiên dùng tay bốc bún mà không dùng bao tay hay bất cứ dụng cụ vệ sinh khác. Trái với là quảng cáo của con gái anh Th., bún có vị chua, sợi trắng trong và thoảng mùi ôi.
Cách đó 300m là cơ sở của gia đình ông Thư, khu sản xuất có diện tích khá chật chội, toàn bộ dụng cụ ám mùi nằm vương vãi khắp nền nhà, những chiếc thúng đựng bún cám đầy bụi bẩn được xếp chồng chéo lên nhau chắn ở ngay lối ra vào.
“Hiện tại bún nhập có giá chung là 65.000 đồng/10kg. Có người nhập tới một tạ mỗi ngày chứ 20 – 30 kg thì ăn thua gì”, ông Thư nói.
Theo ông Thư, trung bình mỗi ngày cơ sở của ông xuất cho các mối nhập dao động từ 5 – 7 tạ bún, nhiều ngày còn vượt số lượng này. Tuy nhiên, ông Thư tiết lộ, bún thừa nếu để qua đêm sẽ bị ôi chua, kể cả để trong tủ lạnh.
Anh Nam, sống tại làng bún Phú Đô cho biết, hiện nay có nhiều cơ sở làm bún hoặc người bán thường sử dụng chất tẩy và chất khử chua để bảo quản lượng bún ế trong ngày. Trong khi sợi bún tự nhiên có màu trắng đục thì sợi bún của các cơ sở này đều trắng tinh, đẹp mắt.
“Ngoài dùng chất khử chua, các cơ sở này đều gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của các hộ dân sống tại đây. Hàng ngày, chúng tôi vẫn bị tra tấn bởi mùi ôi chua nồng nặc, kinh rợn của các cơ sở này”, anh Nam than vãn.
Theo chủ hàng bán nước chè tại thôn Phú Đô, toàn bộ các cơ sở sản xuất bún hiện nay trên địa bàn đều là của các hộ gia đình. Nhiều gia đình đã sử dụng máy móc để làm bún thay vì làm thủ công như trước đây nên trung bình mỗi ngày có hộ có thể xuất cả nửa tấn đi tiêu thụ.
Vì sao sợi bún hết chua và trắng sáng?
Trước đây, Tung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (thuộc Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng) đã khảo sát thị trường TP HCM và lấy ngẫu nhiên 30 mẫu gồm 6 loại bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt, bán tại 9 cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Kết quả cho thấy, 24 trong tổng số 30 mẫu đều có sự hiện diện của chất làm trắng quang học, chiếm tỷ lệ 80%. Trong đó 5 trong 9 mẫu bún, 100% mẫu bánh hỏi, bánh ướt và bánh canh, 3 trên 4 mẫu bánh phở, có chứa chất làm trắng huỳnh quang.
Các thùng nhào bột cám đầy bụi bẩn vẫn được sử dụng hàng ngày. |
PGS.TS Nuyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, Tinopal hay còn được gọi là chất huỳnh quang được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy vì có màu óng ánh, đẹp. Do đó, nhiều người bất chấp hậu quả, dùng hóa chất này để tạo độ bóng trên bề mặt sợi bún, làm cho sợi bún hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, Tinopal tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm vì gây nguy hạo trầm trọng cho sức khỏe. Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Có thể làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Ở mức độ nặng, khi tích tụ lâu dài sẽ gây suy gan, thận, thậm chí ung thư.
Công nghệ làm bún ngay sát tường cũ kỹ, mất vệ sinh. |
Không chỉ có chất Tinopal mà nhiều chất độc hại khác cũng được tìm thấy trong các sản phẩm từ gạo như acid oxalic (chất khử để giữ bún tươi lâu, không bị ôi, tuyệt đối không thể dùng trong thực phẩm).
Người ăn phải bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ bị suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và có thể bị bệnh ung thư. Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà Tinopal gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Hơn nữa, đây là một chất dùng trong công nghiệp nên khó tránh khỏi có chứa các tạp chất gây hại cho sức khỏe.