Ngày 31/ 3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo phổ biến Nghị định số 10/2015/NĐ – CP ngày 28/ 1 /2015 về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo…
“Giấy tờ tư pháp ở đây là gì?”
Hiện tại, có ba cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM. Nhưng tính tới thời điểm hiện tại thì chưa bệnh viện nào bắt tay thực hiện kỹ thuật này dù đã có nhiều cặp vợ chồng nộp hồ sơ. Nguyên nhân là do vướng… luật.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện duy nhất ở phía Nam được phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cho biết, hiện nay bệnh viện đã thành lập được hội đồng khoa học, đưa ra quy trình cơ bản và chỉ định các trường hợp mang thai hộ cụ thể (như vợ không có tử cung, sảy thai nhiều lần, mắc các bệnh lý như suy tim, suy thận…) để thẩm định các hồ sơ liên quan đến mang thai hộ. Theo đó, các trường hợp mang thai hộ sẽ trải qua các bước cơ bản như được sàng lọc, hướng dẫn tư vấn làm hồ sơ. Sau đó các hồ sơ sẽ được bệnh viện hội chẩn, kiểm tra về mặt pháp lý rồi mới tiến hành kỹ thuật mang thai hộ nếu đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, bác sĩ Tuyết cũng bày tỏ lo lắng vì cái khó không nằm ở phương diện kỹ thuật mà là do thủ tục pháp lý. “Chúng tôi gặp rất nhiều vướng mắc trong quá trình thẩm định hồ sơ. Cụ thể là, quy định người mang thai hộ phải cùng họ hàng, thân thích. Vậy ai xác nhận? Luật cũng yêu cầu mang thai hộ phải có đầy đủ giấy tờ về tư pháp. Vậy giấy tờ tư pháp ở đây là gì? Chúng tôi đã gửi công văn qua Sở Tư Pháp TP.HCM hỏi nhưng tới nay vẫn chưa nhận được câu trả lời” - bác sĩ Tuyết nêu trăn trở.
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp giải thích: “ Cơ quan hành chính ở địa phương người mang thai hộ sẽ có trách nhiệm xác nhận họ có phải là người thân, cùng họ hàng với người nhờ mang thai hộ. Theo đó, trường hợp muốn thực hiện kỹ thuật mang thai hộ thì vợ chồng và người mang thai hộ phải có đủ các giấy tờ xác nhận đóng dấu đỏ của UBND phường, xã nơi mình cư trú. Nếu cơ quan hành chính ở địa phương cấp sai thông tin thì trách nhiệm thuộc về họ chứ không phải thuộc về bệnh viện”.
Nhiều vướng mắc khác không thấy quy định rõ ràng trong luật như chỉ thực hiện mang thai hộ cho người Việt Nam hoặc Việt kiều, còn người nước ngoài thì sao? Luật quy định phôi phải tạo ra từ noãn và tinh trùng của hai vợ chồng nhưng có trường hợp người phụ nữ không có buồng trứng không có con được, muốn nhờ mang thai hộ được không... cũng được các bác sĩ nêu ra tại hội nghị.
Trả lời vấn đề này, TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế giải thích: “Không có luật nào tuyệt đối được, khi áp dụng vào thực tiễn sẽ chỉnh sửa những điều không hợp lý. Còn hiện tại thì cứ theo quy định mà làm”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Vì sao muốn nhờ mang thai hộ phải không có con chung?
Vấn đề được nhiều người quan tâm và gây tranh cãi nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định một trong những điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là vợ chồng đang không có con chung. Điều này có nghĩa là ngay khi họ có con nhưng con bị bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh nên muốn sinh thêm đứa nữa thì vẫn không thể nhờ mang thai hộ. Trong khi xét về tình thì được nhờ mang thai hộ trong trường hợp này rất chính đáng, nhân văn.
Trước chất vấn về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hải giải thích chi tiết: “Ở đây chúng tôi quan tâm về quyền con người, đặc biệt là quyền lợi đứa con vì trong hoàn cảnh này mà cho mang thai hộ sẽ đồng nghĩa với việc không thừa nhận đứa trẻ này là người bình thường, gạt bé ra “bên lề”, vô tình gây ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Một đứa trẻ sinh ra dù bị dị tật thì cũng là con của cha, của mẹ, cần được bảo vệ, chăm sóc chu đáo”.
Đa số các đại biểu có mặt trong buổi hội thảo đều có suy nghĩ mang thai hộ mang tính nhân văn, phù hợp lòng người. Tuy nhiên, họ cũng bày tỏ những cái “khó”, phức tạp của luật. Trước lo ngại này, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến thẳng thắn nói: “Đây là quy định nhân văn nhằm đáp ứng “quyền có con” của các cặp vợ chồng nên trong thực tế triển khai nếu như quy định khó khăn quá thì Bộ Y tế sẽ bàn bạc với các bộ, ngành có liên quan để sửa chữa các quy định theo hướng khả thi hơn”.