Bị tra tấn dã man
Quê ở tỉnh Quảng Nam, ngay từ khi còn là một cậu thanh niên, ông Số đã bí mật tham gia làm liên lạc cho cơ sở cách mạng hoạt động vùng tại xã Bình Trị (huyện Thăng Bình).
Ngược dòng thời gian, ông Số nhớ lại: Địch mở chiến dịch tấn công, cơ sở Cách mạng Bình Trị bị vỡ. Bị lộ, tôi bị địch bắt giam ở nhà lao quận Thăng Bình từ tháng 10/1955 đến năm 1957. Sau đó, bọn chúng chuyển tôi cùng một số đồng chí, đồng đội đến một nhà lao khác ở Hội An.
“Trong quá trình giam giữ, chúng không ngừng tra tấn chúng tôi bằng nhiều hình thức như cột chân treo ngược lên, dùng roi đánh, đổ nước xà bông vào miệng bắt chúng tôi khai. Nhưng là chiến sĩ cách mạng, tôi cũng như bao đồng chí khác nhất quyết chịu đòn doi, chịu nhục hình về thể xác chứ không bao giờ hé răng nửa lời”, ông Số kể.
Cuối năm 1958, cũng tại nhà lao Hội An, ông Bùi Thỏa (anh trai ruột của ông Số) bị địch tra tấn quá dã man nên đã hy sinh. Cũng trong thời gian này ông Số được bọn ngụy tha tù nên đã xin được đưa thi thể anh trai về quê để mai táng.
Năm 1959, ông Số theo gia đình vào huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk). Trên chuyến xe định mệnh, ông Số đã gặp được ý chung nhân của mình, sau này hai người đã nên duyên vợ chồng.
Sau ngày cưới vợ, ông Số tiếp tục hoạt động bí mật với nhiệm vụ liên lạc cho Cách mạng đến năm 1964. Năm 1965, ông Số vào vùng căn cứ hoạt động du kích đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Số nghẹn ngào nhớ về quá khứ bi tráng |
Thoát chết kỳ tích
“Trong một lần bắn máy bay địch, tôi bị mảnh bom văng trúng đầu phải nghỉ dưỡng thương một tháng. Sau khi bình phục tôi được đơn vị cho thịt, sữa về thăm nhà. Tuy nhiên, vừa về đến đầu làng thì có người báo địch vào làng tàn phá, bà con đã di tản hết. Nghe tin dữ, tôi vội chạy một mạch về nhà tìm vợ con, rất may, mấy mẹ con vẫn cố bám trụ và bình an trong nhà”, ông Số kể.
Nói đến đây, bà Nguyễn Thị Lý (SN 1937, vợ ông Số) như sống lại quá khứ tiếp lời: “Ngày đó, do địch truy lùng, bà con chúng tôi phải di tản liên tục. Mỗi lần bom đạn hướng tới đâu là có dân bỏ mạng oan ở đó. Hôm đó, địch bất ngờ tràn vào làng tàn phá, bà con sợ quá chạy đi sơ tán cả. Ngôi làng trở nên tan hoang. Riêng tôi, có ba đứa con nhỏ nên không thể chạy được. Ba mẹ con núp ở dưới hầm, nghe rõ tiếng bước chân địch đi lùng khắp nơi. Chúng vừa đi vừa quát “còn ai nữa không, ra đây đi”.
Sau khi địch đã đi khỏi, bà Lý mới dám bế hai đứa con đi tìm chị dâu và đứa con út. Lúc đó, bà Lý mới biết, con gái mình do đói nên đã khóc ré lên, để tránh địch phát hiện người chị dâu đã phải dùng nước tiểu cho con mình uống tạm.
Sau nhiều năm kết duyên vợ chồng, ông bà có với nhau 10 người con. Đáng buồn thay, trong đó, hai người con đã qua đời vì bạo bệnh, và đói khát trong thời chiến tranh loạn lạc.
