Cả làng trống dong, cờ mở nô nức đón lễ hội
Cụ Ngô Tuyên Tương- Phó Ban Quản lý đền Sái cho hay, lễ hội được tổ chức từ 11- 13 tháng Giêng hàng năm. Tích xưa truyền lại, khi An Dương Vương xây thành, Ngài được các tiên nữ đêm đêm xuống trần giúp đỡ. Mỗi đêm, thần ma gà - con gà trống trắng sống nghìn năm đã thành tinh- ngụ ở vùng đất ấy đều giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô hoảng hốt, bay về trời. Thành đắp mãi chưa xong. Huyền Thiên Trấn Vũ sai Sứ Thanh Giang (Thần Kim Quy) đến giúp vua. Thần Kim Quy ra tay diệt ma gà trắng, chẳng bao lâu thì thành Cổ Loa xây xong. Sau đó, vua An Dương Vương cho xây dựng đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ ở núi Sái, một hòn của Thất Diệu -bảy ngọn núi linh thiêng, hằng năm thường về đây lễ tạ.
Sau vài năm, thấy việc đi lại làm hao phí tiền bạc, công sức của nhân dân nên Vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả. Hàng năm, lễ rước "vua sống" lại diễn ra vào ngày 11/1 âm lịch.
Khi An Dương Vương mất, dân làng tổ chức rước “Vua sống”. “Vua” là một cụ ông cao tuổi, đức độ nhất làng, khỏe mạnh; còn đủ song toàn cụ ông, cụ bà. Ông mặc y phục của vua, ngự trên kiệu để dân rước từ sân đình lên đền Sái. Theo cụ Ngô Tuyên Tương, mỗi người chỉ được có vinh dự đóng “Vua sống” một lần trong đời và phải mổ lợn để khao làng.
Người dân ở đây cho biết, dòng họ nào có người được chọn làm vua thì năm đấy rất có lộc, các cụ sống lâu, con cháu đề huề, cuộc sống sung túc. Ngoài Vua, đám rước có sứ Thanh Giang (hay gọi là Chúa) tức Thần Kim Quy dẹp đường, có gộc tre mang hình đầu gà trắng và thầy tu cầm gươm đi bên được đi đầu đoàn. Ngoài “Vua” và “Chúa”, trong đám rước còn có bốn vị quan “tứ trụ triều đình” gồm có quan Thự vệ, quan Tán Lý, quan Đề lĩnh và quan Trấn thủ. Tất cả đều phải trên 60 tuổi được rước bằng võng theo sau.
Lễ hội được người làng chuẩn bị công phu. Trước ngày mở hội hàng tháng, dân làng đã có sự chuẩn bị rất cụ thể và bài bản. Ngày mùng 5 tháng Giêng, dân làng lo sửa đường xá, cầu cống để đón Vua về. Ngày mồng 6, dân xã ra đình cắm chỗ, dựng dinh cho vua, chúa và các qua, các ông đám, ông trò trình làng những “trâu đô- to”, “bò đô”, “lợn đô”. Những con vật này được các nhà nuôi từ cả năm trước. Đó là những con trâu, con bò, con lợn vừa to béo, mạnh khỏe, đẹp và sạch sẽ.
Ngày mồng 9, dân làng làm bánh chưng, bánh dày tiến Vua. Ấy là những thứ bánh dân tộc được làm từ nếp hoa vàng gói trong lá chít, lá mía xanh, mới nhìn đã thấy đượm không khí xuân Tết, hội hè. Bánh chưng, bánh dày làng Nhội là những thứ bánh xưa đã nổi tiếng khắp vùng. Người làng cho đến nay còn gọi là những cặp bán chưng, bánh dày ngon, gói kéo là thứ “bánh tiến Vua”.
