Những dấu hỏi lớn
Theo tìm hiểu của PV Báo PLVN: Ngày 7/11/2000, UBND TP. Hải Phòng ra Quyết định thu hồi 1.618m2 đất tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) giao cho HLV thành phố để xây dựng văn phòng làm việc. Quyết định cũng nêu rõ: “…không phải nộp tiền sử dụng 1.618m2 đất trên”.
Ngày 7/5/2002, UBND TP. Hải Phòng ban hành tiếp Quyết định “Duyệt kinh phí đền bù, thiệt hại về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi 1.618m2 đất giao cho HLV thành phố để xây dựng văn phòng làm việc, với tổng kinh phí đề bù GPMB là: 59.686.666đ”.
Vừa nhận Quyết định giao đất, cùng ngày, HLV lập tức ra Nghị quyết - quy hoạch tổng thể: xây dựng hội trường; nhà khách; nhà làm việc; nơi trưng bày hiện vật VAC; nhà dạy nghề; khu dịch vụ kỹ thuật; khu chế biến nông sản; trồng dải cây xanh, cây ăn quả lâu năm nhằm cải tạo môi trường đẹp cảnh quan; đào ao để điều tiết khí hậu…
Nghe có vẻ rất quy củ và bài bản, nhưng thực tế không có dải cây xanh, chẳng có cái ao nào để điều tiết khí hậu, chẳng có khu dịch vụ kỹ thuật...
Ngày 29/8/2002, UBND TP. Hải Phòng cấp “sổ đỏ” cho HLV – mục đích sử dụng xây dựng văn phòng làm việc.
Chỉ sau 21 ngày (20/9/2002), HLV Hải Phòng đã ra ngay Quyết định “huy động vốn” để xây dựng trụ sở của Hội… do ông Nguyễn Đình Nhiên, Chủ tịch Hội ký. Nhưng thực tế, đây là hình thức chia đất cho 5 ông cán bộ của Hội. Được biết, 5 ông lãnh đạo của Hội này đã từng là cán bộ cấp cao của thành phố.
Không những thế, ngôn từ - văn phong được thể hiện trong văn bản rất “ngô nghê” thậm chí vi phạm cả về pháp luật, cụ thể như: “…Về trụ sở, là tài sản chung của những người góp vốn”; “Được sở hữu và chia giá trị tài sản trụ sở theo tỷ lệ góp vốn ban đầu khi chuyển nhượng mục đích sử dụng”; “Tự bỏ vốn xây dựng và chịu trách nhiệm về công trình xây dựng của mình”; “Được quyền sử dụng hợp pháp lâu dài các công trình xây dựng của mình trên diện tích đất được giao”…
HLV còn tự cho mình “cái quyền” đưa ra mức giá đất 1m2 là 200.000đ; rồi thu tiền đất của các hội viên hàng trăm triệu đồng(?!) –
Quyết định còn ghi rõ: “Hàng năm phải nộp thuế đất trên diện tích được giao quyền sử dụng để Hội nộp thuế sử dụng đất cho Nhà nước”. Trong khi TP giao đất không thu tiền sử dụng đất, vậy, Hội thu tiền đất nộp cho ai? Số tiền thu này đi đâu, và vào túi ai?
Sau khi HLV được cấp “sổ đỏ”, ngày 25/11/2002 Hội ra Quyết định – trái pháp luật, tự ý cắt ra 1000m2 đất, giao quyền sử dụng đất cho các cá nhân. Ông Nguyễn Đình Nhiên - Chủ tịch Hội (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng) ký quyết định cấp đất cho ông Trần Văn Như - Phó Chủ tịch Hội và 3 lãnh đạo khác của Hội; ông Trần Văn Như - Phó Chủ tịch Hội lại ký QĐ cấp đất cho ông Nhiên – Chủ tịch Hội.
Theo báo cáo thì đây là các hạng mục “công năng” làm trụ sở hoạt động của Hội… Nhưng thực tế là nhà ở cao tầng biệt lập cho 5 ông lãnh đạo của Hội. Trong đó: 02 hộ đã xây dựng nhà ở 3 tầng; 01 hộ xây dựng nhà ở 2 tầng; còn lại là nhà cấp 4.
