Lễ chào cờ trên đảo Nam Yết |
Sau 3 ngày đêm hải trình không nghỉ, tàu đưa đoàn công tác chúng tôi đến đảo Trường Sa Lớn. Đông đảo quân, dân ra cầu cảng đón chúng tôi như những người thân thiết từ đất liền. Những cái bắt tay siết chặt, những cái ôm thân tình và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào của người mẹ gặp con trai sau bao ngày xa cách. Tôi đứng lặng nhìn Trường Sa để tim mình thổn thức. Mắt tôi rưng rưng, cố kìm nén cảm xúc dâng ngập trong lòng.
Sau phút giây hân hoan gặp gỡ, chúng tôi tiến về đường băng Trường Sa. Giọng người chỉ huy phát ra từ loa truyền thanh: “Kính mời đoàn công tác và quân, dân của đảo vào vị trí làm lễ chào cờ”. Không ai bảo ai, chúng tôi bước nhanh xếp hàng, hướng mắt về cột mốc chủ quyền. Mệnh lệnh đanh thép từ trưởng đoàn công tác: “Nghiêm…! Chào cờ…. chào!”. Khẩu lệnh vừa dứt, tổ quân kỳ đứng ở đầu hàng giương cao cờ “Đảo Trường Sa”.
Từng khối, từng khối nhìn lên cờ Tổ quốc đang kiêu hãnh tung bay trên trời xanh, hát vang dõng dạc: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước, súng ngoài xa chen khúc quân hành ca”. Mỗi ca từ “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng, tiến mau ra xa trường, tiến lên, cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta vững bền” như thấm vào gan ruột.
Hành tiến trên đường băng Trường Sa |
Tổ quốc gọi tên mình
Chị Nguyễn Thị Quý, người dân nghèo khó ngày đêm tảo tần bán ve chai góp nhặt từng đồng tiền lẻ để ủng hộ Trường Sa trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đến từ quận 7 thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên chào cờ Tổ quốc bên cột mốc chủ quyền. Khi lời Quốc ca cất lên, chị đã không kìm được xúc động, nước mắt chị chảy dài trên má. “Lúc hát Quốc ca, tim tôi thổn thức. Tôi như thấy mình đang chạm đến trái tim Tổ quốc. Bây giờ tôi đã hiểu Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng không tách rời với lãnh thổ đất nước”, chị Quý chia sẻ.
Tiến bước dưới quân kỳ |
Lần đầu tiên đến Trường Sa, ngước lên bầu trời hát Quốc ca dưới cờ Tổ quốc, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Buổi chào cờ trên đảo đã làm trỗi dậy ý thức công dân trong tim tôi. Tôi đã hiểu Tổ quốc là vĩnh cửu, bảo vệ Trường Sa không chỉ có người lính Hải quân mà bằng sứ mệnh và ý chí toàn dân tộc”.
Lời thề giữ biển
Sau chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca, từ hàng quân, một sĩ quan Hải quân bước nghiêm đến trước cột cờ đọc mười lời thề danh dự. Những lời thề đanh thép khẳng định ý chí và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam đầy tự hào, hãnh diện, vang vọng cả một vùng biển nước: “Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Một, hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…”.
Hướng về cờ Tổ quốc hát vang lời Quốc ca |
Nghe “10 lời thề danh dự của quân nhân” giữa đường băng Trường Sa như nghe tiếng Tổ quốc linh thiêng gọi tên mình. Nó như lời thúc giục từ trái tim người lính biển, hãy sống cống hiến, hãy kiêu hãnh về Trường Sa - mảnh đất của cha ông để lại mà chủ quyền lãnh thổ của nó không bao giờ tách rời.
Ngoài 10 lời thề danh dự ấy, còn có “lời thề thứ 11” mà Đại tướng Lê Đức Anh đã đọc trước anh linh những người lính đã nằm lại Trường Sa bên cột mốc chủ quyền, nhân kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống của Hải quân Việt Nam (7/5/1955-7/5/1988): “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”.
Lời thề ấy như linh hồn Tổ quốc đang được quân, dân Trường Sa và cả nước chung tay thực hiện để xây dựng một quần đảo Trường Sa mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, thắm thiết về tình quân dân cá nước.