Lễ hội trừ tà dự kiến thu hút hàng vạn lượt khách du lịch. |
“Ướm gươm” trừ tà cho gà
Ngày 10 tháng Giêng, làng cho thịt những con lợn “đô” để Vua khao dân làng, binh lính tại đình làng. Trưa hôm đó, Vua lên đền Sái bái yết Đức Huyền Thiên Trấn Vũ, chiều trống dong cờ mở về nghỉ. Ngày 11, Vua lên đền Trung thờ Đông Hải Đại Vương và Chúa đi lễ đền Thủy thờ Trương Hống, Trương Hát- những vị tướng nhà Lý có công lao trong các trận chiến đấu chống quân Tống xâm lược khi xưa.
Sáng ngày 12 tháng Giêng là ngày chính hội. “Vua giả” mặt để trắng, mặc áo màu lam, thắt cân đai, đội mũ cửu long, đi hài…chiễm chệ ngồi tren kiệu. Còn “Chúa” sẽ được bôi mặt đỏ uy nghi, tay cầm kiếm màu vàng, ở dưới là một chùm lông tua, chuôi sơn đỏ dùng để chém ma gà.
“Vua” và “Chúa” sẽ được rước bằng kiệu từ đình làng đến đền Sái bái yết Đức Huyền Thiên Trấn Vũ. Kiệu Chúa đi trước, kiệu Vua theo sau. Các kiệu đều được 20 trai tráng khỏe mạnh nhất trong làng rước. Những chàng trai khiêng kiệu chạy theo nhịp trống, quay vòng tròn chạy theo cờ hiệu của người dẫn đường.
Đoàn rước vua đi tới đâu, dòng người đông nghịt tới đó. Hàng trăm người hoan hô, chào mừng kiệu vua, kiệu chúa và các quan về đình.
Chúa sẽ tới nơi có một tảng đá lớn để làm lễ “ướm gươm”, mô phỏng lại tích xưa Chúa giết gà tinh. Một chú gà trống trắng, mào đỏ rực được đem tới, đặt lên tảng đá chuẩn bị làm lễ tế. Sau tiếng chiêng trống, kèn, bài mừng tựa, Chúa sẽ vung gươm gỗ chém ba nhát vào gần chỗ đầu gà, sao cho bát phẩm màu hoặc tiết gà được chuẩn bị sẵn văng ra phiến đá, tượng trưng cho việc đã trừ xong yêu quái ma gà, còn chú gà thật vẫn bình yên vô sự. Sau khi làm lễ tại đền Sái, Chúa sẽ được rước tới nơi có một tảng đá lớn để làm lễ “ướm gươm”, mô phỏng lại tích xưa chúa giết gà tinh.
Lễ hội diễn ra trong không khí trang nghiêm mà náo nhiệt, chiêng trống nổi liên hồi. Ai nấy đều hồ hởi dõi theo. Đám rước kiệu đi trong tiếng nhạc của phường bát âm và tiếng chuông, trống. Sau lễ rước là các hoạt động nghệ thuật: hát tuồng, hát quan họ, hát chèo; các trò chơi dân gian đấu vật, đi cà kheo, cờ người khiến lễ hội càng thêm rộn rã, tươi vui.
Cụ Xuân Tế- làng Thụy Lôi háo hức: “Năm nay là năm Đinh Dậu, người dân làng quê Thụy Lôi tổ chức lễ hội thêm chu đáo, tươm tất. Lễ hội trừ tà cho gà 2017 dự kiến thu hút hàng chục nghìn người dân Hà Nội và du khách thập phương tới tưởng nhớ tới công đức của Tiên tổ, hòa mình vào không khí lễ hội đậm tính dân gian, cổ truyền”.
Xuân về, người dân làng quê Thụy Lôi náo nức đón lễ hội trừ tà cho gà. Những thần thoại cổ tích, không gian của làng quê văn hóa Việt Nam với những nếp ứng xử văn hóa ấm áp tình người được tái hiện nơi đây. Làng trên xóm dưới chộn rộn quần áo mới, sênh sang trống dong, cờ mở đón mừng một lễ hội độc đáo ngàn năm của đất Kinh Kỳ.