“Nhiều lúc mấy ngày dòng dã, chúng tôi chỉ ăn măng luộc, thậm chí không có muối, bà con có gì, cho gì mình ăn nấy, bắp rang, mỳ khô, cá khô, con ốc, con cua ăn lấy sức chiến đấu qua ngày. Trong chiến đấu, chưa kể các đồng chí, đồng đội hy sinh vì bom đạn, số người chết vì bệnh tật không có thuốc uống, chết vì đói vì khát nhiều không kể hết” – Ông Số kể.
Mỗi lần đi làm nhiệm vụ trở về, ông Số đều vác theo một bó lồ ô giao cho vợ con vót trông. Dù hồi đó còn rất nhỏ nhưng không thể quên đi ký ức, cô Bùi Thị Kim Lan (SN 1966, con gái ông Số) kể:
“Mấy anh em tôi dù còn nhỏ nhưng đều làm những việc đó rất dành giỏi, dài 40cm, vót to chừng ngón tay, một đầu nhọn siết ba cạnh thật sắc bén như dao, một đầu tù, gọi là trông ba lá. Sau khi đã vót xong, mọi người cùng nhau mang ra những vùng được cho là có dấu chân địch đi qua, các chú du kích thì đào hố, phụ nữ và trẻ em thì cắm trông, sau đó dùng lá tranh ngụy trang để hố trông không bị lộ”.
Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra trong thế trận ngày càng ác liệt, những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975, bằng những chiến lược, mưu sách đấu tranh đúng đắn của Đảng và Nhà nước, các chiến sĩ với quyết tâm cao độ, kiên trì cầm chắc cây súng chiến đấu trận cuối cùng một mất một còn với kẻ thù để rồi làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975.
Cô Lan ân cần chăm sóc ba trên chiếc xe lăn |
Đăng ký hộ khẩu nhà người khác
Theo hồ sơ được lưu trữ tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, ông Bùi Tấn Số được xác nhận có công giúp đỡ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến trống Mỹ (ủng hộ lương thực, thực phẩm, thực hiện nghĩa vụ dân công, nuôi dấu cán bộ, tham gia du kích), năm 1990, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương hạng Ba.
Ngoài ra, năm 1995, ông được trao tặng Huy chương kháng chiến Hạng Nhất. Năm 2007, được Thủ tướng Chính Phủ tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Lý cũng được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến Hạng Ba vì “Đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Trong ngôi nhà cấp bốn nho nhỏ ấy, trên tường còn có một số Huân chương kháng chiến được gia đình ông Số treo một cách trang trọng ghi tên của những người liệt sĩ mang họ Bùi như: Tổ quốc ghi công liệt sĩ Bùi Liễn cán bộ huyện “Hy sinh trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Mẹ Việt Nam anh hùng bà Bùi Thị Sử đã có con độc nhất hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và Bảo vệ tổ quốc.
Trải qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt, đất nước được hòa bình thống nhất, nhưng tuổi tác không đợi ai, 86 mùa Xuân trôi qua, cộng thêm những ảnh hưởng từ thời chiến tranh, sau một lần bị tai biến vào năm 2013, hiện nay, ông Số chỉ còn có thể ngồi trên xe lăn, mọi sinh hoạt đều phải có vợ, con chăm sóc. Bà Lý cũng đã ngoài 80, với đôi chân tật nguyền đi lại khó khăn, hai vợ chồng ngoài tiền chợ cấp hàng tháng tổng cộng 2,3 triệu đồng của Nhà nước, còn lại ông bà đều nhờ vào con gái.
Được biết, dù có hộ khẩu ở huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) nhưng do hoàn cảnh khó khăn và già yếu nên hai vợ chồng ông Số và bà Lý dọn về sống cùng con gái là cô Bùi Thị Kim Lan ở phường Tự An (TP.Buôn Ma thuột) từ năm 1990 cho đến nay.
Tuy nhiên, cho rằng đất cô Lan đang ở là đất lấn chiếm hành lang an toàn giao thông nên cho đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa phê duyệt cho cô Lan được nhập khẩu tại đây. Do đó, cô Lan phải đăng ký hộ khẩu nhờ trong gia đình một người khác suốt nhiều năm nay.