Từ vài năm trước, TS giáo dục Đàm Quang Minh cho rằng hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam đa phần học hết bậc phổ thông ở độ tuổi 18 và chưa thể làm được việc gì theo hướng nghề nghiệp. Sau đó mất 4 năm đại học hoặc 2-3 năm theo các hệ nghề nghiệp.
Việc không được phân luồng đã khiến cả xã hội đi theo một hướng chật chội. Từ đó dẫn tới việc sinh viên ra trường vẫn thiếu việc làm, trong khi đó nhiều ngành công nghiệp lại không đủ người đáp ứng. Cộng thêm với việc các gia đình ngày nay đủ điều kiện hỗ trợ nhiều hơn cho con cái và các bạn trẻ cũng dựa dẫm gia đình nhiều hơn. Với đà phát triển như vậy, đang có nguy cơ hình thành một tầng lớp “người lớn” chưa trưởng thành, tức là lớn về mặt sinh học, nhưng không đủ kỹ năng để tự sống và lo cho người khác, biến bản thân mình thành một nỗi lo cho phụ huynh và xã hội.
Ở góc độ cụ thể hơn, TS tâm lý giáo dục Vũ Thu Hương cũng bày tỏ quan điểm của mình trên trang cá nhân về điều này: “Mình đã đọc những bài báo phỏng vấn những bạn thành công và thấy vài chi tiết có vẻ như nhỏ xíu nhưng lại rất nguy hiểm, dạng như: em chơi game ngày mấy tiếng nên giờ em được huy chương vàng, em học rất lười đâu có học nhiều... Những tấm gương vượt khó giờ cũng không thấy xuất hiện mấy nữa. Dường như chẳng còn ai quan tâm đến các quá trình hình thành những phẩm chất này nữa. Chỉ cần kết quả cao là được. Trẻ ở nhà đến trường, ra ngoài, chẳng được làm gì vì cha mẹ làm ... cho nhanh. Tính thực dụng đã làm mất đi biết bao cơ hội học hỏi của trẻ. Nếu trẻ gặp tí khó khăn thì cha mẹ lao ra xin xỏ, xử lý. Trẻ chẳng còn cơ hội suy nghĩ, tìm cách giải quyết vấn đề nữa. Chẳng có khả năng vượt khó, trẻ như bị chặt chân, chặt tay đi”.
Tính thực dụng còn len vào khắp hang cùng ngõ hẻm của giáo dục khi xuất hiện các cơ sở ngoài công lập. Nộp một khoản tiền cho nhà trường, các phụ huynh nhanh chóng biến giáo dục thành ngành dịch vụ, biến nhà trường thành nơi phục vụ con mình. Bên cạnh học sinh, các nhà trường giờ đây còn phải chăm sóc, thậm chí phục dịch các phụ huynh. Đã có không ít người soi lỗi giáo viên, chửi bới nhà trường, hoạnh họe những điều kì quái như: sao cô không xúc cho con tôi ăn, sao cô không thay áo cho nó, sao cô không đưa nó đi vệ sinh ?...
Nhà trường, dù cấp mầm non hay phổ thông thì nhiệm vụ chính của giáo viên vẫn là dạy trẻ. Vậy nhưng giờ đây, các trường mầm non, tiểu học, thậm chí cấp 2, 3 đã trở thành nơi chăm sóc trẻ em toàn phần. Ngày xưa trẻ con trực nhật là bình thường. Ngày nay mà lau bảng tí xíu thì bố mẹ sẽ lao lên trường hỏi: lao công đâu?. Ngày xưa trẻ bị phạt cho nên người chẳng hiếm. Ngày nay, trẻ đứng úp mặt vào tường tí chút thì cô giáo phải làm tường trình cho hiệu trưởng và phụ huynh. Tính thực dụng lan khắp nơi. Trẻ chỉ cần học sao cho điểm cao đỗ đạt là được. Bỏ hết các môn học khác, trẻ chăm chú học duy nhất mấy môn đi thi.
Các bài văn ngô nghê của trẻ cũng bị bỏ hết, thay vào đó là hệ thống văn mẫu để điểm cao. Giáo dục giờ biến tướng thành 1 thứ sản phẩm dịch vụ méo mó, lệch lạc và ra đời là biết bao các cô cử, cậu cử lười biếng, ỉ lại, rồi thất nghiệp tràn lan. Nhiều cha mẹ đã mặc nhiên coi giáo dục là 1 ngành dịch vụ. Vì thế, cảnh các bố mẹ than phiền vì không có máy tính, máy chiếu hay bàn ghế đẹp... chẳng ít đâu. Vậy nhưng, thực tế, lo mấy thứ thiết bị đó hay trang trí phòng ốc xanh đỏ chẳng những làm mất thời gian mà đôi khi còn khiến lũ trẻ không hoạt động được. Giáo dục không phải là dịch vụ. Nếu các bố mẹ còn suy nghĩ nó là ngành dịch vụ cho con trẻ thì còn nhiều các hệ lụy khác như con thiếu tôn trọng cô giáo và nhà trường…
Và thực tế, phải chăng chính lối sống thực dụng, sự ích kỉ, khát khao thành tích của phụ huynh đã đổ lên vai đứa trẻ. Khi mà gia đình nào cũng chằm chặp nhìn ngắm những đứa trẻ của mình như thiên thần, nâng niu, “sẵn nong sẵn né” bởi “số chúng nó sướng rồi cứ để cho chúng sướng”. Với những em học được đã đi một nhẽ, còn những em học kém, mọi việc đã có phụ huynh có điều kiện lo.