Nguyên nhân là do toàn bộ tài liệu về quá trình hoạt động cách mạng của ông khi gửi vào Phòng Lao động Thương binh và Xã hội TX Hưng Yên để làm thủ tục hưởng chế độ chính sách đã bị… mối xông lên không có căn cứ pháp lý để giải quyết.
Những tháng năm hoạt động trong lòng địch...
Sinh năm 1932, ông Bùi Thu Lâm giác ngộ cách mạng rất sớm, tham gia hoạt động khách chiến chống Pháp từ tháng 2/1944. Đến năm 1949 ông được tổ chức cử về hoạt động trong lòng địch ở TX Hưng Yên hoạt động quân báo, làm nhiệm vụ dân vận, binh địch vận.
Ông kể, ngày ấy, dưới vỏ bọc là một người chuyên sửa xe đạp, công việc chính của ông là tìm kiếm, nghe ngóng tin tức về quân rem (tên gọi lính Pháp thời bấy giờ) đổ bộ vào thành bao nhiêu xe tăng, bao nhiêu xe thiết giáp, các loại súng to, nhỏ ra sao. Sau khi đã nắm được cơ số thông tin, ông lại tìm cách thoát ra khỏi thành, theo lối mòn để báo cho các đồng chí bên mình biết.
Mỗi khi thấy xe quân địch về, ông lại tìm cách mò vào các đồn bốt kiếm cớ làm quen, xin được sửa xe đạp hoặc chuyện trò với quân lính. Hoặc cũng có khi đêm ông đội nón rách giả vờ đi nhặt ống bơ quanh đồn bốt địch để lén đếm số xe, số quân của địch. Ông cũng từng chuyện trò, vận động giáo dục để họ giác ngộ, tích cực hợp tác, báo tin hoạt động cho quân ta.
Nhưng trong một lần hoạt động, ông không kịp chạy khi đang cầm tài liệu cho chiến dịch, bị địch bắt giam ở bốt Bình Trì Đởm (huyện Ân Thi), sau đó bị chuyển về nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, ông gặp được rất nhiều các đồng chí cách mạng, mỗi lần ra sân được ngồi hóng nắng là tìm cách đưa thông tin đến các đồng chí để nhận ra nhau và cùng tìm cách tổ chức vượt ngục thành công.
Có lần bị phục kích bất ngờ, ông đã phải nuốt thẻ Đảng vào bụng để phòng trường hợp nếu bị bắt cũng không để lộ thân phận. Nhờ mưu trí, dũng cảm, ông không bị lộ một lần nào, giữ được các cơ sở cách mạng trọn vẹn cho kháng chiến.
Giấy xác nhận gia đình ông Lâm đã cho Ủy ban Hành chính thị xã Hưng Yên mượn đất (trái) và giấy xác nhận hồ sơ của ông Lâm bị mối xông |
Số phận bị lãng quên...
Hoạt động trong lòng địch đến năm 1954, khi kết thúc chiến dịch, đuổi được quân Pháp ra khỏi Việt Nam thì ông chuyển sang làm A trưởng tự vệ cơ động của tỉnh đội quản lý, chuyên trực đài quan sát ở Hưng Yên. Năm 1965-1966, lệnh tổng động viên quyết định đưa ông về Quân đoàn 3, sau đó theo yêu cầu của tỉnh đội ông lại về xây dựng đội cao xạ từ năm 1969 đến khi hòa bình, thống nhất đất nước. Thời gian sau đó ông tham gia công tác chính sách hòa giải... Ông tự hào vì mình đã từng hoạt động ngay dưới cấp quản lý của đồng chí Hạ Bá Cang (bí danh của đồng chí Hoàng Quốc Việt).
Tất cả nhưng hồ sơ, tài liệu liên quan về quá trình hoạt động cách mạng của bản thân ông đã nộp cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TX Hưng Yên để có thể nhận được những chính sách của Nhà nước đối với những người hoạt động cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp. Nhưng năm 1987, đại diện cán bộ phòng lại có xác nhận đã làm hỏng hồ sơ của ông do bị mối mọt xông.
Ông chua chát: “Sau bao nhiêu năm hoạt động, cống hiến cho cách mạng tôi mới nhận được 3 triệu đồng cho Huân chương Kháng chiến chống Mỹ”. Ông đã phải tự mình tìm đến các đồng đội cũ để xin xác nhận mình đã từng thuộc tổ quân báo, cùng hoạt động trong lòng địch, xác nhận đã từng bị địch bắt đưa về nhà tù Hỏa Lò, đã cùng thực hiện chiến dịch vượt ngục thành công.
Tuy nhiên, những xác nhận đó vẫn không giúp ông được hưởng theo Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Ông buồn bã chia sẻ: “Làm cách mạng không ai nghĩ đến kể công bởi nhiều người còn công lao lớn hơn nhiều nhưng càng nghĩ chuyện mình đang bị đối xử quên lãng ông càng đau lòng”.
Chưa hết, năm 1964, gia đình ông cho Ủy ban Hành chính TX Hưng Yên mượn đất để làm cổng vào xe cứu hỏa và an ninh khu phố, có ủy ban xác nhận, có ban kiến thiết ký giấy nhưng sau đó lại bị thu hổi để cấp cho người khác.
Ông đau xót nói: “Tôi nghĩ đến quyền lợi của nhiều người dân, nhà tôi cũng chưa có ý định làm nhà nên mới cho mượn đất nhưng không nghĩ cho mượn rồi mất luôn. Tôi thực sự tự hào về những gì mình đã cống hiến cho cách mạng. Tôi có lòng tự trọng của một chiến sĩ nên vẫn sống tốt dù gặp nhiều thiệt thòi nhưng tôi ức vì mình đã có nhiều công lao, thành tích trong kháng chiến chống Pháp nhưng lại bị lờ đi mọi chế độ và bây giờ mất luôn mảnh đất vài chục mét đã từng cho chính quyền mượn”.
Những lời gan ruột của ông khiến chúng tôi bần thần. Một người đã từng có nhiều thành tích, được quân đội, anh em đồng đội ghi nhận, bây giờ đang đau xót vì bị lãng quên và bị lấy đi mảnh đất của gia đình. Không biết đến bao giờ các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên mới vào cuộc để thực hiện những chế độ cho người chiến sĩ lão thành này?