Bạch tộc tam đạo trà
Việc uống trà được cho là bắt đầu ở vùng Vân Nam của Trung Quốc - nơi nó được sử dụng vào mục đích y học từ rất sớm. Trong khi ở Tứ Xuyên, người ta đun sôi lá trà để uống mà không cần thêm bất kỳ loại lá hay thảo mộc nào khác. Truyền thuyết cho rằng Thần Nông đã phát minh ra trà vào năm 2737 trước Công nguyên dù có những bằng chứng cho thấy việc uống trà có thể đã được bắt đầu từ khu vực Tứ Xuyên hoặc Vân Nam.
Dân tộc Bạch ở vùng Vân Nam có tập tục gọi là “Bạch tộc tam đạo trà”, tức là sau một tiết mục hát, múa truyền thống là một tuần trà mời khách.
Chén trà đầu (hay tuần trà thứ nhất) có vị thật đắng biểu trưng nỗi cay đắng, gian khổ trong cuộc sống; chén trà thứ hai lại thật ngọt tượng trưng cho thành công và hạnh phúc; chén trà thứ ba không đắng, không ngọt được gọi là chén trà “hồi quy” để hồi tưởng lại những gian khổ, vất vả cũng như hạnh phúc trong cuộc đời.
Cách pha trà của họ cũng rất đặc trưng, lá trà non được hơ trên ngọn lửa cho đến khi biến thành màu vàng và tỏa hương thơm mới được cho vào ấm, pha nước sôi để thật lâu cho ngấm trà, khi lá trà chìm hết mới rót ra thưởng thức. Khi uống trà họ còn lấy lá trà ra nhâm nhi, nếu thiếu điều này coi như vô lễ với khách.
Bằng chứng sớm nhất được biết đến về trà được phát hiện vào năm 2016 trong lăng mộ của Hoàng đế Cảnh Hán ở Tây An, cho thấy rằng trà từ chi Camellia đã được các hoàng đế triều Hán uống vào đầu thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên.
Trà Phổ Nhĩ là đặc sản xuất xứ từ Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). |
Trong một ghi chép y học của Hoa Đà có niên đại vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên cũng có nói rằng “uống trà đắng liên tục khiến người ta suy nghĩ minh mẫn hơn”. Tuy nhiên, trước giữa thế kỷ thứ 8, việc uống trà chủ yếu là phong tục miền Nam Trung Quốc trong khi thức uống chính ở miền bắc nước này là sữa chua. Trà khi đó bị các quý tộc ở phương Bắc coi thường, mô tả như một “thức uống của nô lệ”.
Vào thời nhà Đường, trà được hấp, sau đó được giã nhỏ và tạo hình thành dạng bánh. Trong khi đó, thời nhà Tống, trà lá được phát triển và trở nên phổ biến. Trong triều đại nhà Nguyên và nhà Minh, lá trà không bị oxy hóa lần đầu tiên được chiên trên chảo, sau đó cuộn và sấy khô giúp trà giữ được màu xanh. Vào thế kỷ 15, trà ô long đã được phát triển. Trà vàng là một khám phá tình cờ trong quá trình sản xuất trà xanh vào triều đại nhà Minh.
Nhiều cây trà hiện có, được cho là hơn 1.000 năm tuổi vẫn khỏe mạnh và tạo ra một loại trà rất dễ uống. Sở dĩ cây trà phát triển mạnh là do khu vực nam Vân Nam có nhiều ngọn núi cao, lên tới 2.000-3.000 m. Độ cao trung bình của những ngọn núi ở đây là từ 1.000-2.000 m. Đất đai màu mỡ và thời tiết ấm áp, khí hậu hoàn hảo cho cây chè rất khỏe mạnh.
Vân Nam còn được gọi là vùng đất của bốn mùa xuân, có nghĩa là tất cả các mùa dường như là mùa xuân. Thành phố chính ở Vân Nam là Côn Minh có nghĩa là Thành phố mùa xuân. Tên cũ của tỉnh là Tian - tên của một trong những hồ nổi tiếng, cũng có nghĩa là thiên đường.
Một bậc thầy về trà từng cho rằng Vườn Địa Đàng, theo Kinh Thánh, thực sự nằm ở Vân Nam. Tứ Xuyên và Vân Nam được cho là những vùng sản xuất trà đầu tiên trên thế giới. Ghi chép đầu tiên về việc trồng trà trên thế giới cho rằng trà được trồng trên núi Mengding của Tứ Xuyên, nằm ở giữa Thành Đô và Nhã An trước năm 65 trước Công nguyên. Cho đến thế kỷ 20, Nhã An vẫn là một trung tâm buôn bán trà quan trọng.