Biết được sự việc trên, thực hiện Chỉ thị số 134/Ct-TTg ngày 20/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác số 5 thành lập theo Quyết định số 1795/QĐ-UB của UBNDTP đã kiểm tra, kết luận và kiến nghị xử lý đối với việc sử dụng đất sai mục đích của HLV.
Tuy nhiên, kết luận Thanh tra lại “bỏ ngỏ” sang một bên và Sở TN&MT Hải Phòng đã “đổi ý” kiến nghị UBND TP.Hải Phòng xem xét, xử lý việc công nhận quyền sử dụng đất, xét cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.
“...Theo quy định tại Khoản 3, Điều 23 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ: trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã sử dụng ổn định từ ngày 15/3/1993 đến trước ngày 01/7/2014 không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 của Nghị định này”? - Báo cáo số 146/BC-STN&MT của Sở Tài nguyên và Môi trường ghi rõ.
Trong trường hợp này không thể áp dụng theo Khoản 3, Điều 23 của Nghị định số 43 này được. Bởi lẽ, 5 cán bộ lãnh đạo của HLV đã ngay từ đầu lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chia đất cho nhau trái pháp luật – biến tài sản công chia nhau thành của tư, thụ hưởng trái phép hàng chục năm nay, rồi lại tìm cách hợp thức hóa cho riêng mình mà không hề có cơ quan chức năng nào xử lý?
Một vấn đề nữa, Nghị định số 43 viện dẫn “... Phù hợp với quy hoạch thì được cấp GCNQSD đất”. Vậy trong trường hợp này có phù hợp với quy hoạch hay không? Nếu được cấp “sổ đỏ” có phải điều chỉnh lại quy hoạch hay không?
Có dấu hiệu Hình sự
Về góc độ quản lý của UBND quận Ngô Quyền, Sở Xây dựng, Sở TN&MT TP. Hải Phòng phải xác định việc HLV tự giao đất là trái pháp luật. Nhiều công trình xây dựng trái phép đã xuất hiện; nhận đất hôm trước thì hôm sau đã có ý đồ: biến của công chia nhau thành của riêng.
Gần 20 năm thụ hưởng - sử dụng đất trái phép, 5 cán bộ HLV không đóng tiền thuế đất cho Nhà nước. Sự việc này sai phạm quá rõ và để lại hậu quả khiến các cấp, các sở, ngành phải vào cuộc – lãng phí thời gian, tiền của, đầu tư con người để giải quyết.
Ông Chủ tịch HLV - nguyên là phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng và 4 lãnh đạo Hội không thể là những người thiếu hiểu biết phát luật – mà rõ ràng có ý thức chủ quan, cố tình sai phạm. Và càng không thể cho rằng đất này là của công muốn làm gì thì làm, muốn chia cho ai là quyền của Hội, tùy tiện ra các văn bản trái luật; lừa dối cấp trên xây dựng trụ sở làm việc, nhưng lại chia nhau xây dựng thành nhà ở biệt lập.
Theo luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội thì việc sử dụng đất của HLV Hải Phòng vi phạm quy định về quản lý đất đai, xây dựng. Sau khi được cấp đất xây dựng trụ sở làm việc thì HLV vườn đã không sử dụng đúng mục đích, không đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng trái phép... Những vi phạm này lại không bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
Với những hành vi vi phạm luật đất đai, vi phạm trật tự xây dựng nêu trên thì UBND TP. Hải Phòng hoàn toàn có thể áp dụng các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đất đai để ra các quyết định buộc tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng (biện pháp khắc phục hậu quả) và ra quyết định thu hồi khu đất đó.
Vụ việc này tuy chưa được xác định chính xác mức độ vi phạm của các chủ thể, nhưng đã cho thấy có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật hình sự. Không chỉ có 5 người trực tiếp vi phạm mà còn có trách nhiệm không nhỏ của cán bộ UBND TP. Hải Phòng, của sở Xây dựng, UBND quận Ngô Quyền, UBND phường Đằng Giang và sở TN&MT.
Cùng quan điểm với luật sư Cường, luật sư Nguyễn Văn Thắng – Trưởng văn phòng Luật sư Hải Chi, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai quy định: Người nào lấn chiếm đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái với các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm./.