Bà cụ neo đơn chống chọi căn bệnh ung thư giai đoạn cuối

Bà Thơm không chồng con, một mình chống chọi căn bệnh ung thư giai đoạn cuối
Bà Thơm không chồng con, một mình chống chọi căn bệnh ung thư giai đoạn cuối
(PLO) -Không chồng, không con, ở tuổi xế chiều, bà Lê Thị Thơm (69 tuổi, ngụ số 5 kiệt 15, đường Tam Giang, khu phố An Gia, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) đang ngày ngày vật lộn với những cơn đau đớn đến tận xương tủy của căn bệnh ung thư vú đang ở giai đoạn cuối. Sức tàn lực kiệt, lại không tiền không bạc, bà chỉ một mình thoi thóp trên giường bệnh, hoàn cảnh rất thương tâm.

Cô độc

Căn nhà nhỏ của của bà Thơm nằm lọt thỏm trong khu vườn yên tĩnh, tăm tối. Tường bờ lô đã bong tróc, lồi lõm nham nhở vì không tô quét. Mái tôn cũ kỹ ố màu.

Trên chiếc giường chật hẹp trong góc nhà, người phụ nữ nằm thoi thóp. Ánh mắt đờ đẫn. Gương mặt tái xanh. Làn da trên đầu nhẵn thín, không một cọng tóc. Một cơn đau bất ngờ kéo đến, khiến cả tứ chi co rút lại. Bà khó nhọc gập người, như cố áp chế cơn đau, gương mặt nhăn nhúm đau đớn.

Bà Tho đi bán rau về, vứt vội đôi quang gánh ngoài hiên, lật đật chạy vào nắm chặt tay chị gái, như thể muốn san sẻ phần nào nỗi đau. Khi cơn đau dịu lại, bà Thơm khó nhọc nở nụ cười yếu ớt. Người em gái lấy chiếc gậy trong góc tường, khó nhọc dìu chị ra ngồi nơi bậu cửa.

Ánh nắng buổi sáng hắt lên làn da tái nhợt, lạnh lẽo của người bệnh, như muốn xoa dịu những đau đớn dày vò mà người phụ nữ tội nghiệp trải qua. Bà Tho bảo, vẫn hay dìu chị gái ra ngồi nơi bậu cửa, để hít thở chút không khí trong lành.

Căn nhà nhỏ xíu, ngay gian trước là bàn thờ đặt chi chít những lư hương. Bà Tho cười buồn, đưa mắt lên bàn thờ khói nhang lạnh lẽo, giọng chua xót: “Cha, mẹ, các anh trai, rồi có cả chị dâu, đều “ngồi” ở trên ấy hết”.

Cha mẹ sinh ra 5 anh em, giờ chỉ còn lại hai chị em bà Thơm, bà Tho sống ở trên đời. Bà Thơm không chồng không con. Bà Tho lấy chồng, nhưng lại không có con. Mấy năm trước, người chồng phát bệnh, rồi mù mắt. Bác sĩ cho biết không thể chữa được. 

Ở tuổi 67, bà Tho một mình phải chăm sóc người chồng mù lòa và người chị gái bị bệnh nan y. Sức cùng, lực kiệt, nhưng vẫn cứ gắng gượng. Mỗi ngày tất tả  hết ở nhà mình, lại chạy sang nhà chị.

Đêm nằm ở nhà mình, lại lo lắng chị gái trơ trọi một mình trong căn nhà vắng, lên cơn đau không có ai rót nước, xoa dầu. Ngủ nhà chị gái, lại sợ chồng bệnh tật mù lòa một mình giữa đêm không ai chăm sóc. Bà cứ quay mòng mòng, chỉ mong một thân này xẻ được làm đôi. Bà Tho nhìn chị gái, nụ cười méo xẹo: “Nếu ngày trước chị ấy lấy chồng rồi sinh con, thì giờ đâu đơn độc thế này”. 

Bà Thơm cũng cười, nụ cười gắng gượng như cố che đi nỗi đau dày vò trong cơ thể. Nhưng dù cố mấy, vẫn không che được, đôi mày cong cong cứ nhíu lại thật chặt. Bà đưa đôi tay yếu ớt chỉ lên tấm ảnh treo trên tường, giọng xa xăm hồi tưởng:

“Ngày trước tui cũng đẹp gái. Cũng có người tới lui theo đuổi, nhưng tui chẳng thích ai. Thời gian trôi đi, cứ năm này theo năm khác mà đến, rồi tóc bạc già mồi khi nào chẳng hay. Có lẽ cái số mình đã định, phải ở vậy đơn độc đến suốt đời”.

9 năm trước, bà Thơm bỗng nhiên bị những cơn đau không dứt hành hạ. Vào bệnh viện Trung ương Huế, bà suýt ngất khi biết mình bị ung thư vú đang ở giai đoạn 3. Bà nhập viện điều trị, truyền hóa chất, chỉ mong giảm được những cơn đau, chứ chẳng mong sống thêm được bao nhiêu.

Có bảo hiểm y tế hộ nghèo, thế nhưng quá trình điều trị căn bệnh này, bà Thơm cũng phải tốn rất nhiều tiền chi trả cho những loại thuốc không có trong danh mục bảo hiểm. Cả một đời tuổi trẻ làm thuê làm mướn khắp nơi, bao nhiêu tiền ky cóp, dành dụm được để mong an hưởng tuổi già, chẳng mấy chốc mà bay vèo như ném qua cửa. 

