Đóng vai trò quan trọng trong theo dõi thi hành pháp luật
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, cả cơ quan công quyền và người dân đều có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, người dân có quyền giám sát, tham gia quản lý nhà nước và xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật (THPL). Do đó, có thể thấy sự tham gia của doanh nghiệp, người dân và các tổ chức xã hội trong việc theo dõi THPL là điều quan trọng. Có điều, cần phải hiểu rõ sự tham gia của người dân/doanh nghiệp có ảnh hưởng đến tất cả các giai đoạn xây dựng pháp luật, THPL và kiểm tra, rà soát, theo dõi THPL chứ không chỉ ở một giai đoạn cụ thể.
Đối với hoạt động theo dõi THPL, sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân có thể được thể hiện thông qua 3 vai trò: là các đối tượng tác động của pháp luật, chủ thể bị theo dõi; là bên độc lập, chủ thể thực hiện việc theo dõi; và là một bên độc lập có cơ hội nắm bắt thông tin thông qua hoạt động của mình.
Trong vai trò thứ nhất, là đối tượng tác động của pháp luật thì người dân và doanh nghiệp có thể tham gia theo dõi THPL một cách chủ động hoặc bị động.
Trong vai trò thứ hai, là bên độc lập thực hiện việc theo dõi thi hành cũng có vai trò quan trọng. Vai trò này thường do các đơn vị truyền thông, báo chí, các tổ chức phi chính phủ thực hiện.
Trong vai trò thứ ba, các công ty, tổ chức, hay các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực tư vấn là bên nắm được thông tin. Khi được hỏi ý kiến, các doanh nghiệp, chuyên gia này có thể cung cấp thông tin rất hữu ích, vừa bảo đảm yếu tố sâu sát, lại vừa có tính bao quát nhưng các thông tin có được thường không thể kiểm chứng.
Mặc dù Nghị định 59/2012/NĐ-CP đã có quy định về việc khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tổ chức vào công tác theo dõi THPL, Thông tư 14/2014/TT-BTP cũng đã có quy định cụ thể hơn về công tác này. Song, vì nhiều lý do khác nhau, công tác theo dõi THPL chưa đạt được như kỳ vọng.
Chẳng hạn, trong hồ sơ trình dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có đến 80% số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trước đây không có công tác tổng kết, đánh giá thực hiện. Điều này gây khó khăn cho việc tổng kết thực tiễn nhằm cải tiến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
Hầu như mọi chính sách được đưa ra luôn có đơn vị, cơ quan làm đầu mối chịu trách nhiệm thi hành. Nhưng không phải khi nào pháp luật cũng yêu cầu đơn vị, cơ quan đó phải lưu trữ, phân loại, sắp xếp và báo cáo các thông tin có liên quan về việc thi hành một cách đầy đủ. Đây là hoạt động thường chỉ được coi là “việc nội bộ” và được thực hiện theo “chỉ đạo điều hành” chứ chưa được thực hiện đầy đủ. Chính điều đó tạo sự khó khăn rất lớn cho việc phân bổ nguồn lực trong công tác thực thi pháp luật cũng như việc điều chỉnh hệ thống pháp luật cho phù hợp.
Sẵn sàng tham gia nếu được quan tâm một cách thực chất
Bởi thế, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59, trong đó dự kiến xây dựng Khung theo dõi THPL và hệ thống thu thập dữ liệu nhằm bảo đảm tính phản biện xã hội. Một trong những khả năng của Bộ công cụ là có thể cho phép các tổ chức, cá nhân (không phải là cơ quan nhà nước) được tham gia vào quá trình đánh giá việc THPL.
Bà Phan Minh Thủy (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi cần bổ sung quy định về nguồn thông tin sử dụng khi theo dõi THPL, bao gồm nguồn tin từ báo chí, các báo cáo của tổ chức xã hội, các nghiên cứu của viện/ trường, từ phản ánh của người dân. Ngoài ra, cần quy định cách thức phản hồi/ xử lý kịp thời, minh bạch đối với những nguồn thông tin đó.
“Người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội sẵn sàng tham gia các hoạt động quản lý nhà nước nếu các cơ quan nhà nước quan tâm đến sự tham gia đó một cách thực chất, có trách nhiệm xử lý và giải trình thỏa đáng” – bà Thủy nhấn mạnh. Hơn nữa, theo bà Thủy, để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình theo dõi THPL thì không chỉ trong lĩnh vực này mà ở tất cả các lĩnh vực khác, các cơ quan nhà nước phải thực sự công khai, minh bạch, dân chủ và cầu thị, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, đặc biệt là các quy định về chức năng, nhiệm vụ của mình, theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật trong Nhà nước pháp quyền.