Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Trợ lý Tổng Chưởng lý Leslie R.Caldwell bày tỏ vui mừng trước sự phát triển quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ sau 20 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là các cuộc trao đổi đoàn cấp cao trong thời gian gần đây; đánh giá cao mối quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước với ngày càng có nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả, thiết thực, trong đó có các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Kết quả của những hoạt động hợp tác này đã góp phần tạo cơ sở cho sự phát triển ngày càng thực chất trong quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo...
Trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, từ năm 2001 đến nay, hai bên đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác tích cực, hiệu quả thông qua các dự án và chương trình hợp tác về pháp luật và quản trị nhà nước do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Các dự án và chương trình hợp tác này đã đem lại những kết quả thiết thực, hỗ trợ thi hành pháp luật và hội nhập kinh tế, hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện nhiều đạo luật quan trọng của Việt Nam, trong đó có Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
Trợ lý Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, cám ơn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường đã dành thời gian làm việc với Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, khẳng định chuyến công tác của Bộ trưởng là cơ sở cho việc tăng cường quan hệ hợp tác pháp luật giữa hai ngành Tư pháp, đóng góp vào việc tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước.
Tại cuộc gặp, hai bên đã thông tin cho nhau những vấn đề chuyên môn sâu thuộc chức năng quản lý nhà nước của hai Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh trọng trách và kinh nghiệm của Bộ Tư pháp Việt Nam trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp 2013, đặc biệt là khâu rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật dựa trên 3 trụ cột chính: 1) thể chế pháp luật Việt Nam tiếp cận được với nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; 2) tăng cường Nhà nước pháp quyền và 3) tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Với nhiệm vụ nặng nề này, Bộ Tư pháp rất cần tham khảo kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Hai bên nhất trí rằng, với kinh nghiệm đặc biệt chuyên sâu trong tổ chức thực thi pháp luật, phòng chống tội phạm, quản lý hành chính tư pháp..., Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong những lĩnh vực này nhằm trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan tới chức năng quản lý nhà nước của hai Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, hai bên khẳng định, trong thời gian tới Bộ Tư pháp hai nước cần xác định trách nhiệm tích cực phối hợp với các bộ, ngành khác của hai Chính phủ xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý - nền tảng và động lực để hỗ trợ cho việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác trong quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước đang ngày càng phát triển theo hướng thực chất, hiệu quả.
Bên cạnh các công cụ pháp lý quốc tế đa phương mà hai nước đang và sẽ là thành viên (các công ước của Liên Hợp quốc, của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và sắp tới dự kiến sẽ là TPP), Bộ Tư pháp hai nước cần nghiên cứu xây dựng nhiều hơn các công cụ pháp lý quốc tế song phương, trong đó có Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện ủy thác tư pháp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, là cơ sở thúc đẩy các quan hệ về pháp luật, tư pháp ngày càng đi vào thực chất, gắn bó chặt chẽ với đời sống nhân dân hai nước, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, thương mại, dân sự và các lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước.
Trong thời gian trước mắt, hai Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và đề xuất hai Chính phủ xem xét, ký kết Hiệp định Hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết kế và triển khai một cách toàn diện, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả các hoạt động hợp tác cụ thể hàng năm, là nhu cầu và mối quan tâm chung của các cơ quan xây dựng và thực thi pháp luật của hai nước.