Bà con quen biết cũng như người trong lối xóm thương tình, mỗi người giúp một chút để bà Thơm qua cơn hiểm nghèo. Sự cố gắng của bản thân, và tình cảm của người thân, hàng xóm láng giềng đã giúp bà Thơm vượt qua những đau đớn dày vò để sống tiếp. Đến hôm nay, căn bệnh ung thư đã chạy khắp trong người bà.

Người em gái run run cầm bệnh án của chị trên tay, mắt cũng mờ mịt nước, giọng nghèn nghẹn: “Chị tui chẳng biết còn bao nhiêu thời gian nữa…”. Trên những kết quả xét nghiệm, siêu âm, bệnh án ung bướu của bệnh viện Trung ương Huế là các thông tin về bệnh tình của bà Thơm: “Ung thư vú trái di căn xương”, “Di căn xương đa ổ”, “u gan thứ phát, bứu giáp đa nhân, phì đại hạch xương đòn trái”…

Bà Tho một mình vừa chăm chồng mù lòa, chăm chị gái mắc bệnh nan y
Bà Tho một mình vừa chăm chồng mù lòa, chăm chị gái mắc bệnh nan y

Thương tâm

Nắng mỗi lúc một lên cao, bà Thơm nheo nheo nhìn những bức tường đã hoen ố, bên ngoài rêu xanh bám đầy, nhẹ giọng buông tiếng thở dài. Bà kể, ngôi nhà này là của cha mẹ xây mấy chục năm trước. Hồi đó nhà nghèo, sau khi mấy mẹ con tan việc đồng áng, lại tất tả đi hốt sạn đúc gạch bờ lô.

Nghèo không có tiền kêu thợ làm, bốn vách tường được dựng bằng bờ lô đều tự tay cha mẹ và mấy anh em trong nhà làm lấy. Thời gian lặng lẽ qua, cha mẹ, rồi lần lượt các anh đều không còn. Bốn bức tường lở lói cùng năm tháng, tôn trên mái nhà đã cũ nát mấy lần thay đi thay lại. 

Ngày còn trẻ khỏe, bà Thơm mưu sinh bằng nghề làm ruộng, làm rau. Hết việc ngoài đồng lúa, bà lại đi quanh vườn tỉ mẩn trồng rau trồng cà. Đôi lúc có người cần, bà lại loanh quanh đi phụ giúp việc nhà.

“Lúa trồng chẳng nhiều nhặn gì, chỉ đủ ăn và nuôi thêm con gà con vịt. Rồi tiền bán rau, tiền công người ta thuê làm việc nhà, tui đều tằn tiện ky cóp lại. Cái thì để nhang khói kỵ giỗ cho cha mẹ và các anh. Cái thì để dành phòng lúc tuổi già không lao động được nữa. Rứa mà năm đó đổ bệnh, chỉ trong một thời gian ngắn, tui trắng tay”. 

Người em gái nhìn chị ngậm ngùi, mắt cũng ươn ướt. Bây giờ, bà Thơm đến đi còn không nổi, nên khu vườn bên ngoài, đều do một tay bà Tho chăm bón, vun trồng. Người em gái vừa bận bịu với mấy luống rau bán lấy tiền mưu sinh, vừa phải chăm sóc người chồng mù, nên thời gian chăm người chị bị bệnh ung thư giai đoạn cuối cũng bị hạn chế.

“Mỗi sáng, sau khi bán hết rau, từ chợ tui quảy gánh về nhà chị mình luôn. Lo cơm nước cho chị, nấu cháo nấu nước cho chị xong mới về nhà lo cơm nước cho nhà mình. Buổi tối tui ở bên chị, xoa bóp tay chân cho chị, đến 10 – 11h đêm mới trở về nhà mình. Về nhà, nhưng tui ngủ không xuống, cứ lo chị một mình, nhỡ không may…”, bà Tho đưa tay quệt nước mắt.

Chồng bà Tho là thợ gò hàn. 5 năm trước bỗng dưng bị mù, nên chẳng thể đi đâu, làm gì. Vậy mà thời gian qua, mắt bà cũng dần dần bị mờ. Đi khám, bác sĩ bảo bà bị đục thủy tinh thể cần phải mổ. Chồng bà đã mù, bà sợ nếu mổ lỡ có sự cố gì, bà cũng mù luôn, thì không có ai lo cho chồng, cho chị.

Vậy nên bà không dám. Nhất là thời gian này, bệnh tình của người chị tái phát ngày càng nặng. Những cơn đau kéo đến ngày một dày hơn, đau cũng dữ dội hơn. Cách đây 10 ngày, bà đưa chị gái đi khám, bác sĩ bảo phải truyền hóa chất, nhưng tiền đâu?

Bây giờ sức khỏe của bà Thơm rất yếu, lại không tiền không bạc, nên cả bà Tho và người chị bệnh tật chẳng dám nghĩ nhiều. “Chị tui được hưởng chế độ dành cho người neo đơn, người nghèo, bệnh tật, mỗi tháng được 540 nghìn đồng. Tui kiếm sống bằng đám rau trong vườn, cũng chẳng đáng bao nhiêu. Tằn tiện lắm, lo cái ăn cho ba người cũng phải giật gấu vá vai. Giá như…”, bà Tho nghẹn giọng. 

Giá như gia đình có điều kiện hơn, thì có lẽ bà Thơm sẽ được chăm sóc, chữa bệnh tốt hơn, giúp bà giảm bớt những cơn đau khủng khiếp. Người phụ nữ đơn chiếc, bệnh tật rất đáng thương, cần nhiều tấm lòng nhân ái chung tay, giúp đỡ. Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm, xin gửi về bà Lê Thị Tho, số điện thoại 0163.670.9274 (bà Thơm bị lãng tai, nên không sử dụng điện thoại được).

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.