Chiều 25/4, tại họp báo thường kỳ của Chính phủ, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc có thông tin gần đây cơ quan của Bộ Tài chính đã thanh tra Honda và phát hiện các sai phạm liên quan đến chuyển giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong đó có Honda. Hiện nay đã xử lý, yêu cầu truy thu, nộp phạt 182 tỷ đồng".
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết: "Còn khoản khá lớn DN chưa thực hiện, chưa chấp hành. Vì vậy chúng tôi đang có biện pháp xử lý nghiêm minh đúng pháp luật với trường hợp này"- ông Tuấn nói.
Năm 1998, Honda Việt Nam là công ty liên doanh với 3 đối tác góp vốn là Honda Motor (Nhật, góp 42%), Asian Honda Motor (Thái Lan, góp 28%) và Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (góp 30% vốn). Doanh nghiệp hiện có 2 nhà máy lắp ráp xe máy tại Vĩnh Phúc, với gần 5.000 lao động và công suất khoảng 1,5 triệu xe mỗi năm.
Kể từ năm 2005, Honda Việt Nam đầu tư thêm nhà máy sản xuất ôtô với vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD. Cơ sở này hiện sử dụng hơn 400 lao động và xuất xưởng khoảng 10.000 xe mỗi năm. Năm tài chính 2014 (kết thúc vào tháng 5 năm ngoái), Honda công bố đạt doanh thu 55.000 tỷ đồng, đóng góp hơn 1% GDP Việt Nam, song không đưa ra con số lợi nhuận.
Trước đó, cũng qua thanh tra, kiểm tra tại Công ty TNHH Metro Cash & Carry VN (Metro VN), Cơ quan Thuế đã phát hiện và truy thu 507 tỷ đồng thuế.
Metro VN bắt đầu đi vào kinh doanh tại VN từ ngày 28/3/2002 với số vốn ban đầu là 120 triệu USD, vốn pháp định 36 triệu USD. Là DN FDI có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong lĩnh vực phân phối, trải qua 6 lần thay đổi giấy phép, tổng vốn đầu tư bổ sung đến tháng 5/2013 là hơn 301 triệu USD. Mạng lưới hệ thống bao gồm 1 trụ sở chính, 15 chi nhánh (bao gồm 19 trung tâm) và 1 kho trung chuyển trải dọc 16 tỉnh, thành, tạo việc làm cho gần 4.000 nhân viên…
Nhưng từ năm 2002 đến 2013 đơn vị này kê khai lỗ với tổng số tiền 1.657 tỷ đồng và chỉ duy nhất 1 năm lãi 173 tỷ đồng./.