Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) Việt Nam với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, THQG thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ). Tính đến nay, Chương trình đã tiến hành 5 đợt lựa chọn các doanh nghiệp và sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam đạt đủ các tiêu chí được mang biểu trưng THQG cho tổng số 278 doanh nghiệp. Các thương hiệu này đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thị trường trong nước, thị trường thế giới tới các đối tượng mục tiêu.
Trong số gần 300 thương hiệu trên, trong 2 năm (2016 – 2017), Việt Nam đã có 11 thương hiệu thuộc top 1.000 thương hiệu châu Á. Thông tin này được bà Đặng Thúy Hà (đại diện Nielsen Vietnam khu vực phía Bắc) cung cấp tại Hội thảo “Nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp thông qua phát triển thương hiệu” do Bộ Công Thương tổ chức vào hôm qua (21/6). Cũng theo bà Hà, hiện người tiêu dùng có 5 xu hướng tiêu dùng, đó là người tiêu dùng mong muốn chất lượng cao cấp và uy tín; chi dùng thông minh; giá trị đích thực; sự lên ngôi của sức khỏe toàn diện; người tiêu dùng kết nối. Cùng với nhu cầu thị trường, việc nắm bắt xu hướng người tiêu dùng là công việc rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp.
TS Declan P. Bannon đến từ Trường Đại học Anh tại Việt Nam lại “bật mí” 5 bí mật về xây dựng thương hiệu. Theo ông, một thương hiệu tốt sẽ bán bất kỳ sản phẩm gì, chất lượng tạo ra thương hiệu, các công ty quảng cáo xây dựng thương hiệu, chi phí không phải là đầu tư và thương hiệu có cuộc sống của riêng mình. Đặc biệt, ông nhấn mạnh: “Khách hàng hiếm khi nhớ quảng cáo thương hiệu, thông điệp hình ảnh, khẩu hiệu, âm nhạc hay logo. Khách hàng ghi nhớ thương hiệu khiến họ cảm thấy như thế nào”.
Gắn bó với hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam nhiều năm nay, chuyên gia người Thụy Sỹ Alain Chevalier dẫn chứng một trường hợp thành công trong xây dựng thương hiệu trà Việt Nam. Qua quá trình xây dựng này nhu cầu đối với trà cao cấp tăng lên, đặc biệt ở Bắc Mỹ và cũng truyền tải được thông điệp của chiến lược xây dựng thương hiệu (văn hóa trà Việt Nam, đam mê trà được thể hiện ở quy trình chế biến trà thủ công, truyền thống lâu đời từ thế hệ này qua thế hệ khác…).
Từ đó, ông khuyến nghị các công ty Việt Nam cần nâng cấp chuỗi giá trị và tập trung vào xuất khẩu hàng chất lượng cao hơn cũng như cần thay đổi hình ảnh các công ty Việt Nam ở những thị trường nước ngoài thông qua xây dựng thương hiệu tích cực…
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Đỗ Kim Lang thì nêu một số định hướng hoạt động Chương trình THQG đến năm 2020. Cụ thể là tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động phát triển thương hiệu thông qua phối hợp các chương trình và hoạt động tương đồng về mục tiêu và nội dung của các bộ, ngành nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và thông tin nhằm nâng cao trình độ kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, phát triển xuất khẩu, tăng thị phần nội địa, xác định hướng xuất khẩu để làm nền tảng xây dựng thương hiệu quốc gia.
Ngoài ra, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, trên cơ sở phối hợp giữa thương hiệu sản phẩm và chỉ dẫn địa lý/thương hiệu địa phương. Không những thế, sẽ tăng cường quảng bá THQG và các sản phẩm đạt THQG thông qua các kênh thông tin truyền thông đại chúng, chuyên ngành, các sự kiện thương mại quốc tế trong và ngoài nước và giáo dục ý thức tự hào dân tộc bằng việc sử dụng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
“Không phải cứ doanh nghiệp lớn đều đáp ứng đủ các tiêu chí khi tham gia lựa chọn để mang biểu trưng THQG mà đôi khi thành công lại thuộc về các doanh nghiệp vừa” – ông Lang lưu ý. Những nội dung định hướng và lưu ý này quả rất đáng để các doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm, nghiên cứu làm sao có thể nhận được hỗ trợ trong quá trình khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp mình.