Còn nữa, trong kết luận nội dung tố cáo, bà Cao Thị Cầm cũng đã thừa nhận thời gian và đơn vị công tác của bà được ghi trong Quyết định 02/QĐ ngày 20/1/1988 của UBND huyện Tuyên Hóa về vấn đề hưởng chế độ mất sức lao động của bà là không đúng thực tế. Theo hồ sơ trước đây, bà Cầm khai đi thanh niên xung phong thuộc đơn vị C1 Cục Hậu cần B5 đường 9 Nam Lào, thời gian từ tháng 1/1971 - 10/1975 để hưởng chế độ người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học.
Hay nói cách khác, qua xác minh của đoàn thanh tra, bà Cao Thị Cầm không hề đi thanh niên xung phong. Qua đó cũng khẳng định bà Cao Thị Cầm tiếp tục khai có đi dân công hỏa tuyến 1 năm, từ tháng 2/1972 đến tháng 2/1973, nhưng không rõ địa bàn và qua điều tra bà Cầm không có giấy tờ gốc để chứng minh điều đó. Hồ sơ một lần nữa kết luận bà Cao Thị Cầm không đủ điều kiện hưởng chế độ hóa học.
Tiếp đó, tại Văn bản số 1332/SLĐTBXH-TT, Sở LĐTB&XH gửi bà Cao Thị Vinh (người có đơn tố cáo), lại ghi từ tháng 2/1972 đến tháng 2/1973 bà Cao Thị Cầm đi dân công hỏa tuyến tại Đường 9 Quảng Trị. Nhưng ở đây, bà Cầm đã ghi rõ địa bàn nhưng lại chưa có hồ sơ gốc chứng minh. Dù khá mơ hồ vì thiếu giấy tờ chứng minh nhưng Sở LĐTB&XH vẫn “châm trước” cho đối tượng này tiếp tục được hưởng lại chế độ hóa học nhờ vào cơ sở chung chung là “bà Cầm đã bổ sung giấy tờ thể hiện bà tham gia 1 năm dân công hỏa tuyến” (ghi trong văn bản trả lời bà Cao Thị Vinh).
Như vậy, trong toàn bộ hồ sơ của bà Cao Thị Cầm đã phát hiện khá nhiều sai sót. Và cá nhân bà Cầm cũng thừa nhận điều đó. Đáng nói, tuy kết luận đã chỉ ra những sai phạm trong hồ sơ của bà Cao Thị Cầm rất rõ ràng nhưng ngay sau đó Sở LĐTB&XH có hàng loạt văn bản, như kiểu “hàn lại vết nứt”. Để rồi đối tượng man khai vẫn tiếp tục được hưởng lại các chế độ.
Bà Cao Thị Vinh bức xúc: “Lật lên lật xuống, xem đi xét lại rồi cuối cùng chuyện vẫn đâu vào đó, khác nào Sở LĐTB&XH Quảng Bình đang cố tạo ra “một hiện trường giả” để giảm hết mức thiệt hại cho người đã cố tình khai man hồ sơ. Tôi đã đệ đơn yêu cầu Sở trả lời công khai điều kiện được hưởng lại của bà Cầm. Cái chúng tôi cần là căn cứ nào, hồ sơ nào để bà Cầm được hưởng lại, cần công khai ra để chúng tôi được mãn nguyện, chứ không phải chỉ một câu trả lời đã có đầy đủ hồ sơ mà cho hưởng lại kiểu sơ sài như vậy”.
Được biết, khi có kết luận của thanh tra Sở LĐTB&XH Quảng Bình về nội dung tố cáo là hoàn toàn đúng sự việc. Bà Cao Thị Cầm sau đó đã bị thu hồi Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, đồng thời giảm trợ cấp mất sức lao động hàng tháng là (6%) do man khai thêm 6 tuổi đời từ 16 đến 22 năm (tăng 6 năm). Về vấn đề này có rất nhiều ý kiến cho rằng nếu xét sâu sát thì bà Cầm không đủ thời gian để hưởng mất sức vì chưa đủ năm công tác, theo Nghị định 236-HĐBT ngày 18/9/1985.
Thật vậy, nếu đã có kết luận rõ ràng của thanh tra Sở là bà Cao Thị Cầm sinh ngày 02/5/1955, tại sao ở Văn bản số 47/PTL-CĐHH lại ghi bà Cao Thị Cầm sinh năm 1949, lấy đó làm cơ sở để cho bà Cầm hưởng lại chế độ nhiễm chất độc hóa học, đã có quyết định thu hồi trước đó. Như đã nói bà Cao Thị Sâm (chị ruột bà Cao Thị Cầm - PV), sinh ngày 10/5/1950. Nếu bà Cầm sinh năm 1948, vậy khác nào bà Cầm “bỗng nhiên” được “phù phép” lên làm chị, còn bà Cao Thị Sâm thì lại xuống làm “em gái”.
Về vấn đề này ông Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc Sở LĐTB&XH Quảng Bình cho biết: “Hưởng lại hay không hưởng lại, bây giờ án tại hồ sơ, bà Cầm đã trình ra được hồ sơ rồi thì phải chấp nhận thôi, làm sao được. Bây giờ ví dụ như, anh sinh năm 1980 mà trong giấy tờ anh sinh năm 1981 thì đương nhiên chúng tôi phải nói anh sinh năm 1981, chứ không thể nói 1980 được...”.