Vó ngựa trên tuyết sơn
Trong khi đó, ở Tây Tạng, người dân không trồng được trà và ban đầu cũng không biết đến thứ này. Thay vào đó, vùng đất rộng lớn này lại có một thứ “đặc sản” mà ở Vân Nam không có, đó chính là những chú ngựa được nuôi trên những cánh đồng bao la, được ngày đêm thỏa sức tung vó trên thảo nguyên bao la nên có sức khỏe và thể lực vượt trội.
Theo các ghi chép, người Tây Tạng rất thích ngựa. Ở đây, người dân thờ cúng Thần ngựa Hayagriva. Tín ngưỡng thờ Thần ngựa xuất phát một phần do lối sống du mục của người Tây Tạng khiến cho ngựa là một thứ quan trọng không thể thiếu trong sinh hoạt thường nhật của họ.
Phần đông người Tây Tạng sùng bái vị thần này bởi họ tin rằng, ông luôn dùng tiếng hí vang trời để đe dọa và xua đuổi ma quỷ. Khi giáng thế cứu người, Hayagriva cũng hí vang, báo hiệu cho mọi người biết.
Quan niệm của người Tây Tạng cho rằng, khi được người dân thỉnh, Thần ngựa Hayagriva sẽ báo hiệu việc giáng lâm của ngài bằng tiếng hí, đó là lý do Thần Hayagriva có dấu hiệu đặc trưng là cái đầu ngựa trên đỉnh đầu. Đó là lý do vì sao nó thường xuất hiện với hình người đầu ngựa. Tiếng hí của Hayagriva có khả năng xuyên thủng xuyên không, đem lại ánh sáng của tự do.
Người Tây Tạng cả người giàu lẫn người nông dân đều thích ngựa. Xưa kia, ngựa Tây Tạng được gửi làm quà tặng cho hoàng đế Trung Quốc, đặc biệt là trong các triều đại nhà Minh và nhà Đường. Do đặc trưng phải sống ở vùng đất cao, lạnh giá và gồ ghề nên những chú ngựa Tây Tạng có thể lực rất tốt.
Qua hàng ngàn năm, những con ngựa tốt nhất ở Tây Tạng được gọi là các Nangchen. Chúng là giống ngựa nhỏ người, chỉ to hơn những chú ngựa con một chút nhưng cứng cáp, thiện chiến. Những chú ngựa này mạnh mẽ và nhanh nhẹn, được cho là có nhiều đặc điểm của một loài ngựa đua hiện đại. Ngoài ra, ngựa Nangchen còn mang nhiều đặc điểm độc đáo, bao gồm phần phổi nở nang giúp chúng có khả năng thích nghi với tình trạng thiếu oxy khi sống trên độ cao rất lớn của khu vực.
Vào triều đại nhà Tống, những con ngựa cứng cáp rất quan trọng đối với Trung Quốc nhằm chống lại những người du mục ở phía bắc. Và Nangchen chính là dòng ngựa mơ ước của họ. Nhu cầu của 2 bên nhanh chóng gặp nhau, trà và ngựa trở thành sản phẩm để trao đổi phổ biến giữa người Trung Quốc và Tây Tạng.
Để phục vụ cho nhu cầu trao đổi trà lấy ngựa giữa Vân Nam, Tứ Xuyên và Tây Tạng mà những con đường đã dần được hình thành, trong đó Trà mã cổ đạo là nổi tiếng nhất. Từ khoảng 1.000 năm trước, đây là tuyến đường nối thương mại từ Vân Nam đến Bengal qua Myanmar, đến Tây Tạng; và đến miền Trung Trung Quốc qua tỉnh Tứ Xuyên.
Với gần 60kg trà gạch, người Trung Quốc sẽ nhận được một con ngựa. Đó là mức phí do Cơ quan Chè và Ngựa Tứ Xuyên đưa ra năm 1074. Vào thế kỷ 13, Trung Quốc đã đổi hàng triệu cân trà lấy khoảng 25.000 con ngựa mỗi năm. Việc đổi trà lấy ngựa tiếp tục diễn ra trong suốt triều đại nhà Minh (1368-1644) và vào giữa triều đại nhà Thanh (1645-1912).
Khi nhu cầu về ngựa của Trung Quốc bắt đầu suy yếu vào thế kỷ 18, trà được trao đổi để lấy các loại hàng hóa khác như da từ vùng đồng bằng cao, len, vàng bạc và quan trọng nhất là các loại thuốc truyền thống của Trung Quốc phát triển mạnh ở Tây Tạng.
(Đón đọc kỳ tới: Những mã phu đầu đội trà chân treo vách đá)