Không đến trường - được và mất ?

Hai anh em Đặng Thái Anh (SN 2003) và Đặng Nhật Anh (SN 1998) ở quận Tân Bình (TP.HCM) được bố mẹ cho nghỉ học ở trường để ở nhà tự học (home-schooling). Ảnh minh họa
Hai anh em Đặng Thái Anh (SN 2003) và Đặng Nhật Anh (SN 1998) ở quận Tân Bình (TP.HCM) được bố mẹ cho nghỉ học ở trường để ở nhà tự học (home-schooling). Ảnh minh họa
(PLO) - Câu chuyện hai anh em Đặng Thái Anh (SN 2003) và Đặng Nhật Anh (SN 1998) ở quận Tân Bình (TP.HCM) được bố mẹ cho nghỉ học ở trường để ở nhà tự học (home-schooling) và đạt được những kết quả cao bất ngờ đang khiến nhiều ông bố bà mẹ suy nghĩ về việc đầu tư cho con học như thế nào cho thực sự đúng hướng, hiệu quả. Những tranh cãi về xu hướng giáo dục này đã “nóng” lên suốt tuần qua…

Không để con phải chịu… áp lực?

Đó là câu chuyện của gia đình anh Đặng Quốc Anh, chị Lê Thị Thanh (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) cùng 2 con trai là Đặng Thái Anh (sinh năm 2003) và Đặng Nhật Anh (sinh năm 1998). Con trai lớn của anh chị đã được cho nghỉ học ở trường từ năm 2014, sau đó là con trai nhỏ. Lý do anh chị đưa ra quyết định này là thấy con quá mệt mỏi với việc học ở trường lớp.

Chia sẻ với báo chí, chị Thanh cho biết, các con chị từng gặp những bất công khi học ở trường. Con trai lớn vì không thuộc bài đã từng bị cô giáo bắt phạt cùng 20 bạn khác đứng trước cửa phòng giám hiệu để học. Con trai nhỏ thì thường được “đặc cách” gọi truy bài và có lần được giao 10 trang bài tập về nhà, làm không hết sẽ bị phạt ngồi xuống đứng lên.

Cũng là giáo viên nên vợ chồng chị Thanh cho rằng, cách giáo dục như vậy là không hiệu quả. Hơn nữa, anh chị cũng nhận thấy chương trình học của các con còn nặng nề, quá tải, nhiều phần thừa thãi không cần thiết trong khi việc dạy kỹ năng chưa được chú trọng. Quyết định cho các con học ở nhà, anh Quốc Anh đã phải nghỉ việc để chuyên tâm dạy con. Cuối năm 2016, cậu con trai út Thái Anh thi IELTS đạt 8.5 khi chưa tròn 13 tuổi; anh cả Nhật Anh IELTS đạt 8.0 năm 2015. Từ tháng 2/2017, Thái Anh nhập học lớp 9 tại một trường quốc tế trên địa bàn TP.HCM. Dự kiến Nhật Anh thi lấy chứng chỉ quốc tế IGCSE vào tháng 5/2017, nếu đậu gia đình sẽ cho cháu du học ở một nước có nền giáo dục tiên tiến.

Song vợ chồng anh Quốc Anh cũng thừa nhận, kết quả này của các con là sự đánh đổi rất to lớn về cả công sức, nguồn lực, tiền bạc, thời gian... của cả gia đình.

Nhiều gia đình khác cũng từng chấp nhận đi vào con đường đầy khó khăn đó khi quyết định cho con bỏ học. Gia đình anh Trần Phương Khánh (khu đô thị Ecopark, Văn Giang, Hưng Yên) cũng là một trong số đó. Anh Khánh chia sẻ, khi quyết định cho 2 con nghỉ học, người thân và bạn bè đã nhìn vợ chồng anh với ánh mắt ái ngại. Họ cho rằng chúng tôi gàn dở, đang hủy hoại tương lai và cuộc sống của các con. Tuy nhiên tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng đó là một lựa chọn có... mồ hôi và cả nước mắt. Hiện, con gái lớn của anh Khánh đã đi du học tại Anh sau 4 năm tự học tại nhà. Con trai nhỏ hết tiểu học cũng được cho nghỉ học. Người dạy con ở nhà là vợ anh, một giáo viên chuyên ngữ.

