Nhưng may mắn là ở đây, các cô hộ lý, y tá được một số cụ già khỏe mạnh giúp đỡ một phần công việc. Không chỉ nhắc nhở các cụ ăn uống, vệ sinh, bằng kinh nghiệm sống của mình, các cụ còn dự báo giúp Trung tâm biết trước cụ nào sẽ qua đời trong mỗi đêm…
Ở bên bạn mỗi khúc cuối của cuộc đời…
Cụ Nguyễn Thị Quảng (90 tuổi) ở trung tâm này đã 12 năm nay. Có lẽ cụ là một trong số ít những người nhiều tuổi nhưng lại minh mẫn và tinh thần phấn khởi nhất ở nơi này. Trên chiếc giường sắt của mình, cụ Quảng luôn dành vị trí nhất định cho một chiếc radio để cập nhật tin tức và nghe ca nhạc mỗi tối.
Hồi còn trẻ, cụ Quảng cũng là người con gái có nhan sắc, bố mẹ mất sớm nên phải làm thuê, làm mướn chăm lo cho 3 đứa em. Khi các em lớn thì đã quá lứa, lỡ thì. Thêm nữa, thấy cuộc sống vất vả quá, không dám lấy chồng nên cụ ở vậy một mình.
Đến khi cụ cao tuổi vẫn thui thủi một mình, anh em, cháu chắt đều ở xa nên địa phương xác minh để cụ được vào trung tâm bảo trợ theo diện chính sách xã hội. Vào đây, cụ coi Trung tâm là nhà, các cụ già khác là anh em bầu bạn. Cụ lấy việc lo lắng, quan tâm đến những cụ già khác ở Trung tâm làm nguồn vui.
Cụ Quảng (bên phải) luôn chăm sóc bà Ngọc như em gái |
Cùng phòng cụ Quảng có bà Ngọc mắc tật nói ngọng rất khó nghe, bà nói gì cũng đều phải nhờ cụ Quảng “phiên dịch” lại mọi người mới hiểu. Nhưng bà Ngọc không lấy thế làm buồn; ở với nhau gần chục năm, hai người họ coi nhau như ruột thịt. Thấy chúng tôi chuyện trò rôm rả, bà Ngọc cũng lên tiếng góp vui “ô inh” (tức cô xinh- NV).
Cụ Quảng đùa “không xinh bằng bà”, bà Ngọc thẹn thò lắc đầu: “ông, ô inh ơn! ị ũn inh ữa” (không, cô xinh hơn. Chị cũng xinh nữa - NV). Nghe bà em nói thế, cụ Quảng cười vui rồi lấy tay gí vào đầu bà em âu yếm bảo: “Biết nịnh lắm ấy, tôi coi bà ấy như em gái mình, có gì cũng chia sẻ cùng. Bà ấy cũng vậy, có người nhà vào thăm, cứ có cái gì cũng chia cho tôi đầu tiên”.
Mấy năm trước cụ Quảng còn tăng gia, chăn nuôi lợn cho Trung tâm, năm nay sang tuổi 90 cụ yếu hẳn nhưng ngày nào cụ cũng quét dọn nơi ở của mình cũng như nơi thờ tự các cụ đã mất. Cụ Quảng còn tham gia ban tang lễ, rằm mồng 1 hương khói, cúng Phật cầu siêu cho các ông, các bà chết mà không có gia đình. Cụ Quảng rơm rớm nước mắt tâm sự: “Xuống phòng thờ thấy lạnh lẽo, thương lắm, thương người lại nghĩ đến thân nên tôi luôn khói nhang, hương nến để họ đỡ cô quạnh phần nào”.
Cụ bảo, 12 năm sống ở Trung tâm, tự tay cụ đã vuốt mắt cho vài bà bạn. Vuốt nhiều đến mức cụ nhận ra rằng, mỗi người trước khi lìa đời đều “phát phiền” bằng cách nào đó, cụ thì kêu ngứa ngáy tay chân và khắp người, cụ thì “yêu sách” này nọ. Từ kinh nghiệm sống của mình, giờ đây cụ Quảng có thể nhận ra dấu hiệu của những người sắp “đi”, báo trước cho các cô hộ lý trực để họ chuẩn bị chu đáo cho người sắp sang thế giới bên kia.
Cụ cho biết: “Ở đây tôi đã vuốt mắt, rửa mặt cho nhiều cụ trước khi chết. Mỗi người một cách khác nhau, luôn khiến tôi nhớ đến vào mỗi buổi đêm. Tôi nhớ bà bạn già lúc sắp mất còn gọi điện về bảo với cháu bà ấy rằng tôi là người bạn thân nhất của bà. Ở đây người mất trong cô quạnh thì nhiều, còn mất có anh em, con cháu thì ít, đếm trên đầu ngón tay”- cụ Quảng buồn rầu cho biết.
