“Mở lối” cấp GCN QSDĐ cho sai phạm!?
Như báo PLVN đưa tin, Hội làm vườn TP Hải Phòng không có trụ sở làm việc nên đã xin đất để xây dựng văn phòng làm việc. Ngày 7/5/2002, UBND TP Hải Phòng ban hành quyết định phê duyệt kinh phí 59.686.666 đồng để đền bù thiệt hại về đất và tài sản trên đất khi thu hồi giao cho Hội làm vườn Hải Phòng với tổng diện tích 1.278,5m2 xây dựng trụ sở làm việc tại phố Văn Cao, quận Ngô Quyền.
Tuy nhiên, sau khi được giao đất, Hội làm vườn đã ra ra văn bản “Quyết định huy động vốn xây dựng trụ sở” rồi các lãnh đạo này tự góp vốn, khấu ra 1.000m2 đất, chia nhau thành 5 phần để xây dựng nhà ở. Cụ thể, ông Nguyễn Đình Nhiên – nguyên Chủ tịch hội – nguyên phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng 337,5m2; ông Trần Văn Như – phó Chủ tịch hội 251,25m2; ông Đặng Đình Liệu – phó Chủ tịch hội 225m2; ông Phạm Đức Bình – Ủy viên Thường trực hội 157,5m2; ông Nguyễn Tiêu – Ủy viên BCH hội 225m2. Đồng thời, để tạo điều kiện cho những người xây dựng, quản lý công trình trên hiệu quả, Hội làm vườn TP.Hải Phòng đồng ý cho những người này được ở tại công trình của mình để quản lý.
Biết được sự việc trên, thực hiện Chỉ thị số 134/Ct-TTg ngày 20/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác số 5 thành lập theo quyết định số 1795/QĐ-UB của UBNDTP đã kiểm tra, kết luận và kiến nghị xử lý đối với việc sử dụng đất sai mục đích của Hội làm vườn. Cụ thể: Thu hồi 1.000m2 đất của HLV do sử dụng đất không đúng mục đích đã được giao, ban hành các quyết định giao đất trái pháp luật cho các hộ là cán bộ Hội để xây dựng nhà ở. Xử lý vi phạm hành chính đối với Hội làm vườn TP Hải Phòng về việc cho đơn vị khác thuê khu vực văn phòng để kinh doanh nhà hàng trái với mục đích đã được TP giao làm văn phòng của hội.
Việc sử dụng đất của Hội làm vườn là không đúng mục đích, vi phạm Điều 15 Luật Đất đai năm 2003,thuộc trường hợp phải thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 nay là Điều 12, khoản 1 Điều 64 Luật đất đai năm 2013. Tuy nhiên, khi báo cáo UBND TP thì không có báo cáo, đề xuất do chưa làm rõ được nguyên nhân và các điều kiện liên quan, chưa phân tích, đánh giá được việc xử lý vi phạm nên UBND TP chưa có kết luận cụ thể.
Kết luận Thanh tra là vậy, nhưng Sở TN&MT lại “ bỗng dưng” kiến nghị UBND TP.Hải Phòng “Giao UBND quận Ngô Quyền xem xét, xử lý việc công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…”.
“...Theo quy định tại Khoản 3, Điều 23 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ: trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã sử dụng ổn định từ ngày 15/3/1993 đến trước ngày 01/7/2014 không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 của Nghị định này”? - Báo cáo số 146/BC-STN&MT của Sở Tài nguyên và Môi trường ghi rõ.
Cần thay đổi quy hoạch cục bộ
Trả lời phóng viên, ông Bùi Nguyễn Hà – Trưởng phòng TNMT quận Ngô Quyền cho biết, sau khi UBND TP Hải Phòng có ý kiến chỉ đạo theo văn bản số 3126/VP-DDC1 ngày 26/8/2015 về việc xử lý vi phạm tồn tại trong việc quản lý sử dụng đất của HLV TP. UBND quận Ngô Quyền đã nhiên cứu nội dung đề xuất của Sở TN&MT ngày 12/8/2015 và cũng thống nhất với đề xuất của Sở TN&MT về việc cấp GCN QSD đất cho 5 hộ là cán bộ HLVTP theo quy định tại khoản 1,2 Điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấi đai.
Tuy nhiên, khi qua rà soát, đối chiếu với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết quận Ngô Quyền đến năm 2025 tỷ lệ 1/2000 được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 2224/QĐ-UBND ngày 11/11/2013 thì toàn bộ khu đất HLVTP (trong đó có 5 hộ) thuộc lô A-56 quy hoạch là đất công cộng cấp quận (ký hiệu CCKO-4).
“Vì vậy, để xem xét, xử lý cấp GCN QSD đất đối với 5 hộ cần điều chỉnh quy hoạch cục bộ lô A-56 phần đất có 5 hộ sử dụng từ đất công sang đất ở. Nếu không thay đổi thì không thể cấp GCN QSDĐ cho 5 cán bộ Hội làm vườn” – ông Hà nhấn mạnh.
Cần phải tháo dỡ công trình theo Luật đất đai
Trao đổi sự việc trên với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội, ông cho biết việc sử dụng đất của Hội làm vườn là vi phạm quy định về quản lý đất đai, xây dựng. Sau khi được cấp đất xây dựng văn phòng làm việc thì Hội làm vườn đã không sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Có thể nói rằng, trường hợp sử dụng đất của Hội làm vườn Hải Phòng như vậy là vi phạm quy định về quản lý đất đai, sử dụng đất sai với mục đích, xây dựng trái phép... Những vi phạm này lại không bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật. Có thể người vi phạm trong vụ việc này là những người từng có chức vụ quyền hạn, có nhiều mối quan hệ với cán bộ, lãnh đạo thành phố nên việc xử lý có phần e dè, nể nang...
Với những hành vi vi phạm luật đất đai, vi phạm trật tự xây dựng nêu trên thì UBND thành phố Hải Phòng hoàn toàn có thể áp dụng các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đất đai để ra các quyết định buộc tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng (biện pháp khắc phục hậu quả) và ra quyết định thu hồi khu đất đó bởi lý do sử dụng sai mục đích.
Đối với việc thu hồi toàn bộ khu đất trên, các cơ quan chức năng cần buộc tháo dỡ công trình xây dựng không phép theo quy định của Luật đất đai năm 2013, Luật xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Vụ việc này cũng cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan quản lý về đất đai địa phương trong việc không kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý đất đai, xây dựng.