Có mạo hiểm?

Tháng 12.2014, trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Giáp Văn Dương, người sáng lập trường trực tuyến GiapSchool, nêu câu hỏi: “Homeschooling có được chấp nhận ở Việt Nam không?”. Nhiều phụ huynh cho biết đang xem xét phương pháp này và sẵn sàng cho con học tại nhà.

Bàn luận trên Facebook, tất cả những ý kiến lo ngại chủ yếu xoay quanh 2 vấn đề: môi trường học, sự tiếp xúc với bạn bè của con và sự công nhận pháp lý khi con trở lại trường học hoặc học ở bậc cao hơn.

Một phụ huynh có nick Tô-Mô-Ê đang cho con học tại nhà nêu ý kiến: “Quả thật trước đây mình cũng rất lo ngại về việc dạy con ở nhà nhưng sau khi tìm hiểu kỹ thì thấy những rủi ro không nhiều và ở mức chấp nhận được. Còn lợi ích của nó thì cũng rất nhiều. Có nhiều ý kiến lo ngại là trẻ học ở nhà sẽ khó hòa nhập cộng đồng, nhưng nếu mình dành thời gian đưa con tham gia các hoạt động với những đứa trẻ cũng học kiểu này sẽ không đến nỗi. Còn thời gian ban ngày thì mình cố gắng sắp xếp sao cho có thể chơi với con hoặc đưa con đi cùng mình khi gặp gỡ bạn bè, khách hàng, thậm chí là làm việc... Phụ huynh này cũng cho biết trong hoàn cảnh Việt Nam, học ở nhà sẽ có quá nhiều phần mạo hiểm như vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, ví dụ làm sao để con học hoàn toàn ở nhà mà vẫn có thể được dự thi và nhận được chứng chỉ tốt nghiệp. Kế đến là về việc giảng dạy. Cha mẹ không thể dạy cho con hết tất cả toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa… hay khó tạo ra môi trường để học tiếng Anh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường Lương Thế Vinh chia sẻ: “Ở Việt Nam, đa số bố mẹ Việt đều bận đi làm kinh tế. Nếu muốn cho con ở nhà học, bố mẹ phải thực sự hiểu về chương trình đào tạo và bản thân bố mẹ cũng phải có trình độ thực sự để thường xuyên kiểm tra năng lực của con. Còn việc, gia đình ở TP. HCM có bố/mẹ nghỉ làm để ở nhà dạy con là điều rất hiếm và ít gia đình có thể làm được vì thế cho đến nay ở nước ta vẫn chưa có một con số chính thức nào về việc áp dụng phương pháp home-schooling cho con.

Bố mẹ có thực sự đủ năng lực để dạy và kiểm tra con không đó là điều khó nói, việc tạo cho con một hệ thống kiến thức toàn diện không phải phụ huynh nào cũng làm được. Bởi lẽ, làm gì có ai giỏi tất cả các môn, có thể giỏi môn tự nhiên nhưng còn môn xã hội thì sao? Đó là chưa kể việc áp dụng mô hình home-schooling sẽ hạn chế con việc tiếp xúc với xã hội bên ngoài, rèn cho con tính kỷ luật và chịu trách nhiệm với tập thể. Mô hình home-schooling không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng dễ làm hỏng các con. Tôi không ủng hộ mô hình học này. Nếu là tôi, tôi sẽ không cho các con học tại nhà”.

Không chỉ là học…chữ

Là một diễn giả và là người mẹ của hai cô con gái đang độ tuổi đi học, nhà báo Thu Hà (TP.Hồ Chí Minh) cho biết có nhiều người đã cho con homeschooling thành công, nhưng nỗ lực họ đã bỏ ra thì nhiều khủng khiếp, “nhiều tới mức mà tôi nghĩ là với sức đó, nếu họ cho con đi học ở trường thì con họ cũng ngon lành chả kém!”. Đi kèm với đó là rất nhiều vất vả và khó khăn mà phụ huynh không kể ra.