Cô văn công tiếng tăm một thời…
Bà Nguyễn Thị Nga (72 tuổi, quê ở Hưng Yên) còn khỏe mạnh nên hay giúp những người cùng cảnh ngộ cùng Trung tâm. Bà Nga luôn được mọi người yêu mến bởi tính chăm chỉ, thương người và luôn biết quan tâm, sẻ chia. Trò chuyện với bà mới biết đó là cô văn công xinh đẹp, hát hay nổi tiếng một thời.
Bà Nga chia sẻ về thời thanh niên sôi nổi của mình |
Bố mất khi bà mới 3 tuổi, mẹ mất sau đó 1 năm, bà ở với ông bà nội đến năm 13 tuổi thì cuộc sống khó khăn quá, bà tự ra đi lập nghiệp. Ban đầu bà ra Hà Nội ở cùng với người cậu, ngay bên hông Nhà hát Kim Chung – Kim Phụng thời xưa. Mỗi lần nhòm trộm các văn nghệ sĩ biểu diễn, về nhà bà lại học lại từng lời, ca lại từng chữ, bắt chước từng động tác. Khi Đoàn văn công Bắc Giang ra Hà Nội tuyển người, bà trúng tuyển, theo đoàn về Bắc Giang sinh sống và lưu diễn.
Ở Bắc Giang được 7 năm thì mọi người khuyên bà nên về các đoàn văn công lớn mới có đất phát triển tài năng. Bà quyết định thi vào Đoàn văn công Hà Nội và chính thức bắt đầu làm việc cho Đoàn từ năm 1964, đến năm 1994 thì nghỉ hưu. Dáng dấp nhỏ nên bà thường đóng vai trẻ con, bà nhớ rất nhiều vai diễn của mình nhưng ấn tượng nhất là vai cô liên lạc nhí của vở kịch “Nắng tháng Tám”. Liên tục đóng vai trẻ con trong khoảng 25 năm làm nghề, sau đó thấy mình đã già cả, bà dừng lại, nhường vai cho lớp trẻ, còn mình thì lặng lẽ chuẩn bị cho những tháng ngày nghỉ ngơi an nhàn.
Khi về hưu, bà Nga mới thảng thốt nhận ra suốt quãng đời tuổi trẻ say nghề đến mức quên cả hạnh phúc riêng tư, giờ về già không có chồng con, không có gia đình làm chỗ dựa. Cuối cùng, bà quyết định làm đơn xin vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, đến nay đã được 9 năm. Mọi người ở Trung tâm, từ Giám đốc đến nhân viên y tế và các bà, các cụ đồng cảnh ngộ, bà đều coi như người nhà.
Ai cũng quý bà, đặc biệt là các cô hộ lý, vì bà chịu khó giúp đỡ các cô những việc mà không ai muốn làm như: thu dọn “chiến trường” mỗi khi các cô thay bỉm, tã cho người già, xong việc ở khu y tế lại ra sân, cùng các cụ dọn dẹp sân sạch sẽ rồi vào bếp giúp mọi người nấu nướng, sau đó lại chuẩn bị lấy cơm giúp các cụ già yếu, phải ở trong phòng.
Quan niệm của bà là hòa đồng, chung sống với tất cả mọi người ở Trung tâm, ai cũng như ai, giúp được ai là giúp, không ngần ngại so đo, tính toán. Số tiền lương bà nhận được, một phần bà đóng cho Trung tâm, phần còn lại bà giúp những hoàn cảnh khó khăn trong Trung tâm hoặc giúp trẻ con có những ngày lễ, tết vui vẻ như góp kinh phí tổ chức Tết Hàn thực (mùng 3/3 âm lịch) hay Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch) cho trẻ con.
Tết nào bà cũng mừng tuổi đủ cho khoảng 80-90 đứa trẻ trong Trung tâm. Còn lại thi thoảng biếu cụ nọ, cụ kia, mỗi người vài chục ngàn đồng để họ thích gì có thể mua được.
Nhắc lại thời thanh niên sôi nổi, giọng bà liên tục nghẹn lại vì xúc động. Một thời tiếng hát của bà, giọng nói của bà vang trên sân khấu mỗi tuần. Nhưng giờ đây, mỗi buổi giao lưu văn nghệ hoặc có chuyến thăm từ thiện của đoàn nào đó, bà muốn tham gia góp vui cũng không được vì bà bị viêm họng hạt mãn tính.
Nhắc lại thời thanh niên, bà lại nhớ mối tình đầu nhưng sâu đậm của bà với một sinh viên miền Nam tập kết ra Bắc. Hai người gắn bó, quyến luyến nhau vài năm nhưng sau đó người bạn của bà đi đặc công lính dù, chiến đấu ở chiến trường ấp T6. Bà vừa đi diễn vừa ngóng tin, đến khi nhận được thông tin có giấy báo tử thì con tim bà cũng đi theo người thanh niên ấy luôn. Và bà ở vậy đến bây giờ…