Đánh giá chợ trên nhiều nhóm yêu cầu
Theo Bộ Công Thương, tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chí đánh giá về chợ kinh doanh thực phẩm để bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm tại chợ. Tiêu chuẩn này được áp dụng đối với các chợ kinh doanh thực phẩm nằm trong quy hoạch (trừ chợ nổi trên sông) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chợ kinh doanh thực phẩm phải là chợ được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, bảo đảm thời gian sử dụng tối thiểu là 5 năm. Chợ không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, các nguồn gây ô nhiễm khác.
Chợ có nội quy chợ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó quy định về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm kinh doanh tại chợ, có tổ chức quản lý chợ được thành lập theo quy định (Ban quản lý, Tổ quản lý, Doanh nghiệp, Hợp tác xã), đồng thời có phương án bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Công Thương đề xuất yêu cầu về bố trí đối với chợ kinh doanh thực phẩm, theo đó, chợ được phân khu chức năng thành từng khu vực riêng biệt, tại các khu vực kinh doanh có biển hiệu thông báo. Sàn khu vực buôn bán thực phẩm phẳng, có bề mặt cứng, chịu tải trọng, mài mòn, thoát nước tốt, không gây trơn trượt, không đọng nước và dễ làm vệ sinh. Trần nhà, mái che, tường, cột làm bằng vật liệu bền, không bị dột, thấm nước, không rạn nứt, rêu mốc, đọng nước và dính bám các chất bẩn.
Chợ được chiếu sáng đầy đủ bằng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo. Nước sử dụng trong chợ phải có đủ nước đá, nước chế biến, bảo quản thực phẩm, có đủ nước phục vụ nhu cầu vệ sinh, sinh hoạt tại chợ và bảo đảm giới hạn các chỉ tiêu chất lượng tại Phụ lục đi kèm. Chợ có hệ thống cống, rãnh thoát nước, có đầy đủ hố ga, lưới chắn rác, nắp đậy ngăn mùi và thường xuyên làm vệ sinh, thông tắc. Bộ tiêu chuẩn cũng đưa ra yêu cầu về kho, khu vực bảo quản thực phẩm (nếu có). Ngoài ra, Bộ tiêu chuẩn này cũng đưa ra yêu cầu về hệ thống phòng cháy và chữa cháy, yêu cầu về vệ sinh môi trường, yêu cầu về nhà vệ sinh với những nội dung khá chi tiết.
Dự thảo của Bộ Công Thương cũng đưa ra yêu cầu đối với chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm tại chợ. Theo đó, chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được khám sức khỏe, được cấp giấy xác nhận đủ sức khỏe theo quy định.
Đặc biệt, dự thảo yêu cầu sản phẩm kinh doanh tại chợ phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc; có sổ sách ghi chép, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm để sản xuất và thực phẩm kinh doanh tại cơ sở. Không sử dụng các chất độc hại để bảo quản sản phẩm; làm sạch và khử trùng trang thiết bị, dụng cụ bày bán, pha lọc và chứa đựng sản phẩm động vật trước và sau khi bán bằng nước sạch.
Còn cơ sở kinh doanh rau, củ, quả tại chợ phải cam kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chợ không phun, ngâm, tẩm các loại hóa chất cấm (không có trong danh mục được phép sử dụng theo quy định) để bảo quản rau, củ, quả; Có trang thiết bị bày bán rau, củ, quả hợp vệ sinh bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; không bày bán rau, củ, quả trên mặt sàn chợ...
Không cấm, chỉ khuyến khích không bán
Nhóm các yêu cầu khác lại là một trong những nội dung thu hút sự chú ý của nhiều người, đó là đề xuất không bày bán gia súc, gia cầm sống chưa giết mổ tại chợ; không giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ.
Theo lý giải từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), bản dự thảo nêu trên là tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng chứ không phải quy chuẩn quốc gia. Như vậy, tiêu chuẩn về kinh doanh thực phẩm trong chợ truyền thống chỉ mang tính khuyến khích, nhằm đảm bảo kinh doanh sạch sẽ, an toàn hơn với người tiêu dùng, không cấm đoán việc bán thịt, gà sống và không cấm giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên việc kinh doanh gia cầm sống trở thành đề tài gây tranh cãi. Trong quá trình xây dựng thí điểm các mô hình chợ an toàn, một số tỉnh, thành phố đã đưa ra yêu cầu không bán gia súc, gia cầm sống chưa giết mổ tại chợ, thay vào đó hình thành những khu giết mổ tập trung nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới cạnh tranh với sản phẩm của siêu thị.
Ý tưởng đó nhiều năm vẫn chỉ là ý tưởng, bởi vấp phải một “lực cản” lớn là thói quen kinh doanh và tiêu dùng. Khảo sát tại các chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, ngoài những hàng bán gà vịt mổ sẵn, mỗi chợ còn có đến hàng chục hàng bán gia cầm sống. Chúng được nhốt trong lồng, đặt thẳng xuống đất bất chấp nền đất ướt nhẹp xen lẫn với các mặt hàng rau quả, thịt lợn, cá...
Thế nhưng, những gian hàng tuềnh toàng này lại có một lượng khách lớn và ổn định, nhất là vào dịp ngày lễ, Tết, mùng một hay ngày rằm. Mặc dù cũng không ít gà, vịt được làm sẵn, nhưng khách vẫn sẵn sàng chờ cả chục phút để mua được một con gà sống, chờ giết mổ rồi đem về.
“Ban quản lý chợ cũng nhiều lần vận động chúng tôi không bán gà vịt sống nữa mà chuyển sang bán gà vịt đã giết mổ sẵn. Chúng tôi cũng muốn thế vì bán gà vịt giết mổ sẵn, người bán “nhàn” hơn rất nhiều. Nhưng, người tiêu dùng không muốn mua như thế. Họ muốn chọn mua gà sống, để nhìn tận mắt chất lượng con gà, nên chúng tôi đành phải đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thôi” – một tiểu thương khu vực chợ Cống Vị (Hà Nội) nói.