Sau khi nghỉ việc nhà nước, ông Mỹ về nhà và mở quán sửa xe để cải thiện kinh tế gia đình và cũng là tiếp tục lao động để giữ gìn sức khỏe. Chính việc sửa xe này đã đưa ông đến với công việc “vá đường”. Trước kia con đường chưa được bê tông hóa nên đường đất lầy lội, mỗi sáng ông Mỹ dậy sớm dọn sạch bùn, bồi thêm đất vào chỗ bị lở, gia cố lại chỗ bị hư hỏng. “Tui làm độ 2 tiếng, khoảng 7h khi mặt trời lên là tôi trở về nhà để tắm táp cho bớt bùn đất rồi đến tiệm sửa xe”, ông Mỹ cho hay.
Cứ như vậy, trong suốt 20 năm, ông Mỹ đã âm thầm bồi đắp cho những con đường quê thêm sạch đẹp, người dân đi lại an toàn. Kể về việc này, ông Mỹ nói: “Thường thì trước khi thi công việc bồi đắp đường, tôi phải thăm dò các con đường trước một ngày để ước tính độ hư hại, như thế mới chuẩn bị đủ cát đắp vào”. Với ông Mỹ, thay vì tập thể dục buổi sáng, ông lấy việc bồi đắp đường làm niềm vui riêng cho mình và hy vọng giúp ích cho cộng đồng.
Năm 2003, khi nhà nước quy hoạch mồ mả vào một khu vực tập trung, xe vận tải chở cát sạn đã làm sạt lở con đường vào khu vực nghĩa trang. Thấy vậy, ông Mỹ lại tiếp tục bỏ công sức tu bổ cho con đường để nhân dân đi lại thuận lợi. Bên cạnh đó, ông còn trồng cây ở những con đường dẫn vào mộ để nhân dân có bóng mát tránh nắng, nghỉ mệt. Năm 2010, con đường vào nghĩa trang bị xuống cấp, ông Mỹ làm đơn xin Công ty gạch Đồng Tâm gạch bể, xin xe, xin công để đắp con đường.
Thấy những con mương trên cánh đồng lầy lội, khó khăn cho nông dân mỗi lần đi qua lại, ông Mỹ đã thuê người đốn 8 cây dừa, chặt thành từng đoạn ngắn rồi thả xuống các con mương để người dân đi lại dễ dàng hơn. Khi mùa nước lụt đến, những đoạn dừa cũng theo nước lụt trôi, ông Mỹ tiếp tục xin những đoạn bút cửa cũ bỏ xuống.
Nhưng dường như phương án này cũng không khả thi, bởi những đoạn bút này bị một số người đi rà sắt đập ra để lấy sắt. Vậy là ông Mỹ tiếp tục vận động người dân đóng góp được 4 triệu đồng để đúc 40 cái bi thả qua các con mương. Từ đó, nông dân qua lại sản xuất rất dễ dàng. Việc đúc bi, thả bi đã lấy đi của ông Mỹ 60 ngày công lao động ông tự nguyện đóng góp.
Để nhân dân có bóng mát làm đồng, ông Mỹ đã tự làm 5 cái trại và trồng cây xung quanh, làm giàn thả mướp. Đến mùa mướp, bà con đi làm đồng về còn được hái mướp mang về nhà ăn. Thấy bà con không có nước uống vì nước bị nhiễm mặn, ông Mỹ lại bỏ tiền ra đóng một máy bơm tại con đường thôn 2 của xã. Không những thế, ông Mỹ còn đào giếng bơm cho người dân tưới tiêu ruộng đồng.
Đưa chúng tôi ra thăm đồng làng, ông Mỹ kể, ruộng đồng Cẩm Sa tuy trù phú nhưng hệ thống mương nước còn quá ít. Xưa, mỗi lần cần nước pha thuốc trừ sâu hay nước tưới tiêu, bà con phải gồng gánh tận tít các ao. Để đào giếng, ông Mỹ đã bỏ 1,6 triệu đồng của mình ra đóng máy bơm. Hỏi tiền này lấy từ đâu, ông thật thà cho biết, đó là tiền ông dành dụm từ việc sửa xe đạp. Từ năm 2014 đến nay, số giếng ông Mỹ đào và lắp máy bơm cũng cả chục cái, cung cấp nước cho cả đồng ruộng Cẩm Sa.
Con đường bê tông rộng lớn cũng chính ông đã đứng ra vận động các nhà hảo tâm cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương để xây dựng con đường hàng trăm triệu đồng. “Có một bác ở cách đây không xa. Bác thấy tui có mục đích tốt nên khi tui xin, bác đồng ý cho mấy trăm triệu làm đường cho bà con. Tui sướng rơn người”, ông Mỹ kể.
Trao đổi với phóng viên, ông Đàm Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Điện Nam Bắc không giấu tự hào “khoe” người con ưu tú của địa phương. Theo lời ông Trung, mấy chục năm qua, ông Mỹ nhận được hàng chục bằng khen, giấy khen của phường, thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam, TW vì những cống hiến cho quê hương.
Chuyện ông Mỹ “vá” đường, ông Mỹ đào giếng… rất nhiều người biết. Nhưng ít ai biết rằng, kinh tế gia đình ông rất khó khăn, bản thân ông Mỹ lại bị bệnh thấp khớp nặng. Thế nhưng, người đàn ông ấy vẫn lặng lẽ góp công sức của mình cho sự phát triển của làng quê. Ông là một tấm gương cần được nhân rộng trong xã hội.