Đứng trên quan điểm của một vị phụ huynh, nhà báo Thu Hà bày tỏ quan điểm: “Chúng ta không thể tìm đâu trên thế giới này một trường học mà không bao giờ gây cho con mình tổn thương. Ở Mỹ cũng có học sinh tự tử, ở Nhật cũng đầy học sinh trầm cảm. Hãy thực tế! Ta không thể dạy các giáo viên. Ta chỉ có thể dạy con mình. Ta chỉ có thể thay đổi chính mình. Và chẳng có ai bảo vệ con mình tốt bằng nội lực của chính nó”. 

Chị chia sẻ, “Trong các buổi tọa đàm cũng gặp những phụ huynh tuyên bố sẽ homeshooling cho con với nhiều bức xúc. Tôi đã trả lời rằng tới trường không chỉ là kiến thức, mà trường học còn cho mình những người bạn (và cả mâu thuẫn!). Cuộc đời tôi bây giờ được như thế này, cũng nhờ tôi có những người bạn học rất tốt. Ngay cả ĐH Harvard, họ cũng từng được nhận xét rằng, không phải là kiến thức, các công trình nghiên cứu, hay giải Nobel..., mà mạng lưới bạn bè sinh viên mới là điều nặng ký trong học phí của họ. Harvard cũng có cái nghiên cứu dài hơi suốt 75 năm trên 724 người, rằng: không phải tiền bạc, mà các mối quan hệ mới làm chúng ta hạnh phúc nhất!.

Trong việc dạy con không có con đường tắt, không có cách nào nhàn nhã. Không có con đường nào tới thành công mà có thể đi bằng thang máy được. Tôi không chọn homeschool vì tôi cảm thấy rằng ngay cả những bất công ở trường học cũng rất hoàn hảo để cho con trưởng thành. Sau này đi làm con còn gặp nhiều chuyện bất công hơn như thế nữa. Con cần bị giáo viên la mắng bởi vì ngày sau ngoài đời không thể tránh khỏi những lúc con gặp phải những người rất dễ nổi nóng, dù không phải lỗi của con! Con cần bị giáo viên “đì” bởi đời là vậy, không có xã hội nào không có những bất công! Con cần bị lừa, bởi vì sau này chắc chắn trong cuộc sống con sẽ gặp những kẻ lừa dối! Con cũng cần thử nếm 1 chút bạo lực học đường, thậm chí có thể bị bạn đánh hoặc bạn tẩy chay... để con hiểu cảm giác đó, con biết tránh cho mình sau này, hoặc đừng xài với người khác! Con cần bị phạt đứng ngoài hành lang, bởi sau này ra đời khi con làm sai so với cam kết, con có thể bị phạt hàng tỷ đồng, có thể mất hết sản nghiệp!

Con cần biết những típ người khác với mẹ và anh em trong nhà, bởi vì người khác biệt người là bình thường. Và sau này chắc chắn con phải làm việc và sống cùng người khác. Không có máy móc gì khó sử dụng bằng con người! Do đó việc con cần học tập nhất để sống giữa đời này, không phải là toán hay ngoại ngữ, mà là con cần hiểu thêm về chính mình và con người, con cần học thích nghi, con cần nhìn thấy những phiên bản khác của chính mình khi đối diện với người khác..”

Có thể nói, quan điểm của chị Thu Hà cũng là ý kiến của nhiều người khi cho rằng, hãy để trẻ nhỏ được lớn lên tự nhiên, không phải cứ nhốt các em trong lồng kính, dù chỉ để học và rèn luyện kiến thức cho tốt. Nhưng sự đa chiều, thầy cô, trường lớp và những người bạn, chẳng thể thiếu được trong sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ. Chẳng phải chúng ta đang lo lắng về sự đơn độc, tự kỉ hay những đứa trẻ không bao giờ lớn khi trẻ quá được bảo bọc là điều đang hiện diện trong cuộc sống hiện nay...

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...